Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cá vồ đém nấu canh chua đọt cóc
Thứ năm: 12:00 ngày 09/07/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cá vồ đém rất hiếm gặp, có giá trị kinh tế cao vì thịt cá béo, dẽ dặt, thơm ngon (hơn cá tra, cá ba sa) nên được bà nội trợ miền Tây ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn như: chưng tương hột, kho tộ, chiên tươi v.v...

Nhưng có một món mà dân “nhậu” ưa thích nhất đó là: Cá vồ đém nấu canh chua đọt cóc.

Cá vồ đém tươi sống (Ảnh: BCT)

Cá vồ đém là loại cá da trơn (thuộc họ cá Tra, tên khoa học là Pangasiidae) là loại cá đặc hữu của Đồng bằng sông Cửu Long. Cá xuất hiện nhiều nơi trên sông Tiền, sộng Hậu, tập trung ở những vùng nước sâu; nhưng đôi khi cũng gặp ở những vùng nước cạn có dòng chảy xiết.

Vào mùa mưa (khoảng tháng Năm, tháng Sáu), chúng bắt đầu di cư về thượng nguồn để sinh sản và bào toàn nòi giống. Nắm được những đặc điểm nêu trên, người dân thường dùng các phượng tiện như: chài lưới, câu,… để đánh bắt.

Cá vồ đém có thân dài (tương tự như cá Tra). Mặt lưng thân và đầu có màu xám đen ánh xanh lá cây, nhạt dần xuống mặt bụng. Bụng cá có màu trắng. Để tránh nhầm lẫn chỉ cần xem nhìn xem phía trên gốc vây ngực (gần mang cá) có một đốm (đém) đen to. Phải chăng vì thế mà chúng còn có tên gọi là cá vồ đém?

Nhắc tới món cá vồ đém nấu canh chua đọt cóc, tôi còn nhớ như in trước sân nhà tôi bấy giờ có một cây cóc cổ thụ. Mùa nước lũ tràn về cũng là mùa cóc thay lá, ra hoa và đậu trái.

Mỗi khi ba chài lưới đánh bắt được cá vồ đém mang về nhà. Má liền sai tôi ra sân lấy cây sào “móc” nhánh cóc xuống, hái những đọt non cho vào rổ để má chế biến món ăn.

Theo lời má, cá vồ đém mà nấu canh chua với đọt cóc non rất hấp dẫn vì mùi thơm đặc trưng, lẫn vị chua chua của lá kích thích vị giác khiến ta ngon miệng hơn. Ngoài ra, lá cóc non còn là rau sạch và là vị thuốc trị xuất huyết nữa.

Mùa mưa cũng là mùa cóc ra đọt non, đơm hoa và đậu trái. (Ảnh: BCT)

Chế biến món ăn dân dã này rất dễ dàng và nhanh gọn, chỉ cần tinh tế nêm nếm cho món ăn vừa khẩu vị là được.

Trước hết, cá vồ đém bắt được (hay mua ở chợ) phải lựa cá thật tươi, trọng lượng từ 1,5 kg trở lên vì con lớn thịt dẻ dặt thơm ngon. Cho cá vào thau làm sạch nhớt với nước cốt chanh.

Dùng dao bén cạo sạch, cắt bỏ, vi, kỳ, móc bỏ ruột (nhớ chừa phần mỡ nơi bụng có vị béo và thơm ngon!), cắt khúc, rửa sạch để ráo. Bắc chảo lên bếp, phi đầu (mỡ) tỏi thơm rồi chiên sơ thịt cá săn lại, múc ra dĩa.

Bắc nồi nước lên bếp (với lượng nước vừa đủ) nấu sôi, cho cá (đã sơ chế) vào nấu chín. Kế đến, tuốt lá cóc lấy những lá vừa ăn, không già cũng không non, bỏ lá sâu và lá già, rửa sạch, để ráo. Chờ nước trong nồi sôi, cho lá cóc cùng các phụ liệu khác như: đậu bắp, rau muống, rau nhút,… vào.

Khi nước sôi bùng lên, các phụ liệu vừa chín tới, nêm nếm gia vị và nhắc xuống. Cuối cùng, múc ra tô, bỏ rau thơm (ngò om, ngò gai) lên, và cho vào vài lát ớt sừng chín cho có mùi thơm và màu sắc bắt mắt. Nhớ thêm 1 chén nước mắm ngon Phú Quốc nguyên chất trong đó có vài trái ớt hiểm chín, 1 dĩa bún nữa  là xong!...

Tô canh chua cá vồ đém nấu đọt cóc thơm lừng hấp dẫn. (Ảnh: BCT)

Nếu có dịp du lịch về miền Tây trong những ngày này mời bạn hãy khám phá cho được món canh chua cá vồ đém nấu lá cóc non. Dùng đũa gắp miếng bún trắng ngần, giẽ phần thịt nạc nơi bụng cá (có lẫn mỡ) cùng một ít đậu bắp, rau muống, rau nhút v.v… cho vào chén.

Chan miếng nước canh chua lá cóc cùng 1 xíu nước mắm ngon và đưa lên miệng “lùa” một hơi sẽ cảm nhận được hương vị ngọt, béo, dai dai của thịt cá vồ đém hòa lẫn vị chua thanh và mùi thơm đặc trưng của đọt cóc lan toả vào khắp giác quan, khiến ta nhớ mãi một món ăn dân dã nơi miền Tây giàu tiềm năng về kinh tế và du lịch sinh thái...

Theo Danviet

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục