Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập
Chủ nhật: 23:19 ngày 11/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 10.6 tại Trường đại học Phenikaa (Hà Nội), Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và hơn 500 giáo viên, học sinh, sinh viên từ hệ thống giáo dục Phenikaa. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước. Tham dự lễ phát động tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng đại diện sở, ban, ngành.

Xoá mù chữ

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, qua đó tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sau sự kiện này sẽ triển khai phong trào thi đua sâu, rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng phong trào, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực- nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Trong 4 mục tiêu chính của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”.

Đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 1, trong đó 46/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Một kết quả quan trọng khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận.

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “diệt giặc dốt” đến nay, chưa có phong trào thi đua mang tầm quốc gia được phát động về lĩnh vực xã hội học tập. Đây là sự tiếp nối và phát huy những thành quả của phong trào thi đua yêu nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

Học sinh Trường THPT Tây Ninh đặt câu hỏi trong một buổi tư vấn tuyển sinh đại học.

Học tập để đưa đất nước sánh vai cường quốc năm châu

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005- 2010”; năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020” và năm 2021. Việc triển khai các đề án đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "… Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm". Và chính Người cũng là một tấm gương vĩ đại, mẫu mực về tự học, tự rèn luyện, học tập suốt đời.

Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến đổi, kỷ nguyên toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đặc biệt quan trọng. Lời căn dặn của Bác Hồ "Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi" đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thực tế đã chứng minh, không có quốc gia phát triển nào mà không bắt đầu từ giáo dục. Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng triển khai ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Australia, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel… Đến nay, đã có hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến "thành phố giáo dục, thành phố học tập".

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là Chỉ thị số 11 ngày 13.4.2007 của Bộ Chính trị, Kết luận số 49 ngày 10.5.2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 29 ngày 4.11.2013 của Trung ương. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền về phong trào và điển hình tiêu biểu, tạo động lực, truyền cảm hứng, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả; tạo sự lan toả trong xã hội để khích lệ tinh thần nhà nhà, người người học tập; thôn, xã, huyện, tỉnh và cả nước học tập.

Cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống. Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục