Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cà phê mang đi, ốc hấp mang về
Thứ sáu: 16:03 ngày 04/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thực ra mang đi hay đem về cũng giống nhau ở chỗ, là mua xong đem đi nơi khác hoặc mang về nhà sử dụng. Từ xưa, có thứ gì mà chẳng thể mua về. Nhưng, cứ theo cái tập quán cà phê ở Tây Ninh từ nhiều năm qua, uống cà phê mà phải đem đi/về thì còn gì gọi là cà phê nữa. Ra quán cà phê là để gặp bạn bè, bù khú vài câu chuyện rồi nhâm nhi từng “giọt đắng” cà phê.

Cái mới nhất của sự mua bán đem đi/về có chăng là vài ba nơi bán ốc. Mươi năm trước Tây Ninh cũng đã có nhiều quán ốc. Quán nào chỉ bán ban đêm thì gọi ốc đêm. Còn quán ban ngày thì đủ tên gọi. Theo số nhà, theo cái cây trước cửa… thậm chí theo giá tiền. Như ốc 30k chẳng hạn.

Từ mùa dịch Covid- 19 hơn một năm trước đến nay, xuất hiện thêm quán ốc đem về. Lúc đầu gọi quán e hơi quá. Vì thường chỉ có một người đem thúng ốc bày bên lề đường, gắn tấm các-tông ghi chữ “ốc hấp”. Thế là thành quán.

Nhớ mùa dịch năm ngoái, tỉnh nhà áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, nhiều quán nhậu, quán ăn đóng cửa, tránh tập trung đông người. Như các quán bò tơ Sáu Tâm, nhà hàng Kubo hoành tráng… trên đường Nguyễn Trãi.

Nhà hàng lẩu dê Bình Minh rộng rãi cũng phải treo biển sang quán. Vậy là các điểm bán ốc hấp xuất hiện. Khi thì trước chợ phường IV, trên đường Võ Thị Sáu; lúc lại ở ngay trước khu siêu thị TTC đường 30.4.

Quán đều bán lúc ban chiều, khi công nhân viên chức tan tầm. Các đệ tử của ốc hoặc của "thần lưu linh" chỉ việc dừng xe một phút là đã có ngay một bịch đủ ốc hấp chanh sả thơm lừng, kèm một bịch nước chấm chuẩn dùng riêng cho ốc. Chỉ còn hơi tiếc là dù có mồi, nhưng vẫn thiêu thiếu thứ gì ấy, khi không còn được tụ tập bạn bè nâng ly cụng chan chát, "dô... dô".

Rồi cũng sẽ quen đi nhiều nếp sống, hành vi trong thời chống dịch, tạm gọi là bình thường mới. Như hơn một năm qua, nhiều người đã quen với hội họp trực tuyến tại các cơ quan công sở, quen đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn khi vô siêu thị, đến bệnh viện hay vào chợ.

Ði ra đường ngày nay mà không đeo khẩu trang, là bị mọi người nhìn ngó xem như "sinh vật lạ" ngoài đường. Tình hình giống như hồi mới thực hiện quy định đội nón bảo hiểm khi đi xe máy. Giờ thì đã thành quen, đến nỗi nếu vội vã đi mà không mang nón bảo hiểm, sẽ thấy mắc cỡ, muốn độn thổ trên đường.

Cà phê mang đi thì nhiều người đã quen dùng. Bằng chứng là nó vẫn tồn tại và xem ra lại phát triển hơn, dù cũng đã có từ năm, bảy năm về trước. Vậy là nó đã thích nghi và sống được. Khi nó ra đời còn chưa có dịch Covid-19.

Nay dịch bệnh hoành hành, xem ra cà phê mang đi càng thích hợp đấy thôi. Tôi nhớ dạo nó mới ra đời, với những cái quầy nhỏ đóng bằng những thanh gỗ tạp. Trong khi đó giới chủ quán cà phê lại thịnh hành loại quán cổ nhà xưa, cột cây ngói cũ.

Có quán lại phô trương những cột tròn gỗ gõ đỏ bóng lưỡng, tròn xoay ôm vừa một vòng tay. Trong quán lại xếp đầy những bộ bàn ghế, lục bình khổng lồ chế toàn bằng gỗ quý. Tôi đã từng thấy vinh hạnh làm sao, khi chỉ với một ly cà phê đá hơn 10 ngàn đồng, mà được ngự trên một cái ghế bành giá khoảng 500 triệu đồng.

Vậy mà cái anh cà phê gỗ tạp đóng thùng, đặt bên lề đường gió bụi lại ngang nhiên xuất hiện như một sự thách thức cạnh tranh công khai trong thời kinh tế thị trường. Có lẽ “anh” còn có một ngầm ý nữa là công kích nạn khai thác gỗ quý làm đồ gia dụng của một số đại gia và doanh nghiệp. Anh còn tới ngày nay, cũng có nghĩa là anh đã thắng.

Còn ốc hấp? Mới nhất gần đây thì có quầy bán ở gần ngã tư Ao Hồ, đường Võ Thị Sáu. Bữa mới thấy tôi ghé vào mua. Có hai bạn nam thanh niên thoăn thoắt tay, miệng cười vui chào khách. Không đầy 1 phút, tôi đã có ngay hộp ốc lác nóng hổi, kèm theo nước mắm, rau thơm như thường thấy ở khu chợ đêm ngày trước. Vậy mà chỉ độ tháng sau, đi qua đã thấy quán khuếch trương ra tới mấy quầy, kèm cái biển nhỏ ghi danh là quán ốc 30K Anh Mập. Lại ghé vào và chúc 2 bạn trẻ khởi nghiệp thành công.

Ðã vào tuần đầu tháng 6.2021. Ðang là mùa bùng phát dịch Covid- 19 lần thứ tư trên cả nước. Ngành Y tế, Nhà nước, Nhân dân và các lực lượng vũ trang đang chung sức đồng lòng dập dịch. Trong cuộc chiến đấu này, không thể tránh khỏi một vài tổn thất. Cũng sẽ có nhiều người lao đao vì mất việc làm. Vài câu chuyện kể trên như ví dụ về quan niệm: cánh cửa này đóng lại thì sẽ lại mở ra cánh cửa khác!

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục