Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Về lý thuyết, dân cư đảo Suối Nhím đã di dời sang khu tái định cư nên nơi đây là một vùng đất trống. Thế nhưng, trên thực tế thì không phải như vậy.

Bài liên quan:
>> Các “ấp đảo” trong lòng hồ Dầu Tiếng: Dang dở dự án di dân
“Khu dân cư” không ai quản lý
Về lý thuyết, dân cư đảo Suối Nhím đã di dời sang khu tái định cư nên nơi đây là một vùng đất trống. Thế nhưng, trên thực tế thì không phải như vậy. Trên đảo Suối Nhím hiện nay vẫn có khá đông người đang làm ăn, sinh sống. Điều đáng quan tâm là “xã hội” của những người “hồi cư” này hoàn toàn không có sự quản lý về mặt Nhà nước. Trên đảo giờ đây hoàn toàn không có tổ chức chính quyền, không có ban quản lý ấp, không tổ tự quản, không đội tuần tra, không trường học, không tổ y tế…
![]() |
Gia súc của dân “hồi cư” đảo Suối Nhím chăn thả trên vùng bán ngập |
Ông Hồ Quốc Thạch “nguyên Trưởng ấp Suối Nhím” cho chúng tôi biết khái quát tình hình trên đảo Suối Nhím: Thực hiện chủ trương của tỉnh, trên đảo Nhím đã có 292 hộ di dời sang nơi khác. Một số hộ sang khu tái định cư Đồng Kèn II (xã Tân Thành, Tân Châu), số còn lại về xã Suối Đá (DMC) sinh sống. Tuy nhiên cũng còn hơn 10 hộ chưa nhận tiền đền bù, vẫn “bám trụ” ở đảo. Trong khi ở khu tái định cư thì không đất sản xuất, không công việc làm ăn, còn ở đảo Suối Nhím lại có nhiều đất bỏ trống, nên nhiều người dân đã tự quay lại đảo tìm cách sinh nhai. Hiện nay, có 57 hộ dân quay lại đảo Suối Nhím, tuy nhiên số nhân khẩu thì không ai “thống kê” được vì… thay đổi liên tục. Những người “hồi cư” này kiếm sống bằng nhiều nghề như: trồng mì, trồng hoa màu, đánh bắt cá, nuôi gà, nuôi bò…
Bản thân ông Thạch nguyên là Trưởng ấp Suối Nhím, nên khi chính quyền phát động thực hiện dự án di dân, ông đã “làm gương”, dỡ nhà trên đảo, sang khu tái định cư Đồng Kèn II nhận đất ở. Nhưng rồi cũng vì ở khu tái định cư không biết làm gì để sống nên ông cũng “hết đường”, đành phải quay về đảo Suối Nhím mở một tiệm tạp hoá buôn bán cho những người ở trên đảo. Tình hình trên đảo hiện nay thật đáng lo ngại. Ông Thạch cho biết thêm: “Trường tiểu học Suối Nhím đã ngưng hoạt động từ nhiều năm, nay đã trở thành nơi cư trú của một số gia đình trở lại đảo. Việc chăm sóc sức khoẻ thì mạnh ai nấy lo. Mỗi lần có dịp ra chợ Suối Đá (huyện DMC), bà con mua sẵn một số thứ thuốc thông dụng như nhức đầu, đau bụng, cảm cúm, tiêu chảy… về để dành sẵn, khi nào bị bệnh thì lấy uống”.
Dự án kết thúc, nhưng... chưa hết việc
Trong tình hình có vẻ “phức tạp” về chuyện “dân đi, dân về” trên đảo Suối Nhím diễn ra như thế, thì ngày 9.7.2010 vừa qua, UBND huyện DMC tổ chức sơ kết công tác thực hiện Dự án di dời dân các ấp đảo. Theo báo cáo, Dự án đã được tỉnh cấp kinh phí hơn 38,7 tỷ đồng và đã chi phí bồi thường, hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng. Trong đó gồm có đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư ở ấp Đồng Kèn II; hỗ trợ tiền công khai phá, bồi thường cây trái, hoa màu, bồi thường nhà cửa, chính sách hỗ trợ cho dân trên đảo Suối Nhím và chi phí hoạt động của Hội đồng đền bù. Kết quả, đã xây dựng được khu tái định cư ở ấp Đồng Kèn II với diện tích hơn 521 ha, xây dựng cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Dự án đã bố trí cho 264 hộ dân từ ấp Suối Nhím và 16 hộ dân tại chỗ sinh sống tại khu tái định cư. Chính quyền địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 59 hộ, trong đó có 22 hộ xây nhà tường, 25 hộ cất nhà tạm, số còn lại để đất trống. Dự án cũng đã giao 215 ha đất trên đảo Suối Nhím cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện dự án trồng rừng. Trong đó, đã có 49,5 ha rừng trồng sẵn. Trong hai năm 2008 và 2009, Bộ CHQS tỉnh đã trồng được 165 ha rừng. Hiện nay, rừng trồng phát triển khá tốt. Năm 2010, sẽ tiếp tục trồng thêm 115 ha rừng còn lại.
Mục tiêu của dự án là di dời dân ở 4 ấp đảo Suối Nhím, Suối Bà Chiêm, Tà Dơ và Đồng Kèn sang khu tái định cư. Nhưng trên thực tế, đến nay chỉ mới di dời chưa hết số dân ở ấp Suối Nhím, dân cư của 3 ấp còn lại chưa thực hiện di dời. Riêng trên đảo Suối Nhím cũng còn tới 42 hộ chưa chịu di dời, mặc dù phần lớn trong đó đã nhận tiền đền bù, chỉ có 12 hộ chưa nhận tiền đền bù (3 hộ chưa nhận lần nào, 9 hộ chưa nhận đợt 2).
Điều đáng chú ý là tình hình chuyển nhượng đất ở khu tái định cư diễn ra rất phức tạp, trong số 280 hộ dân của ấp Suối Nhím và dân địa phương được bố trí chỗ ở trong khu tái định cư, đến nay đã có tới 122 hộ dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại cho người khác. Một số hộ nghèo, sau khi di dời sang khu tái định cư, cuộc sống tiếp tục khó khăn, chưa có giải pháp thoát nghèo, nên có nhiều hộ đã quay lại đảo Suối Nhím canh tác trên đất cũ.
Tại buổi lễ sơ kết dự án, ông Bùi Công Sơn, Chủ tịch UBND huyện DMC phát biểu: “Chúng tôi kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương cụ thể về việc sử dụng đất bán ngập, bố trí đất sản xuất hoặc có chính sách hỗ trợ khác cho những hộ không đất sản xuất đang sinh sống ở khu tái định cư và trên địa bàn huyện DMC. Đồng thời kiến nghị tỉnh kết thúc Dự án di dời dân 4 ấp đảo lòng hồ Dầu Tiếng. Những vướng mắc còn lại đề nghị UBND tỉnh mở một dự án khác do UBND huyện Tân Châu làm chủ đầu tư, vì các ấp Tà Dơ, Đồng Kèn, Suối Bà Chiêm trước đây thuộc xã Suối Đá, huyện DMC, hiện nay đã thuộc về xã Tân Thành của huyện Tân Châu”.
![]() |
Trẻ em ở đảo Suối Nhím không còn trường để đi học |
Dự án di dời dân ở 4 ấp đảo lòng hồ Dầu Tiếng ra khu tái định cư nhằm đảm bảo môi trường sinh thái, giữ gìn trong sạch nguồn nước và rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng cho đến nay đã được chủ đầu tư đề nghị kết thúc, trong khi trên thực tế còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm. Thiết nghĩ, kiến nghị của ông Bùi Công Sơn là rất thiết thực, cụ thể để mở ra hướng giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại và những hệ quả tiêu cực của nó. Bên cạnh đó chúng tôi thiết nghĩ, dù thế nào cũng cần phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ khi đến khu tái định cư. Riêng trên đảo Suối Nhím, cần giải quyết dứt điểm đối với những hộ chưa chịu di dời, đồng thời với việc “tạo lối thoát” cho những hộ tái xâm canh trên đảo. Vừa qua, tập đoàn An Viên (Hà Nội) đã có buổi trình bày với UBND tỉnh về ý tưởng xây dựng đảo Suối Nhím thành “phim trường” và khu du lịch sinh thái. Việc này khiến cho những ai quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, phòng hộ công trình thuỷ nông không khỏi băn khoăn: Phát triển du lịch ở một thắng cảnh, rõ ràng là cách khai thác “tiềm năng kinh tế” ở nơi đó. Nhưng liệu phát triển du lịch và thực hiện “giấc mơ Hollywood” trên một đảo bán ngập trong lòng hồ liệu có phù hợp với mục tiêu phòng hộ hồ thuỷ lợi hay không?
Hoàng Trương