Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cá nhiễm đầy độc chết rồi đi về đâu?
Thứ tư: 09:16 ngày 27/04/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vấn đề xử lý cá chết nhiễm độc như thế nào để bảo vệ môi trường sống cho người dân vùng ven biển đang được hàng trăm bạn đọc đặt ra.


Nhiều người dân ở khu vực Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình vớt cá chết bán cho thương lái - Ảnh: Đoàn Thị

Kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lăng Cô và cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế: nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết là do một tác nhân cực mạnh, chất độc trong môi trường nước xuất hiện từ phía bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nhiều người cảm thấy bất an trước thông tin cá chết dọc bờ biển Quảng Bình được người dân thu gom bán cho thương lái. Những con cá chết nhiễm độc này sẽ đi về đâu?

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý cá chết nhiễm độc như thế nào để bảo vệ môi trường sống cho người dân vùng ven biển cũng được đặt ra.


Người dân vớt cá bán cho thương lái.

Không nên dùng cá chết vào bất cứ mục đích gì

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương cho biết không có cách gì để loại bỏ độc tố trong những con cá chết do nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng hoặc chất tẩy rửa mạnh…

Theo các bác sĩ, các phương pháp chế biến hải sản chết thành dạng khô hay đem làm mắm, nước mắm thì không đào thải được độc chất nếu có nên vẫn còn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết người ăn phải các loại cá chết tại vùng biển miền Trung (hiện đang nghi ngờ do bị nhiễm độc hóa chất) có thể bị nhiễm độc hóa chất, gây ngộ độc cấp (nôn ói, tiêu chảy, sốt, đau bụng,...), tăng nguy cơ dị ứng (mề đai da, phản ứng phản vệ như sưng phù đỏ da, hen suyển, tiêu phân máu....

Hoặc cũng có thể xuất hiện hiện tượng tích lũy trong cơ thể do không thải ra ngoài được, lâu dài sẽ gây rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn hoạt động chức năng các cơ quan bộ phận trong cơ thể.

“Những hóa chất độc hại dùng trong công nghiệp nếu tích tụ trong cơ thể người sẽ gây rất nhiều tác hại lên gan, thận…, không thải ra ngoài được” - BS Trần Ngọc Lưu Phương khuyến cáo.

“Vì vậy người dân ta không nên sử dụng hải sản chết theo kiểu này để chế biến thực phẩm” - BS Yến Thủy nói thêm.


Xuất hiện cá mới chết dạt vào bờ biển Quảng Bình ngày 26-4 - Ảnh: Quốc Nam

Xử lý cá chết nhiễm độc ra sao?

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa môi trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội, nhận định việc xử lý cá chết do nhiễm độc (dù chưa biết là độc gì) cũng phải tiến hành ngay và làm theo quy trình xử lý đặc biệt.

“Tôi không rõ đã có quy định về xử lý cá nhiễm độc chưa nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nên có quy trình xử lý riêng đối với cá nhiễm độc. Có thể xử lý cá nhiễm độc như xử lý vật nuôi bị dịch, bị nhiễm độc, chứ không thể xử lý như cá chết bình thường được”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, nếu chỉ xử lý như cá chết bình thường thì chất độc từ trong những cá chết do nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

PGS.TS Lê Văn Thăng, Viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường - công nghệ sinh học, Đại học Huế, cho rằng vấn đề cấp bách là ngay khi cá chết dạt vào bờ phải được mang đi xử lý ngay, không thể để tình trạng cá bị phân hủy, sinh dòi trên bờ biển.

Càng để lâu thì cá chết nhiễm độc càng gây hại đến môi trường biển, môi trường sống của người dân xung quanh.

PGS.TS Lê Văn Thăng nói có thể đào đất lấp đi và dùng vôi để tiêu hủy, nhưng nhất thiết phải chôn cá chết nhiễm độc ở nơi cách xa bờ biển, có thể là tại khu vực xử lý rác thải.

“Có thể cân nhắc đến biện pháp đốt” là ý kiến của TS Vũ Ngọc Long, viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam.

“Nếu chôn thì độc tố trong cá có thể ngấm vào đất hoặc mạch nước ngầm. Đốt sẽ giải quyết được vấn đề đó” - TS Vũ Ngọc Long nêu ý kiến.

Một vấn đề khác, theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, nên có sự kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ số cá chết do nhiễm độc trên bãi biển, phòng trường hợp những kẻ lợi dụng việc này để trục lợi.

“Phải quản lý ngay từ khâu thu gom, xử lý, không thể để thương lái thu mua về rồi tìm cách phát tán trong dân. Nguy hiểm vô cùng!”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nói.

Về vấn đề xử lý môi trường , TS Vũ Ngọc Long cho rằng nên thông báo cho người dân không được đến tắm biển hoặc vui chơi, giải trí ở những khu vực bờ biển có cá chết hàng loạt. Tiếp đó, có thể dùng máy xúc để bỏ đi lớp cát bề mặt và dùng các biện pháp khác để thải độc.

Ông Long cũng lưu ý phải chú trọng đến việc kiểm tra, xử lý nền đáy của những vùng biển xuất hiện cá chết hàng loạt bởi khu vực đáy này có thể đã bị ô nhiễm, nhiều sinh vật có thể đã chết hoặc ngấm độc tố mạnh. 

Chưa biết dùng hóa chất gì để xử lý cá chết

Ông Trần Đình Du, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Bình, cho biết việc xử lý cá chết tại Quảng Bình trong những ngày qua chủ yếu bằng cách thu gom, đào hố chôn và rắc vôi bột.

Theo ông Du, hiện tại các cơ quan chức năng của trung ương vẫn chưa cho biết là cá chết vì loại hóa chất gì nên phía địa phương cũng chưa thể biết dùng loại hóa chất gì để khử độc khi xử lý cá chết. Việc sử dụng vôi bột dù biết là chỉ để khử trùng nhưng chúng tôi không có cách nào khác”, ông Du nói.

Ông Du cũng xác nhận việc hai ngày qua dọc bờ biển Quảng Bình đã xuất hiện trở lại hiện tượng cá chết dạt vào bờ.

Liên quan đến việc xuất hiện hiện tượng người dân đi vớt cá chết về bán cho thương lái, ông Du nói sở này chưa nắm cụ thể.

“Việc này vô cùng nguy hiểm. Tôi sẽ ngay lập tức cho cán bộ xuống địa bàn kiểm tra và ngăn chặn ngay” ông Du nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài

>> TS Vũ Ngọc Long


>> BS Đào Thị Yến Thủy


>> BS Trần Ngọc Lưu Phương

Nguồn Tuổi Trẻ

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh