BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các cơ sở chế biến tinh bột khoai mì tự ý nâng công suất: Công hay tội?

Cập nhật ngày: 22/07/2009 - 05:58

Trong năm 2008, Cục Thuế Tây Ninh đã đề xuất UBND tỉnh tặng bằng khen cho nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, trong đó có một số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến tinh bột khoai mì. Chuyện làm ăn ngày càng tấn tới của các doanh nghiệp là chuyện rất đáng mừng. Tuy nhiên trong đó cũng có điều đáng lo là có một số doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì tự ý nâng công suất lên gấp nhiều lần, trong khi từ nhiều năm qua tỉnh đã có chủ trương không cho phép nâng công suất. Việc các doanh nghiệp chế biến khoai mì tự ý nâng công suất là công hay là tội?

Nhiều cơ sở chế biến khoai mì tự ý nâng công suất

Ở huyện Tân Biên có một doanh nghiệp chế biến khoai mì làm ăn rất hiệu quả. Năm 2007, doanh nghiệp có tổng doanh thu hơn 16 tỷ đồng. Năm 2008 tổng doanh thu được nâng lên hơn 34 tỷ đồng. Từ đó khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp cũng tăng tương ứng- năm 2007 nộp hơn 460 triệu đồng và năm 2008 nộp gần 1 tỷ đồng. Doanh thu doanh nghiệp tăng, chẳng những góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, mà còn góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Vì thế cho nên doanh nghiệp này đã được Cục Thuế đề xuất UBND tỉnh tặng bằng khen do làm ăn hiệu quả và chấp hành tốt nghĩa vụ thuế năm 2008. Rõ ràng, đây đúng là “công” và việc khen thưởng là xứng đáng. Thế nhưng song song đó cũng có ý kiến nhận định, sở dĩ doanh nghiệp tăng doanh thu là do nâng công suất chế biến cao gấp nhiều lần so với giấy phép trong khi tỉnh đã có chủ trương không cho phép nâng. Cho nên, nếu xét về mặt này thì doanh nghiệp đã vi phạm, là có tội.

Từ năm 2002, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có Công văn về việc tạm ngưng mở rộng và xây dựng thêm các nhà máy và cơ sở chế biến khoai mì tươi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII cũng xác định rõ: “…Chế biến khoai mì: Giữ ổn định công suất chế biến đến năm 2010, đáp ứng yêu cầu chế biến hết lượng củ mì trong tỉnh…”. Tuy nhiên, thực trạng thì… trước khi có chủ trương không cấp phép mới cho nhà máy chế biến tinh bột khoai mì hoạt động trên địa bàn tỉnh, đồng thời không cho phép các nhà máy chế biến đang hoạt động tăng công suất, thì tổng công suất chế biến toàn tỉnh chỉ vào khoảng hơn 1.500 tấn tinh bột/ngày; vậy mà đến nay theo số liệu thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 83 cơ sở chế biến tinh bột khoai mì với tổng công suất hoạt động hơn 3.500 tấn tinh bột/ngày- tương đương khoảng 14.000 tấn củ/ngày. So với tổng công suất trước đây thì tổng công suất chế biến tinh bột khoai mì hiện nay tăng hơn gấp đôi, và trong tổng số 83 cơ sở thì có đến 44 cơ sở tự ý nâng công suất, có cơ sở nâng công suất cao hơn trước gấp nhiều lần.

Quan điểm của ngành chức năng về việc các cơ sở chế biến khoai mì tự ý nâng công suất ra sao? Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc nâng công suất của các cơ sở chế biến trong thời gian qua là yếu tố phát triển theo định hướng công nghiệp hoá của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Quá trình nâng công suất được gắn liền với công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nên hạn chế các chất gây ô nhiễm môi trường. Nhận định này có thực tế không? Trong khi đó hiện nay vẫn còn các cơ sở chế biến khoai mì công suất nhỏ, thủ công tăng công suất-dù đã bổ sung thêm các hồ sinh học để xử lý, vẫn chưa đạt tiêu chuẩn quy định, nên đã gây ô nhiễm cục bộ khu vực chung quanh. Việc nâng công suất hoạt động gắn liền với việc xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường là góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc các cơ sở nâng công suất nhưng không thực hiện đúng và đủ các biện pháp bảo vệ môi trường thì phải được xử lý triệt để.

Sở Công thương thì cho rằng việc các cơ sở chế bến khoai mì tự ý nâng công suất trong thời gian qua là sự thiếu sót về mặt quản lý Nhà nước của các sở, ngành chức năng tỉnh và UBND các huyện, thị. Năm 2008, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn 3287/UBND-KTN không cho phép tăng công suất các nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Các cơ sở sản xuất nhỏ muốn nâng công suất phải tự thoả thuận hợp tác với nhau để đảm bảo nhà máy mới xây dựng không vượt tổng công suất của các cơ sở trước đó và phải áp dụng công nghệ xử lý nước thải theo phương pháp mới. Năm 2009, Sở Công thương tổ chức 2 cuộc hội thảo về công suất chế biến và xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học, các giải pháp xử lý nước thải cho các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì. Hiện nay, Sở Công thương đang chờ các sở chuyên ngành góp ý về các giải pháp xử lý môi trường, sau đó Sở sẽ báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Thực tiễn trên cho thấy, quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Công thương chỉ tập trung đề cập đến việc xử lý môi trường liên quan đến việc nâng công suất chế biến, chứ chưa đề cập đến việc thực trạng vi phạm chủ trương không cho phép tăng công suất lĩnh vực chế biến khoai mì. Đến nay, việc các cơ sở chế biến khoai mì tự ý nâng công suất trong thời gian qua vẫn chưa được ngành chức năng khẳng định là “công hay tội”. Việc xử lý môi trường đúng tiêu chuẩn là tất yếu phải thực hiện đối với tất cả các cơ sở sản xuất. Còn đối với các cơ sở vi phạm chủ trương không cho phép nâng công suất chế biến khoai mì cũng phải có biện pháp xử lý, để răn đe, ngăn chặn tình trạng tuỳ tiện làm sai như thế.

SƠN TRẦN