Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Các cổng thông tin điện tử quốc tế doanh nghiệp xuất khẩu cần biết
Thứ ba: 23:18 ngày 03/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - ​Sở Công Thương thông báo phổ biến đến các cơ quan, đơn vị về cách khai thác thông tin từ Cổng thông tin điện tử cơ sở dữ liệu Access2Market - thông tin tiếp cận thị trường EU.

Cổng thông tin điện tử quốc tế Global Trade Helpdesk.

Sở Công Thương vừa có văn bản phổ biến cách khai thác Cổng thông tin điện tử quốc tế Global Trade Helpdesk - Hỗ trợ thương mại toàn cầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai thác tối đa lợi thế. Đồng thời, Sở thông báo phổ biến đến các cơ quan, đơn vị về cách khai thác thông tin từ Cổng thông tin điện tử cơ sở dữ liệu Access2Market - thông tin tiếp cận thị trường EU.

Global Trade Helpdesk - Hỗ trợ thương mại toàn cầu

Theo đó, Cổng thông tin điện tử quốc tế Global Trade Helpdesk - Hỗ trợ thương mại toàn cầu (https://globaltradehelpdesk.org/en) đóng vai trò như dịch vụ một cửa để doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách tiếp cận dữ liệu thương mại và thông tin thực tế về các thị trường.

Cổng điện tử này cung cấp cho các công ty đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng, các dữ liệu về thuế suất, tiêu chuẩn và thủ tục về y tế và an toàn, thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như những mô thức và các thương mại hiện hành có liên quan.

Dữ liệu tại Cổng điện tử thu thập được từ ITC, UNCTAD và WTO, cũng như được chia sẻ từ nhiều tổ chức quốc tế và ngân hàng phát triển như Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), nhóm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Phòng Thương mại quốc tế (ICC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)...

Cổng điện tử này tập trung vào bốn hoạt động chính để tăng cường sự tiếp cận của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) với các thông tin thị trường chủ yếu: Phát triển một ứng dụng trực tuyến mang tính tương tác, tích hợp các thông tin thương mại và doanh nghiệp hữu quan, toàn diện; xây dựng một mạng lưới các đối tác quốc tế, khu vực và trong nước điều phối việc thu thập và phổ biến thông tin; đẩy mạnh nỗ lực thu thập thông tin nhằm tối đa hoá sự phối hợp đồng bộ, bảo đảm tính toàn diện và cập nhật của thông tin; tăng cường năng lực nhằm mở rộng tính phổ biến của GTH đến các MSMEs để đưa ra các quyết sách thương mại dựa trên thông tin tốt hơn.

Cổng thông tin cung cấp thông tin miễn phí giúp doanh nghiệp có thể so sánh nhu cầu sản phẩm của họ giữa các thị trường, tìm hiểu thuế suất và các điều kiện tiếp cận thị trường, tìm hiểu tiến trình xuất khẩu cũng như tìm kiếm đối tác doanh nghiệp.

Cổng điện tử cũng giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết sách về thương mại và đầu tư dựa trên việc được cung cấp thông tin tốt hơn cũng như cải tiến sự hỗ trợ của các thể chế hỗ trợ đầu tư cho khách hàng MSMEs của họ.

Cổng điện tử Global Trade Helpdesk có kết cấu gồm các mục: Trang chủ (Home), giới thiệu về Global Trade Helpdesk (About), các nguồn thông tin khác (Resources). Global Trade Helpdesk hiện nay đã được cải tiến và mở rộng, đã bao gồm các nguồn thông tin về biện pháp hạn chế, ứng phó Covid-19 từ các cơ quan quốc tế, bao gồm các thông tin về những hạn chế tạm thời được ban hành nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng, giúp các công ty thích ứng với những thực tiễn thương mại mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu sụt giảm đáng kể và nhiều MSMEs có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn.

Global Trade Helpdesk cũng cung cấp thông tin cải tiến về thống kê thương mại, thủ tục xuất nhập khẩu và quá cảnh thương mại, danh mục công ty mới, thông tin hỗ trợ về quyền sở hữu trí tuệ cũng như nguồn trực tuyến từ các cơ quan khác nhau để xây dựng kỹ năng phân tích thương mại, phân tích thị trường của các MSMEs.

Cổng thông tin điện tử hiện có các lựa chọn ngôn ngữ cho doanh nghiệp bao gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Ả-rập. Doanh nghiệp có thể trực tiếp truy cập vào website và tra cứu miễn phí các thông tin cần thiết về thuế suất, yêu cầu, thủ tục xuất nhập khẩu... Tuy nhiên, GTH yêu cầu đăng nhập nếu doanh nghiệp muốn truy cập vào dữ liệu thông tin doanh nghiệp sẵn có trên ITC Trade Map.

Tại trang chủ (Home) - Mục “Bắt đầu khai thác những cơ hội (Start exploring opportunities)”, doanh nghiệp sẽ điền mặt hàng xuất/nhập khẩu và quốc gia xuất/nhập mà doanh nghiệp đang muốn tìm hiểu thông tin. Sau khi điền đầy đủ thông tin và ấn “Go”, một loạt các thông tin cụ thể về việc xuất nhập khẩu mặt hàng sang quốc gia mà doanh nghiệp lựa chọn sẽ hiện ra.

Ở mục Tổng quan thị trường (Market overview), doanh nghiệp có thể lựa chọn thông tin cụ thể mà doanh nghiệp muốn tìm hiểu trên thanh công cụ tìm nhanh, gồm: Sự hấp dẫn của thị trường (Attractiveness), Thuế nhập khẩu (Import Tariff), Các yêu cầu (Requirement), Thời gian và chi phí (Time and Cost) và Đối tác (Partners)… Doanh nghiệp sẽ lựa chọn các thông tin cụ thể có nhu cầu tìm kiếm về các thị trường và sản phẩm liên quan đến ngành nghề của mình.

Cổng thông tin Access2Markets

Access2Market - hỗ trợ tiếp cận thị trường EU

Cũng theo Sở Công Thương, Cổng thông tin điện tử cơ sở dữ liệu Access2Market - thông tin tiếp cận thị trường EU có nhiều tiện ích cần được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan quan tâm.

Cổng thông tin Access2Markets do Uỷ ban châu Âu xây dựng nhằm hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu, và hỗ trợ hoạt động thương mại của các doanh nghiệp với thị trường châu Âu nói chung

Liên minh châu Âu có một mạng lưới các hiệp định thương mại rộng lớn với hơn 70 quốc gia và khu vực và hiện đang đàm phán một loạt các thoả thuận mới. Access2Markets chia nhỏ các quy tắc phức tạp thành thông tin thực tế để các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thông tin liên quan dễ dàng hơn. Cụ thể, Access2Markets cung cấp các điều kiện để nhập khẩu hàng hoá vào EU và xuất khẩu hàng hoá từ EU sang hơn 120 thị trường nước ngoài.

Cổng Access2Markets mới cũng bao gồm các giải thích, hướng dẫn và câu hỏi thường gặp để giúp các doanh nghiệp phân tích lợi ích thương mại với các đối tác, cung cấp thông tin tổng quan về luật của EU về sản phẩm và dịch vụ, cũng như chi tiết liên hệ của cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan khác ở các quốc gia thành viên EU và các đối tác thương mại của EU. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng cổng liên hệ với Tổng vụ Thương mại để báo cáo các rào cản thương mại mà họ gặp phải.

Mặc dù đây là cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tra cứu các thông tin về xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang thị trường EU. Cổng thông tin này cho phép doanh nghiệp có thể tham khảo các vấn đề thuế xuất nhập khẩu, hàng rào kỹ thuật, thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ mà EU có liên quan. Đồng thời, Access2Markets cũng là kênh giao tiếp giữa Tổng vụ Thương mại và doanh nghiệp EU để quản lý các rào cản thị trường mà các nước khác áp dụng với doanh nghiệp EU.

Cổng thông tin này được hiển thị với 24 ngôn ngữ chính thức của EU và có các nội dung sau: Hướng dẫn cụ thể từng bước về xuất/nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ với EU. Hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ. Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp xác định xuất xứ sản phẩm của mình. Giải thích các thuật ngữ thương mại. Thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại. Đồ thị thống kê dòng chảy thương mại.

Hệ thống tra cứu này không yêu cầu đăng nhập. Doanh nghiệp có thể trực tiếp truy cập vào website và tra cứu các thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ hỗ trợ My Trade Assistant để tìm kiếm thông tin chi tiết cho sản phẩm của mình theo các bước: Vào trang chủ của My Trade Assistant (https://trade.ec.europa.eu/access-to- markets/en/content); gõ tên hoặc mã HS Sản phẩm (Product), gõ Nước xuất xứ (Country of Origin) và Nước nhập khẩu (Country of destination) Sau đó ấn “Search”; nghiên cứu và phân tích kết quả.

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục