Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ca mổ cột sống đầu tiên của Tây Ninh
Thứ ba: 02:30 ngày 27/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mức thù lao hiện đang áp dụng tại BVĐK Tây Ninh: bác sĩ mổ chính cho một ca mổ loại 1: 35.000 đồng, phụ mổ: 25.000 đồng… Nghe xong chẳng biết nên cười hay mếu?

Sáng 24.12, bác sĩ Lê Hồng Phước- Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) gọi điện báo tin: có ca phẫu thuật đặc biệt, qua liền được không? Tôi lập tức dẹp hết mấy việc định tranh thủ làm cho xong trong ngày thứ bảy và một vài dự tính nho nhỏ cho đêm Giáng sinh vui vẻ, dọt liền qua bệnh viện.

Nói đặc biệt vì đây là một ca phẫu thuật cột sống lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện tỉnh nhà. Bệnh nhân tên trong bệnh án là Ngô Da, một thanh niên 25 tuổi, người Campuchia bị chấn thương rất nặng do tai nạn lao động, làm gãy cả đốt sống thắt lưng, nhập viện ngày 18.12.2011 trong tình trạng đã bị liệt thân người. Từ trước tới nay, những ca nghiêm trọng như thế toàn phải chuyển đi TP.HCM. Lần này cũng coi như khoa Ngoại thần kinh- Cột sống BVĐK “mở hàng” mổ cột sống. Chuyên gia được mời đến để vừa mổ chính vừa hướng dẫn chuyên môn cho các bác sĩ của bệnh viện Tây Ninh không ai khác chính là PGS - TS - bác sĩ Võ Văn Thành, đến từ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM- một người con của đất Hoà Thành (Tây Ninh) đã từng tham gia ca mổ lừng danh tách rời cặp song sinh Việt Đức cách đây hơn hai mươi năm. Đi cùng đoàn với ông còn có 3 người khác. Về phía Tây Ninh, hai bác sĩ phụ mổ đều là 2 bác sĩ giỏi của BVĐK.

Kiểm tra trước mổ

Cả ê kíp thực hiện ca phẫu thuật hôm ấy cùng bước vào phòng mổ lúc 10 giờ. Tôi cũng tót theo, tất nhiên là phải được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện và tất nhiên là cũng phải thay trang phục bệnh viện với đầy đủ nón, áo, khẩu trang… y chang một nhân viên phòng mổ chánh hiệu. Tự ý thức mình là dân “ngoại đạo”, tôi cố chọn một góc thật khiêm tốn để khỏi thành kẻ chàng ràng, lộn xộn, gây trở ngại cho các y bác sĩ.

Bệnh nhân đã nằm sẵn trên giường mổ. Trong khi các y, bác sĩ lo chuẩn bị mọi thứ từ việc choàng áo mổ, sát trùng bàn tay, đeo găng tay, sắp xếp tư thế nằm của bệnh nhân… người phụ trách dụng cụ mổ thì lo bày biện các thứ dao, kéo và đủ thứ lỉnh kỉnh tôi không biết gọi là cái gì lên bàn thì kíp gây mê cũng nhanh chóng thực hiện phần việc của mình. Tôi vừa ngó đi ngó lại đã thấy bệnh nhân thiếp đi tự lúc nào không biết. “Giờ G” đã đến. Tự dưng tôi thấy hồi hộp khi bác sĩ Thành cầm lưỡi dao bé xíu rạch một đường đầu tiên lên phần lưng trần- dọc cột sống của bệnh nhân. Lúc đó là 10 giờ 30. Sự tập trung chú ý cao độ hiện ra trên toàn bộ ánh mắt, cử chỉ, động tác của tất cả mọi người, dĩ nhiên kể cả tôi. May mắn thay tôi không phải là người yếu bóng vía, nếu không chắc đã ngất xỉu vì nhìn thấy máu đang thi nhau tứa ra từ vết mổ. Máy đốt điện để cầm máu hoạt động liên tục. Kíp gây mê không chệch mắt khỏi các thông số hiển hiện trên máy gây mê hồi sức. Bác sĩ Thành vẫn thoăn thoắt đôi tay, vết mổ càng lúc càng vào sâu. Rồi tới lúc đã nhìn thấy được chỗ tổn thương. Tôi rùng mình khi nhìn thấy vết gãy rời, bứt làm đôi trên đốt sống của bệnh nhân- hậu quả của một chấn thương quá nặng nề. Sau khi từng mẩu xương vụn vằn, bể nát nằm lẫn lộn quanh chỗ tổn thương được nhặt sạch ra, là đến công đoạn xử lý cố định phần xương bị gãy. Lần đầu tiên tôi được trực tiếp mắt thấy tai nghe việc “hàn gắn” xương ngay trên thân thể con người là như thế nào. Cũng lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con ốc, vít, thanh nẹp… bằng inox- chẳng khác những vật dụng người ta vẫn thường dùng để bắc công tắc điện hay để treo tranh lên tường chút nào. Nhưng hỏi lại giá cả của chúng mới tá hoả: coi giống vậy mà không phải vậy, mỗi con ốc trong số 8 con ốc được dùng để cố định xương cho bệnh nhân Ngô Da có giá 1.000 USD/con. Bác sĩ Thành vẫn điềm tĩnh tay làm, miệng nói hướng dẫn cho bác sĩ Tùng và bác sĩ Mun (BVĐK Tây Ninh) từng động tác phức tạp- những động tác tỉ mỉ, chi li và chuẩn xác. Khi hai thanh inox dài nằm gọn, chắc chắn hai bên đoạn cột sống của bệnh nhân, tôi cứ tưởng mọi việc thế là xong, nào ngờ đó chỉ mới là “tập một”. Tập hai là mổ thêm một đường xéo trên phần hông phía trên gần nách bệnh nhân để xử lý thêm thì việc cố định xương mới thật bảo đảm. Chưa hết, còn có “tập ba”: mổ thêm một đường phần thân dưới để đục lấy xương chậu “hàn” lại chỗ xương bị mất ở cột sống. Khâu đóng vết mổ bắt đầu lúc 14 giờ 20. Từng mũi kim khâu nhẫn nại nối nhau dần dần thu gọn, làm liền lạc vết mổ vừa lúc nãy còn luênh loang máu. Những giọt mồ hôi rịn ra trên trán các bác sĩ đã đứng suốt gần 5 tiếng đồng hồ, không cả ăn trưa.

Tập trung cao độ

Tôi bước theo ê kíp mổ ra khỏi phòng. Chỉ đứng không, ngó không mà cũng thấy mệt. Tự hỏi những con người trực tiếp làm cái việc vô cùng phức tạp, đòi hỏi tổn hao nhiều năng lượng và cả chất xám để cứu người kia làm sao mà có thể quanh năm suốt tháng chịu được hay vậy? Không phải chỉ có các bác sĩ cầm dao mổ mà cả các kỹ thuật viên gây mê, các dụng cụ viên… kể cả nhân viên phục vụ cho phòng mổ cũng đều phải tập trung đầu óc rất căng thẳng để khỏi xảy ra sai sót đáng tiếc. Thế mới biết để giành giật mạng sống của mỗi một người bệnh khỏi bàn tay tử thần, nào phải chuyện giản đơn. Có tận mắt nhìn tôi mới hiểu và cảm thấy có phần thông cảm hơn thay vì chỉ biết phẫn nộ về những trường hợp tai nạn nghề nghiệp trong ngành y thỉnh thoảng vẫn nghe đâu đó, như bỏ quên gạc, quên kéo trong bụng bệnh nhân, hay thay vì mổ thận lại mổ lộn bao tử… Dĩ nhiên tôi cũng hiểu là những “nhầm lẫn” kiểu này tốt nhất đừng có xảy ra!

Theo lời bác sĩ Lê Hồng Phước, sau ca mổ này, các bác sĩ hàng chuyên gia nổi tiếng từ TP.HCM sẽ tiếp tục lên Tây Ninh để hỗ trợ cho khoa Ngoại thần kinh- Cột sống của Tây Ninh một số ca nữa, cho đến khi các bác sĩ tỉnh nhà có thể tự tin và tự mình đảm nhận lấy những ca phẫu thuật cột sống phức tạp tương tự. Âu đó cũng là điều đáng vui mừng về một hướng phát triển mới cho ngành y tế tỉnh nhà. Thôi cũng coi như bù đắp phần nào nỗi buồn về chuyện cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực thiếu thốn, chuyện người tài cứ theo nhau dứt áo ra đi… triền miên trong ngành nhiều năm qua.

Ấy thế, sau ca mổ, ngồi trò chuyện với các y bác sĩ tại Phòng Hồi sức sau mổ của bệnh viện, tôi được biết mức thù lao hiện đang áp dụng tại BVĐK Tây Ninh: bác sĩ mổ chính cho một ca mổ loại 1 (các ca nghiêm trọng như vỡ gan, vỡ lách, thủng tim…): 35.000 đồng, phụ mổ: 25.000 đồng. Với các ca mổ loại 2 (mổ ruột thừa, mổ bắt con… chẳng hạn) thì còn thấp hơn mức vừa kể 10.000 đồng và 5.000 đồng. Riêng các anh, chị điều dưỡng trực hồi sức sau mổ và cấp cứu chỉ chan chát 25.000 đồng/đêm.

Nghe xong chẳng biết nên cười hay mếu?

Nhất Phượng

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục