Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thông tin tiếp về bài báo “Hiểm nguy từ các hầm ðất không rào chắn - sinh mạng con người là vô giá”
Các cấp chính quyền đã vào cuộc
Thứ hai: 00:08 ngày 16/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết “Hiểm nguy từ các hầm đất không rào chắn - sinh mạng con người là vô giá”, phản ánh thực trạng nhiều hầm đất, ao đất sau khi khai thác, chủ hầm không thực hiện rào chắn xung quanh khu vực khai thác theo quy định, dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, khiến dư luận hết sức bức xúc.

Một hầm khai thác đất rào chắn gọi là “cho có” để đối phó với cơ quan chức năng.

Các địa phương vào cuộc

Liên quan đến trách nhiệm của địa phương trong việc xử lý các hầm đất, ao đất không rào chắn, trao đổi với Báo Tây Ninh, ông Ðặng Văn Nghĩa- Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, trước tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn xã Tân Lập làm một học sinh chết đuối tại hầm đất khai thác lâu năm không rào chắn, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc và sẽ làm đến nơi đến chốn.

Cũng theo ông Ðặng Văn Nghĩa- UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng chính quyền các xã thống kê số hầm đất, ao đất trên địa bàn, nhất là những nơi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chưa thực hiện việc đóng cửa mỏ để có biện pháp xử lý, buộc các doanh nghiệp khai thác phải thực hiện đúng quy định. Ðối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình không thực hiện, UBND huyện sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.

Ðược biết, ngày 9.11, UBND huyện Tân Biên đã ban hành Công văn về việc tăng cường quản lý mỏ sau khai thác và các hầm, hố trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan, các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác.

UBND huyện yêu cầu kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định pháp luật.

Theo ông Nguyễn Trí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, đối với trường hợp cá nhân tự đào ao trái phép đắp nền gây ra cái chết cho 2 em nhỏ vừa qua trên địa bàn xã Biên Giới, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra vụ việc đào ao trái phép trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về quản lý khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản và người dân địa phương đang quản lý khu vực có hầm, hố sâu dạng “da beo” do khai thác từ rất lâu.

UBND các xã, thị trấn giám sát tất cả các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý, kiểm tra lập biên bản yêu cầu chủ mỏ sau khai thác, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản và người dân địa phương đang quản lý hầm, hố sâu chưa thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn xung quanh phải thực hiện các biện pháp bảo đảm và chịu trách nhiệm nếu để sai phạm xảy ra.

Ngày 12.11, UBND thị xã Trảng Bàng ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về  khoáng sản trên địa bàn, nhằm bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại tính mạng người dân.

UBND thị xã Trảng Bàng chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép khai thác, bảo đảm việc tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản như bảo đảm hồ sơ, thủ tục tại các điểm mỏ; việc khai thác, vận chuyển khoáng sản; công tác kiểm đếm trữ lượng, độ sâu; việc chuyển nhượng quyền khai thác; công tác đóng cửa mỏ; việc tận dụng đất dôi dư.

Ðặc biệt, UBND thị xã Trảng Bàng lưu ý các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đề án được duyệt tại các hầm mỏ, như xây dựng hàng rào, lắp đặt biển báo, chừa bờ bao, ta-luy, nhân sự bảo vệ thường xuyên trông coi cửa mỏ…

Rà soát lại các mỏ khai thác gần hết trữ lượng hoặc đang trong thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ để kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tận thu khoáng sản trái quy định. Ðồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản về các quy định của cấp trên đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân trên địa bàn. Vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, kịp thời phản ánh những hành vi vi phạm trong việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Ðối với huyện Châu Thành, ông Nguyễn Trí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện rà soát lại các hầm mỏ đã và đang khai thác trong việc thực hiện các biện pháp an toàn trong khai thác khoáng sản.

Sau khi các cơ quan chức năng và UBND các xã, thị trấn báo cáo danh sách thống kê, UBND huyện Châu Thành sẽ chỉ đạo xử lý tiếp theo để bảo đảm an toàn cho người dân sống gần khu vực các hầm, mỏ trong thời gian tới, hạn chế các tai nạn thương tâm.

Các hầm đất khai thác lâu năm tại ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng đã bị lở, xói mòn, hàng rào không còn, gây bức xúc cho người dân.

Cần có giải pháp ðồng bộ và quyết liệt

Theo UBND huyện Tân Biên, trong trường hợp không có tổ chức, cá nhân quản lý các hầm đất, ao đất cũ, UBND các xã, thị trấn lập danh sách, dự toán các chi phí về cải tạo môi trường đưa các mỏ về trạng thái an toàn và đề xuất hướng xử lý gửi về UBND huyện xem xét; thông báo hoặc có văn bản nhắc nhở các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất vào mục đích khác hoặc chuyển nhượng nhưng chưa thực hiện đóng cửa mỏ phải lập thủ tục đóng cửa mỏ theo đúng các quy định pháp luật.

Cũng trong ngày 9.11, UBND huyện Tân Biên ban hành thông báo về việc lập thủ tục đóng cửa mỏ sau khai thác và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khu vực đã khai thác, hầm, hố sâu gửi đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và người dân địa phương đang quản lý hầm, hố sâu.

UBND huyện đề nghị các tổ chức, cá nhân khi chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thuê đất phải đăng ký biến động đất đai theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có nhu cầu sử dụng đất, đề nghị có văn bản bàn giao Nhà nước quản lý theo quy định. Các tổ chức, cá nhân quản lý phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn (hàng rào, biển báo…) và chịu trách nhiệm nếu để ra sự cố, tai nạn.

Ðể giải quyết tình trạng hầm khai thác lâu năm nhưng không rào chắn, UBND thị xã Trảng Bàng có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xin hỗ trợ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường, bảo đảm an toàn khu vực tại các hầm, hố sâu khai thác từ rất lâu. Trong văn bản, UBND Thị xã nêu lên thực tế về tình trạng này tại địa phương, cũng như giải pháp khắc phục để các ngành hỗ trợ kinh phí cho địa phương quản lý khu vực các mỏ đã ngừng khai thác từ giai đoạn trước, các khu vực có hầm, hố sâu dạng “da beo” do khai thác từ rất lâu.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, trên toàn tỉnh, gần như địa phương nào cũng có hoạt động khai thác khoáng sản. Do đó, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương đồng loạt rà soát tình trạng này, từ đó có để có biện pháp giải quyết, hạn chế các tai nạn thương tâm xảy ra như trong thời gian qua.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh