Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cả nước đang có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

Cập nhật ngày: 19/08/2016 - 09:24

Quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó những người có trình độ từ đại học trở lên đứng đầu danh sách thất nghiệp…

Theo Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1/2016.

Trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, chiếm tới 40%. Trong đó 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên; 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.


Cả nước đang có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho hay, nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ít đang là thực trạng của thị trường lao động.

Liên quan đến sự thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, ông Diệp cho rằng, cần phải có sự kết hợp của các bộ ngành, phải thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng. Nhất là phải có dự báo để đổi mới kế hoạch hoá giáo dục đào tạo tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Cũng theo bản tin, hiện Việt Nam có 70,85 triệu người từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,36 triệu. Dân số từ 15 tuổi trở lên và lực lượng lao động khu vực thành thị có xu hướng tăng khá nhanh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dân số từ 15 tuổi trở lên tăng 6,27% và lực lượng lao động tăng 7,49%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung được cải thiện chậm, chiếm 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56% so với quý 2/2015. Tỷ trọng lao động khu vực nông thôn và ngành nông - lâm - thủy sản, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý 2 đạt 4,85 triệu đồng, giảm 228.000 đồng so với quý 1/2016 (5,08 triệu đồng) nhưng tăng thêm 393.000 đồng so với cùng kỳ quý 2/2015.

Theo thống kê, tất cả các nhóm nghề đều có thu nhập thấp hơn quý 1/2016, nhưng cao hơn quý 2/2015. Nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách đối với các nhóm còn lại.

Cụ thể, thu nhập ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có thu nhập cao nhất nhưng chỉ cao hơn 2,42 lần so với quý 1/2016 (2,46 lần) và giảm mạnh so với cùng kỳ 2015 là 2,56 lần.

Đặc biệt trong quý 2/2016, lao động thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất (dưới 2,93 triệu đồng/tháng) giảm 1,56% so với quý trước.

Dự báo 6 tháng cuối năm, việc làm tăng trong một số ngành như: xây dựng, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, kinh doanh bất động sản. Lao động trong ngành nông nghiệp giảm nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ.

Nguồn infonet