Hai bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Đầu tư cho rằng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang chịu nhiều sức ép, bấm bụng chịu lỗ để kìm giá nhiều mặt hàng như điện, than, nước, xăng dầu...
Giải trình trước Quốc hội chiều 9.11, 2 vị bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Đầu tư cho rằng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang chịu nhiều sức ép, bấm bụng chịu lỗ để kìm giá nhiều mặt hàng như điện, than, nước, xăng dầu...
Cả buổi sáng, chuyện lỗ lãi, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, nợ đọng kéo dài của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được các đại biểu Quốc hội đưa ra mổ xẻ. Dù đánh giá rằng, báo cáo giải trình của Chính phủ căn bản đã sát thực tế song lại phản ánh một bức tranh đầy màu xám, khiến cử tri có cái nhìn thiếu lạc quan về tương lai.
Nỗi lo lắng của các đại biểu kéo dài đến gần nửa phiên "chất vấn" buổi chiều. Đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn: "Chúng ta hy vọng gì ở các tập đoàn - vai trò nòng cốt của nhà nước khi bức tranh tổng thể về họ vẫn ngổn ngang những mối lo".
Ông cho hay, Nghị quyết Quốc hội đề ra, trong vòng 10 năm tới, VN phải là một nước công nghiệp tiên tiến. Tuy nhiên, thực tế những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước - giữ vai trò chủ lực của nền kinh tế lại hoạt động kém hiệu quả, vốn mỏng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên. "10 năm - khoảng thời gian không phải là dài, tôi e rằng mục tiêu chúng ta về một đất nước công nghiệp rất khó đạt được".
Cùng chung những quan ngại này, nhiều đại biểu khác đề nghị Chính phủ nên duy trì hoạt động giám sát thường xuyên với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để kịp thời phát hiện sai phạm. Một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, những sai sót chỉ được phát hiện khi đã xảy ra quá lâu và việc xử lý cũng chỉ mang tính hình thức, chưa đủ răn đe.
Theo đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội, trong điều kiện cần thiết phải "chấp nhận đau xót" để khai tử một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ và nợ đọng kéo dài. Ngoài ra, Chính phủ cũng tính đến việc "cởi trói" cho những doanh nghiệp nhỏ, bằng việc bán bớt quyền sở hữu nhà nước, cổ phần hoá để họ phát huy vai trò của mình.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị "ép" phải nhận làm chủ đầu tư. |
Tuy nhiên, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh có cách nhìn khác. Ông cho rằng thực tế thời gian qua tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước đã làm rất tốt vai trò chủ lực của mình đối với nền kinh tế. Điều này có thể thấy rõ qua 2 năm 2008 và 2009 khi kinh tế VN đối mặt với tình hình khủng hoảng và suy thoái - dù khó khăn, thiếu vốn, các tập đoàn vẫn phải chấp nhận chịu lỗ để kìm giá bán và cùng với Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh dẫn chứng, suốt một thời gian dài chịu lỗ, hồi tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mới được tăng giá bán điện. Các lĩnh vực khác như hàng không, bưu chính viễn thông vẫn duy trì ổn định hoạt động và không được điều chỉnh giá bán. Than mới đây được phép tăng giá nhưng mức tăng cũng chỉ tiếp cận 80% giá thành. Các tổng công ty lương thực theo "lệnh" của Chính phủ phải mở kho mua gạo dự trữ và giữ giá cho nông dân. Lĩnh vực xăng dầu vốn bị mang tiếng nhiều nhất và bị người tiêu dùng phàn nàn nhiều nhất cũng phải chấp nhận bán lỗ trong nhiều năm trời. Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng vậy, không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia nên phải "ép" Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN đứng ra làm chủ đầu tư.
"Các tập đoàn, tổng công ty nhận nhiệm vụ của Nhà nước và hoạt động trong điều kiện khó khăn như vậy, thử hỏi làm sao mà kinh doanh hiệu quả cho được", người đứng đầu ngành tài chính lý giải.
Ông cũng cho hay một số doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài theo phản ánh trong báo cáo là vấn đề không mới và mang tính lịch sử, bao cấp để lại. Tuy nhiên, bản thân nội bộ các doanh nghiệp này có rất nhiều vấn đề kiện cáo phức tạp, Thủ tướng đang yêu cầu thanh tra nên chưa thể xử lý.
Liên quan đến chuyện đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả mà dư luận đang quan tâm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng các tập đoàn, tổng công ty đang thực hiện đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình. Ông dẫn chứng, Nghị quyết 10 của Quốc hội đã nêu rõ cần thí điểm thành lập một số tập đoàn kinh tế, đa ngành, đa lĩnh vực đa sở hữu nên việc doanh nghiệp đầu tư nhiều lĩnh vực là đúng chức năng. Theo ông, đã là tập đoàn là phải kinh doanh nhiều lĩnh vực mới có sức cạnh tranh và đủ khả năng thích nghi với mọi điều kiện và tình hình thế giới.
"Nếu EVN chỉ làm điện và các doanh nghiệp khác không được phép kinh doanh vào điện thì vô hình chung chúng ta đang tạo ra độc quyền Nhà nước. Tương tự nếu chỉ VNPT kinh doanh viễn thông thì thị trường đâu được cạnh tranh như bây giờ", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, khi đánh giá hiệu quả hoạt động từ các tập đoàn cần phải xét trên khía cạnh vai trò của họ trong việc gánh vác trọng trách của Nhà nước. Bởi lẽ, chỉ những doanh nghiệp này mới đưa điện tới vùng sâu vùng xa, đầu tư ra hải đảo, xây dựng đường xá, cầu cống và làm những phần việc mà những doanh nghiệp dân doanh không làm.
Trả lời câu hỏi về việc Nhà nước có kiểm soát được hiệu quả phần vốn của mình tại các tập đoàn, tổng công ty hay không, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng cần phải "tin doanh nghiệp và tạo một cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động". Chẳng hạn, Nhà nước chỉ giám sát doanh nghiệp có thực hiện đúng Luật hay không còn việc họ đầu tư vào đâu, dự án nào đôi khi cần phải để cho doanh nghiệp tự quyết.
"Nếu vấn đề nào cũng trình lên Thủ tướng, dự án nào cũng qua Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định e rằng doanh nghiệp sẽ để tuột mất cơ hội. Vì nếu thực hiện hết các thủ tục có thể kéo dài tới vài tháng trời", ông Phúc nói.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh khi trao quyền cho doanh nghiệp họ sẽ có trách nhiệm cao hơn với những dự án, lĩnh vực đầu tư. "Điều quan trọng nhất là khi doanh nghiệp tự làm, tự chịu, khi xảy ra sai sót, doanh nghiệp sẽ không đổ lỗi cho Thủ tướng và các bộ ngành", vị tư lệnh ngành đầu tư thể hiện quan điểm.
(Theo VNE)