BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cả thế giới đang chuyển mình, hãy chờ đợi những điều tốt đẹp! 

Cập nhật ngày: 12/02/2024 - 13:14

Việc trải qua một năm 2023 đầy bất ổn dường như cũng khiến cả thế giới “ngộ” ra rằng giờ là thời điểm cho một cuộc cách mạng toàn diện, sắp xếp lại trật tự để tạo ra một nền hòa bình bền vững mới.

2024 - Động lực và nguồn cảm hứng mới

Tương lai thật mờ mịt khi nhìn lại năm 2023, nhưng cảm nhận đó có thể là sai lầm. Thế giới thực ra đang chuyển mình để hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ và chính sự tỉnh ngộ của nhân loại trong việc phải xây dựng một thế giới bền vững hơn. Năm 2024 có thể chưa thực sự bình yên trở lại, nhưng sẽ đầy những động lực và nguồn cảm hứng mới để chúng ta tiến lên!

Vậy sẽ có những cuộc cách mạng, sự kiện hay chính sách nào trong năm 2024 để có thể giúp chúng ta hy vọng về viễn cảnh đáng chờ đợi đó?

AI - niềm hy vọng về sự thịnh vượng chung

Trước tiên, đó là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) - một siêu công nghệ từng chỉ có trong trí tưởng tượng của con người. Và trước khi lo sợ về một viễn cảnh AI sẽ trở thành những đoàn quân robot thống trị Trái đất như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, thì có thể tin rằng công nghệ siêu đột phá này sẽ giúp ích rất nhiều cho nhân loại trong kỷ nguyên tới.

Giống như các cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi số phận con người trong quá khứ, AI sẽ đưa chúng ta bước vào một thời kỳ thịnh vượng mới, có tác động lớn hơn bất kỳ cuộc cách mạng nào trong lịch sử. Nó sẽ giải phóng sức lao động của con người, thậm chí ở mức độ toàn diện, hơn rất nhiều những cuộc cách mạng công nghiệp mà động cơ hơi nước, điện, điện tử… hay internet đã làm được.

Trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng sẽ trở thành “cây đũa thần” đem lại sự thịnh vượng cho toàn thế giới. Ảnh: IHD

Không có gì phải bàn cãi, nền hòa bình cơ bản của loài người luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế, được cải thiện rõ rệt sau mỗi cuộc cách mạng công nghiệp - công nghệ. Đơn giản, không khác gì mối quan hệ giản đơn trong xã hội con người, kinh tế phát triển sẽ giảm bớt căng thẳng và tranh chấp giữa các quốc gia, giữa các khu vực. Ai cũng phải thừa nhận kinh tế sẽ quyết định ý thức, dù ở bất kể thời kỳ và quy mô nào.

Đến lúc này hẳn sẽ có nhiều thắc mắc rằng dù thế giới đã thịnh vượng hơn sau các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử, song chẳng phải vẫn còn quá nhiều khổ đau, bất công và vẫn còn đầy  rẫy những cuộc chiến chết chóc hay sao?

Đúng vậy! Chỉ trong gần 100 năm qua, thế giới đã tiến bộ vượt bậc nhờ các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ, thậm chí tạo ra của cải bằng tất cả lịch sử hàng trăm nghìn năm trước đó cộng lại. Nhưng sự phát triển đó không đồng đều, thậm chí chênh lệch đến mức bất công, khiến chỉ một quốc gia giàu có đã nắm giữ sức mạnh kinh tế gấp nhiều lần một nửa phần còn lại.

Cụ thể, GDP toàn thế giới 2023 là hơn 104 nghìn tỷ USD (theo dự báo của IMF), thì Mỹ đã chiếm 26 nghìn tỷ USD, trong khi có tới 143/213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có GDP không quá 100 tỷ USD – tức tổng cộng cũng không bằng một phần GDP của Mỹ, hoặc của Trung Quốc hay những quốc gia giàu có ở châu Âu.

Đáng nói hơn nữa, trong khi một số quốc gia giàu có thừa thãi của cải, thì lại có những nước khác lại đang rơi vào cảnh nghèo đói và bất ổn triền miên. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố vào ngày 11/7/2023, vẫn có tới 1,1 tỷ người ở 110 quốc gia trong số 6,1 tỷ người trên thế giới đang sống trong cảnh nghèo đói!

Rõ ràng, chỉ có phép màu mới đem lại sự thịnh vượng chung cho toàn thế giới. Nhưng hãy lưu ý, AI đang được xem như là “cây đũa thần” mà nhân loại đang kỳ vọng. Nếu nhìn lại những gì mà công nghệ này đã làm được kể từ khi bùng nổ với phát súng hiệu lệnh của ChatGPT vào cuối năm 2022, có thể tin rằng trong tương lai tới đây, con người chỉ việc hình dung và tưởng tượng, việc còn lại sẽ để các mô hình AI hay robot AI làm!

Khi dầu mỏ không còn là nguồn cơn của xung đột

Trước khi viễn cảnh về một sự thịnh vượng chung đó trở thành hiện thực, thì con người cần phải giải quyết những vấn đề trước mắt, thậm chí đã rất khẩn cấp. Đầu tiên phải kể tới là cuộc khủng hoảng khí hậu. Đó có thể nói là cuộc chiến mà cả nhân loại đã đối mặt trực tiếp, nếu nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm 2023, cũng như trong những năm trước đó, khi cả thế giới rút cuộc đã hiểu biến đổi khí hậu thực sự là thế nào; với việc giông bão, lũ lụt, cháy rừng và nóng nắng tàn phá gần như mọi nơi trên thế giới, từ châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương cho đến châu Á.

Năng lượng tái tạo sẽ là nguồn động lực để giúp củng cố nền hòa bình thế giới. Ảnh minh họa: GI

Nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ tạo ra một bước đột phá lớn trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2023 (COP28) vào cuối năm vừa rồi đã lần đầu tiên thống nhất sẽ dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong thời gian ngắn hạn; ít nhất hầu hết các quốc gia, các nhà khai thác dầu, than đá và khí đốt đã cam kết cắt giảm sản lượng và gây quỹ để đối phó với khí hậu.

Cũng tại COP28, 132 quốc gia đã cam kết tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo trên toàn thế giới ngay vào năm 2030 và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hàng năm. Liên minh Năng lượng tái tạo toàn cầu (GRA) đã cam kết hướng tới một tương lai năng lượng sạch và mục tiêu giảm 1,5 độ C. Liên minh coi than đá là quá khứ (PPCA) cũng đã kết nạp thêm 10 thành viên mới bao gồm cả Mỹ và UAE. Hơn 80% các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU) hiện đã cam kết tham gia PPCA.

Đây là lần đầu tiên nội dung cắt giảm nhiên liệu hóa thạch xuất hiện trong tuyên bố chung của COP, khi gần 200 quốc gia tham gia hội nghị ở UAE cuối năm vừa rồi thông qua thỏa thuận lịch sử về khí hậu. Nước chủ nhà UAE cho biết, đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử, chiến thắng, là kết quả của sự hợp tác và đoàn kết.

Cho đến thời điểm này, năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 29% trên toàn thế giới và theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), con số này sẽ tăng lên 35% ngay vào năm 2025. Thậm chí năng lượng xanh, năng lượng bền vững hiện đã được xem như là chính sách hàng đầu ở mọi quốc gia từ các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu… cho đến những vương quốc dầu mỏ ở Trung Đông. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, gồm cả Việt Nam chúng ta, cũng đã xem việc chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và cam kết thực hiện giảm phát thải CO2 ròng bằng 0 là chính sách hàng đầu.

Thực tế, thúc đẩy năng lượng tái tạo không chỉ là nghĩa vụ để chống lại biến đổi khí hậu, mà còn là một thời cơ để mọi quốc gia đều có thể đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đều có thể tiến tới sự thịnh vượng. Năng lượng xanh sẽ là ngành công nghiệp khổng lồ, sẽ thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần. Khác với dầu mỏ hay than đá chỉ hữu hạn và chỉ có ở một số khu vực, bất cứ quốc gia nào cũng đều có thể khai thác nguồn năng lượng vô tận từ mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt...

Khi dầu mỏ, than đá hay khí đốt trở thành quá khứ, thì sự bình yên cơ bản trên toàn thế giới sẽ càng được củng cố. Như đã biết, rất nhiều căng thẳng địa chính trị, xung đột, bạo lực hay tranh chấp trên thế giới đều liên quan đến nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch. Và những nguồn cơn xung đột đó sẽ không còn tồn tại trong “kỷ nguyên xanh” tới đây, với bước ngoặt sẽ xuất hiện ngay trong năm 2024.

Như vậy, với sự kết hợp của hai nguồn năng lượng vô tận là trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo, tương lai thế giới thật đáng kỳ vọng!

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai 2024 - giải quyết khoảng trống trong quản trị toàn cầu

Theo Liên hợp quốc, những cú sốc lớn trên toàn cầu trong những năm gần đây - bao gồm đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu, cùng nhiều cú sốc khác - đã thách thức các thể chế quốc tế của chúng ta. Sự thống nhất xung quanh các nguyên tắc chung và mục tiêu chung của nhân loại vừa quan trọng vừa cấp bách. Và theo đề xuất của Tổng Thư ký António Guterres, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định rằng Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của thế giới sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2024.Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai được đánh giá là cơ hội nghìn năm có một để tăng cường hợp tác trong những thách thức quan trọng và giải quyết những khoảng trống trong quản trị toàn cầu, tái khẳng định các cam kết hiện có bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời hướng tới hồi sinh một hệ thống đa phương, định vị tốt hơn để cải thiện tích cực cuộc sống của nhân loại.

Tranh cổ động trước trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: LHQ

40 cuộc bầu cử, gần nửa thế giới chuyển mình

Ngoài ra, thế giới năm 2024 vẫn còn những niềm hy vọng thực tế và trực diện hơn. Trước tiên, đây sẽ là ​​một năm bầu cử bận rộn bất thường của thế giới khi có tới 40 quốc gia sẽ bỏ phiếu để tìm ra những nhà lãnh đạo của mình, gồm 7/10 nước đông dân nhất thế giới. Trong số đó có cả Mỹ, Vương quốc Anh, Ấn Độ lẫn Liên bang Nga. Theo thống kê, 40 quốc gia này sẽ chiếm tới 41% dân số và 42% GDP toàn cầu, tức gần như một nửa thế giới sẽ chuyển mình. Dù kết quả thế nào, điều này cũng thật đáng kỳ vọng.

Khi thế giới không còn phải lo về giá nhiên liệu nhờ sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, sự trợ giúp của AI, sự chung tay bảo vệ khí hậu của nhân loại và bởi một nửa thế giới chuyển mình, thì những vấn đề cục bộ như cuộc chiến ở Ukraine, ở Gaza hay những vấn đề bạo lực khác sẽ dễ được giải quyết hơn nhiều.

Đúng là các cuộc chiến ở Ukraine hay Gaza đã tác động tới toàn cầu, nhưng về cơ bản chúng vẫn là vấn đề riêng của một số quốc gia, chưa có dấu hiệu rõ ràng sẽ lan rộng. Chúng có thể được giải quyết chỉ bởi một sự thay đổi nhỏ, thậm chí có thể lạc quan mà nói rằng, chỉ cần qua sự thay đổi trong tư tưởng của một số nhà lãnh đạo.

Không thể phủ nhận, năm 2023 rất bất ổn và thậm chí chết chóc nhất trong nhiều thập kỷ qua, song nó vẫn chỉ như một “cảnh báo đỏ” để thúc giục thế giới cần phải thay đổi. Tương lai vẫn nằm trong tầm tay của con người. Và năm 2024 sẽ hội tụ đầy đủ yếu tố để thế giới lại cùng nhau nhìn về một hướng; chẳng những có thể dần giải quyết những bất ổn hiện tại, mà còn có thể đặt những viên gạch móng đầu tiên cho một nền hòa bình và thịnh vượng chung trong tương lai. Hãy tin là như vậy!

Những sự kiện đáng mong đợi trong năm 2024

Tháng 1: Sáu quốc gia mới sẽ gia nhập nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS, gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và UAE.- Thuế suất thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% có hiệu lực, khiến các công ty khó lợi dụng kẽ hở pháp lý để chuyển lợi nhuận sang “thiên đường thuế”.

Tháng 2: Tết Nguyên đán và năm Nhâm Thìn bắt đầu. Những người sinh ra trong năm này được cho là người sáng tạo, tò mò, quyết đoán và thẳng thắn. - Ngoài ra, tháng này còn có sự kiện Indonesia tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào đúng ngày Ngày lễ tình nhân (14/2).

Tháng 3: Lễ trao giải Oscar lần thứ 96 diễn ra tại Los Angeles, Mỹ.

Tháng 4: Nhật thực toàn phần, được mệnh danh là Nhật thực vĩ ​​đại ở Bắc Mỹ, sẽ được nhìn thấy trên khắp lục địa này, cũng như ở một số khu vực khác.

Tháng 5: Trung Quốc sẽ ​​phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 6 lên Mặt trăng. Con tàu không người lái này sẽ mang theo các dụng cụ khoa học từ Pháp, Ý, Pakistan và Thụy Điển.

Tháng 6: Nghị viện châu Âu bầu cử để chọn ra 720 đại biểu cho cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu. - Giải bóng đá EURO 2024 khai mạc tại Đức. Một tuần sau, Copa America 2024 bắt đầu tại Mỹ.

Tháng 7: Đảng Cộng hòa chính thức đề cử ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. - Thế vận hội 2024 bắt đầu bằng lễ khai mạc trên sông Seine ở Paris, 100 năm kể từ lần cuối Thế vận hội mùa hè được tổ chức tại thành phố này. 

Tháng 8: Đảng Dân chủ chính thức đề cử ứng cử viên của mình cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Thế vận hội Paralympic bắt đầu ở Paris.

Tháng 9: Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai 2024 diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc, để bàn về cải cách các cơ quan toàn cầu, tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và các thách thức quan trọng khác.

Tháng 10: Cơ quan vũ trụ NASA của Mỹ phóng Europa Clipper, một tàu thăm dò sẽ nghiên cứu về sự sống của Europa - một trong những mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc. 

Tháng 11: Cả thế giới sẽ theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Cũng trong tháng này, sứ mệnh Artemis II của NASA sẽ đưa con người bay quanh Mặt trăng lần đầu sau hơn 5 thập kỷ, nhưng sẽ không đổ bộ.

Tháng 12: Liên minh châu Âu ​​bắt đầu triển khai Hệ thống xuất nhập cảnh (EES), một chương trình yêu cầu các công dân ngoài EU quét hộ chiếu khi vào khu vực Schengen.

Nguồn congluan