Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” có kết quả cần thực hiện đồng bộ từ quy hoạch phát triển ngành hàng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm vốn, lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ logistic…
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh. Ảnh: Thanh Nhi
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh”, tổ chức vào ngày 6.1.2017, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình có bài phát biểu về vấn đề chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam. Báo Tây Ninh xin trích đăng nội dung bài phát biểu này:
“Nước ta có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, có đủ điều kiện phát triển toàn diện các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá lớn. Đảng, Nhà nước ta luôn coi nông nghiệp, nông thôn có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X đã xác định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…” và “công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Mới đây, Nghị quyết số 06–NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, ngày 5.11.2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới nhấn mạnh: “Tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Triển khai hiệu quả các nội dung “tam nông”, mô hình “liên kết bốn nhà”. Khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới với hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu”.
Nông dân HTX rau an toàn Long Mỹ chăm sóc khổ qua. Ảnh: Thuý Hằng
Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn, như: vùng sản xuất lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long; vùng chuyên canh cao su, cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ; vùng chăn nuôi bò sữa ở nhiều địa phương trên cả nước… Kim ngạch xuất khẩu năm 2016, ước đạt trên 32 tỷ USD. Tuy nhiên, về cơ bản, nền nông nghiệp nước ta vẫn dựa trên sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, gây kìm hãm sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao có sức cạnh tranh quốc tế, nâng cao đời sống người dân nông thôn, bảo đảm nền nông nghiệp hàng hoá của nước ta có đủ thực lực để đứng vững và phát triển trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Xoài tứ quý trong vườn nhà anh Lưu Văn Xu - HTX xoài Thạnh Bắc (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên). Ảnh: Vũ Nguyệt
Tôi đánh giá cao việc Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Tây Ninh đã chủ động triển khai kịp thời chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành kịp thời các nghị quyết, chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp trở thành mũi nhọn quan trọng của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chủ động hội nhập thị trường thế giới và trong nước. Để thực hiện chủ trương trên, Tây Ninh đã chủ động nghiên cứu, học tập các mô hình trên thế giới và trong nước; tổ chức nghiên cứu thị trường, quảng bá và tiếp thị ra quốc tế cho nông sản của tỉnh một cách bài bản, hiệu quả; liên kết các kênh phân phối nội địa có uy tín để tìm đầu ra cho nông sản. Từ đó, Tây Ninh đã bước đầu thu hút được nhiều nguồn lực lớn trong nước và quốc tế tham gia đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Để “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” có kết quả cần thực hiện đồng bộ từ quy hoạch phát triển ngành hàng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm vốn, lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ logistic… Trong đó, doanh nghiệp có vai trò quan trọng bảo đảm sự hoạt động của toàn chuỗi giá trị.
Tôi đề nghị, Bộ NN&PTNT có cơ chế, chính sách hỗ trợ Tây Ninh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị; Ngân hàng Nhà nước có chính sách bảo đảm vốn và vay vốn ưu đãi theo các đề án được phê duyệt; các bộ, ngành khác chung sức hỗ trợ Tỉnh uỷ – UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Mô hình điểm sẽ trở thành nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước.
Tỉnh uỷ – UBND tỉnh Tây Ninh phát huy lợi thế so sánh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trên trục giao thông thành phố Hồ Chí Minh- Phnom Penh (Campuchia), nơi có tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm cây công nghiệp có lợi thế như cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn quả… cần có nhiều giải pháp đồng bộ để giữ chân và tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về với Tây Ninh, biến Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X của tỉnh trở thành kế hoạch hành động cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Đồng thời, tăng cường tập huấn, đôn đốc, kiểm tra cán bộ các cấp để tạo sự đồng thuận, thống nhất toàn tỉnh từ lãnh đạo đến cán bộ cơ sở. Có như vậy, mô hình phát triển nông nghiệp bền vững này mới thành công tại Tây Ninh.
Anh Nguyễn Trí Hưng, 39 tuổi, ngụ ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu bên vườn thanh long. Ảnh: Thanh Nhi
Từ kinh nghiệm của quá trình chuẩn bị và kết quả tổ chức thành công hội thảo này, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tạp chí Nhà quản lý tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác hơn nữa với các tổ chức quốc tế để xây dựng chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam hội nhập vào các thị trường lớn của thế giới; tổ chức truyền thông hiệu quả, thu hút thêm nguồn lực đầu tư để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đến các địa phương khác trong cả nước.
Tây Ninh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, gan dạ, mưu trí, anh hùng, bất khuất trong chiến tranh; là vùng đất đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. Tôi tin rằng, với kết quả, mục tiêu các bên đưa ra tại hội thảo này, và các nhà đầu tư lớn quốc tế, trong nước đã và đang đăng ký đầu tư thực hiện các khâu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp, sau 5 năm triển khai mô hình “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế”, GDP của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cán mốc 8 tỷ USD và thu nhập nông dân từ 1,5 nghìn USD/năm, lên 5 nghìn USD/ năm là hiện thực, việc Tây Ninh đăng ký trở thành nơi làm điểm mô kinh tế nông nghiệp bền vững này là hoàn toàn có cơ sở. Cả nước chung tay cùng với Tây Ninh phát triển mô hình điểm không chỉ là trách nhiệm, là một nghĩa cử tri ân đối với Tây Ninh, mà còn vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp của cả nước”.
P.TK
(*) Tựa do toà soạn đặt