Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Các CEO APEC: Rút khỏi toàn cầu hoá không phải là sự lựa chọn
Thứ năm: 18:20 ngày 09/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các doanh nghiệp đang điều chỉnh phương thức hoạt động ở nước ngoài trong bối cảnh biến động của môi trường thương mại và đầu tư quốc tế. Nhưng thực tế, họ không hề có ý định rút lui khỏi nền kinh tế đa phương.

Lãnh đạo các doanh nghiệp gặp gỡ tại APEC CEO Summit. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Theo quan điểm của các chuyên gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cho dù có rất nhiều bất định đang diễn ra trên thế giới, các CEO có mặt tại APEC CEO Summit 2017 vẫn tin rằng, toàn cầu hóa sẽ tiếp tục.

Các CEO vẫn lạc quan triển vọng phối hợp sau nhiều biến động

Thảo luận tại phiên làm việc đầu tiên của APEC CEO Summit 2017 với chủ đề “Tương lai của toàn cầu hóa”, ông Ian Bremmer, Chủ tịch tập đoàn Eurasia, chuyên gia phân tích về cục diện thế giới cho rằng rất khó nói gì về bức tranh thế giới trong vòng 3 năm tới.

Nhận định xu hướng toàn cầu hóa sẽ tiếp tục, nhưng ở một số chỗ nó đang bị tách rời khỏi mong muốn của người dân bình thường, ông Bremmer phân tích, không ít người châu Âu không còn thỏa mãn với EU, còn Hoa Kỳ đang có xu hướng xem xét lại với các hiệp định thương mại tự do đa phương.

Ông nhấn mạnh một yêu cầu là người dân bình thường phải hiểu được và có lợi ích rõ ràng từ toàn cầu hóa, do đó cộng đồng doanh nghiệp trên toàn cầu cầu phải chú ý đến điều này. Ông Bremmer cũng nhìn nhận rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp, các CEO toàn cầu không hẳn rút lui trước thách thức.

“Thậm chí, các doanh nghiệp Hoa Kỳ khó có thể rút lui ngay cả khi nước này đang có xu hướng ngả theo chính sách dân tộc chủ nghĩa, hướng về nước Mỹ vì các hợp đồng kinh doanh vẫn phải được ký kết và thực hiện”, ông Ian Bremmer phân tích.

Nhận định về triển vọng hợp tác, ông Robert Moritz, Chủ tịch toàn cầu Pricewaterhouse&Coopers (PwC) cho biết, khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp APEC thường niên của PwC với sự tham gia của hơn 1.400 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, triển vọng kinh doanh trong các nền kinh tế thuộc Diễn đàn APEC đang được cải thiện.

Thậm chí, các CEO ngày nay lạc quan hơn so với hai năm về trước. Có 37% các CEO nói rằng họ "rất lạc quan" về triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, so với 28% trong năm 2016. Có 63% CEO mong đợi quy mô kinh doanh toàn cầu của họ sẽ được mở rộng trong 3 năm tới.

Đặc biệt, 50% các lãnh đạo doanh nghiệp có dự định tăng đầu tư toàn cầu, cao hơn mức 43% năm ngoái. Hầu hết kế hoạch tăng vốn đầu tư của các CEO APEC năm 2018 (71%) sẽ được đổ vào các nền kinh tế APEC.

“Các doanh nghiệp đang điều chỉnh phương thức hoạt động ở nước ngoài trong bối cảnh biến động của môi trường thương mại và đầu tư quốc tế. Nhưng thực tế, họ không hề có ý định rút lui khỏi nền kinh tế đa phương”, ông Robert Moritz chia sẻ.

Hội nghị CEO Summit. Ảnh: VGP

Cần phương án B mang lại lợi ích công bằng cho “người chơi”

Trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu PwC khẳng định, trong bối cảnh thế giới biến động, các CEO nhìn thấy rõ hơn trách nhiệm xã hội của mình với sự phát triển bao trùm.

Có cùng quan điểm, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích cụ thể, nếu nhìn vào các dữ liệu, tiến bộ công nghệ là bà đỡ của toàn cầu hoá mang lại thịnh vượng.

Nếu so với những năm 90 thì hiện nay, GDP toàn cầu tăng gấp đôi, thương mại toàn cầu tăng cũng tăng gần gấp đôi, về tổng thể, giúp hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo cùng cực.

Tuy nhiên, có một số nhóm, như nhóm trung lưu ở các quốc gia phát triển, hay một số nhóm phản ánh chưa được hưởng lợi, điều này cần chỉnh sửa.

“Cần bảo đảm toàn cầu hóa phải mang tính bao trùm hơn, mang lại lợi ích cho nhiều người, mà đơn giản nhất phải mang đến các cơ hội cho người lao động, có việc làm, hay được đào tạo lại. Từ những dẫn chứng trên có thể thấy, rút khỏi toàn cầu hóa không phải là sự lựa chọn”, đại diện WB nói.

Ông Philipp Rösler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng, trên thế giới hiện nay để thu hút phiếu bầu, một số nhà lãnh đạo đã đề cao xu hướng dân tuý, chống lại các hiệp định đa phương, hay muốn tách ra các khối hướng tới những lợi ích đơn giản cụ thể, sẵn sàng biến quá trình toàn cầu hoá trở thành “nạn nhân”.

Để giải quyết vấn đề, điểm cốt lõi ở đây là cần giải quyết được tác động của các hiệp định thương mại, bảo đảm sự công bằng giữa các nền kinh tế (bao gồm cả những nền kinh tế có khả năng cạnh tranh yếu hơn), thông qua điều chỉnh các chính sách thuế… hay đơn giản là làm sao để khi hợp tác tạo ra nhiều việc làm.

Về chính sách, các Chính phủ có phương án hỗ trợ những người bị tác động bất lợi, cần đào tạo lại lao động, nâng cao trình độ chuyển dịch ngành nghề trong bối cảnh biến động, không để ai đứng bên lề của sự phát triển.

“Muốn tự do hoá cần chống lại những quan điểm phản đối tư do hoá thương mại, khi có nền kinh tế rút ra, cần có phương án B, thay thế, không để phụ thuộc. Tương lai thế giới thuộc về những người lạc quan, không phải thuộc về người bi quan”, ông Philipp Rösler nói.

TPP 11 có triển vọng để thành TPP 12, 13

Bà Virginia B. Foote, Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham). Ảnh: VGP/Huy Thắng

Liên quan đến vấn đề đàm phán TPP, bên lề Hội nghị Tổng kết Quan chức cao cấp (CSOM), ông Raul Salazar, Trưởng đoàn các quan chức cao cấp (SOM) APEC 2017 của Peru cho biết, tại APEC lần này, các thành viên sẽ có các cuộc họp bàn về TPP 11 và đã có nhiều tín hiệu tích cực bảo đảm cho thành công của cuộc họp về TPP.

“Chúng ta sẽ tìm ra cách để kiên định với các mục tiêu và thành công cùng nhau. Ở TPP, không có riêng một thành viên nào là quá quan trọng. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với nhau. Peru sẽ ở lại TPP đến cùng”, ông Raul khẳng định.

Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) diễn ra ngày 7/11, bà Virginia B. Foote, Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, mặc dù Mỹ đã chấm dứt những gì liên quan tới TPP, nhưng 11 thành viên còn lại của TPP vẫn tiếp tục tiến trình đàm phán trong suốt thời gian qua và mới đây nhất là vòng đàm phán TPP tại Nhật Bản. Tôi cho rằng những “tín hiệu tốt ” của sự thành công của TPP 11 có thể là sự khởi đầu cho TPP 12 hay TPP 13.

Còn chuyên gia Võ Trí Thành, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Việt Nam về hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cho hay, tới thời điểm này, dù có thể một số khác biệt về quan điểm nhưng có tinh thần “khá tích cực”.

“Tuy vậy, các kết quả cụ thể như thế nào cần chờ tuyên bố của các lãnh đạo TPP 11 sau Tuần lễ Cấp cao APEC này”, ông Thành nói. 

Ông Võ Trí Thành phân tích, có thể sẽ đóng băng tạm thời một số cam kết, điều khoản ở mức tối thiểu, làm sao để nó giữ được tinh thần hiệp định chất lượng cao gắn với cải cách thể chế hướng tới cách thức kinh doanh đầu tư thế hệ mới. Ngoài ra, 11 thành viên TPP sẽ vạch ra được lộ trình đàm phán để đi đến thoả thuận và đưa TPP vào thực hiện trong thời gian ngắn nhất.

Là nền kinh tế mở với khả năng sản xuất hàng xuất khẩu ngày càng được cải thiện, Việt Nam đặc biệt quan tâm tới TPP vì những lợi ích kinh tế đáng kể thu được từ thỏa thuận này. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng 11%, tương đương nguồn lợi 36 tỉ USD

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục