Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các doanh nghiệp 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ ký kết hợp tác du lịch 

Cập nhật ngày: 28/06/2020 - 12:57

BTNO - Sáng 28.6, tại khách sạn Sunrise (thành phố Tây Ninh), UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Tham dự hội thảo có ông Lê Thanh Liêm-Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Mạnh Hùng-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh; ông Trần Văn Chiến-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hà Văn Siêu-Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự hội thảo.

Cùng hơn 350 đại biểu là lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm tham quan du lịch của các tỉnh thành Đông Nam Bộ, đại diện các hãng hàng không của Việt Nam.

Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh tham dự Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, hôm nay là một ngày có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với liên kết du lịch vùng Đông Nam bộ. Lần đầu tiên, sự có mặt đông đủ lãnh đạo và sự hội tụ đông đủ của quản lý ngành du lịch 06 tỉnh, thành, cùng sự tham gia của nhiều chuyên gia, của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các nhà đầu tư trong, các nhà khoa học; để cùng bàn luận và hiến kế những giải pháp mới cho sự phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông Trần Văn Chiến, lợi thế liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 05 tỉnh vùng Đông Nam bộ chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh là du lịch MICE, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi thế mạnh của các tỉnh vùng Đông Nam bộ khác là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển.

Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 06 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.

“Đây cũng được xem là thời điểm vàng để Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ nói riêng tận dụng nhiều nhất những cơ hội trong giai đoạn khó khăn này để quảng bá, xây dựng các chương trình kích cầu để lấy lại và duy trì sự tin tưởng của khách du lịch về hình ảnh điểm đến an toàn và hấp dẫn” - ông Trần Văn Chiến khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện các Sở Văn hóa Thể thao Du lịch các tỉnh, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh đã giới thiệu với các doanh nghiệp của các tỉnh về điểm đến, sản phẩm du lịch mới, chính sách kích cầu du lịch nội địa năm 2020, chính sách mời gọi đầu tư và các chương trình, định hướng phát triển du lịch của địa phương nhằm tăng cường thông tin, kết nối giữa các doanh nghiệp.

Theo đó, 03 tuyến sản phẩm liên vùng mới cũng đã được doanh nghiệp công bố bao gồm: (1) TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ"; (2) TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; (3) TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”. Các tour chủ yếu thiết kế cho gói 2 ngày 1 đêm với giá ưu đãi từ 1.390.000đ – 1.490.000đ/ người.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Liêm-Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển du lịch, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế về tiềm năng tự nhiên với vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long; hệ sinh thái núi rừng đa dạng cùng nhiều tài nguyên nhân văn, cái nôi của phong trào cách mạng trong các cuộc kháng chiến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng…          

Tuy nhiên, thời gian qua các lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả, sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của vùng.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh cùng Tổng cục Du lịch tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội thảo.

Để khai thác hiệu quả những lợi thế và nguồn lực phát triển du lịch vùng, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp đáng chú ý như: tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới, tour tuyến mới theo nhiều chủ đề, đáp ứng đa dạng nhu cầu và thị hiếu của các phân khúc khách du lịch; tiếp tục nghiên cứu đưa thêm sản phẩm du lịch y tế và du lịch xanh, du lịch tâm linh,… vào chương trình kích cầu du lịch.

Ngoài ra, cần mở rộng tính liên kết với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chuẩn bị liên kết với các nước tiếp giáp như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar để sẵn sàng những chương trình du lịch quốc tế hấp dẫn ngay khi Chính phủ có chủ trương.

Cùng với đó đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm đã hình thành trong khuôn khổ chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và chương trình kích cầu du lịch nội địa để tranh thủ tối đa cơ hội dành cho du lịch nội địa.

Qua đó, người Việt Nam thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước mình; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; tạo thêm động lực cho ngành du lịch nhanh chóng phục hồi.

Công tác tuyên truyền này cũng là hoạt động thiết thực để truyền thông về một Việt Nam an toàn, chuẩn bị cho việc thu hút khách quốc tế ngay khi có chủ trương.

Một giải pháp nữa là tiếp tục kết nối, mở rộng số lượng doanh nghiệp trong vùng tham gia các chương trình kích cầu và tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khác, nhất là khi Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý.

Đại diện 9 doanh nghiệp lữ hành TP.Hồ Chí Minh ký kết hợp tác du lịch với các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có website kích cầu, cần tiếp tục phát triển website này trở thành kênh thông tin chung cho hoạt động kích cầu du lịch của các địa phương có liên kết.

Sau cùng, Việt Nam đang triển khai hoạt động dịch vụ, du lịch trong giai đoạn bình thường mới nên phải đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành, cũng như cộng đồng xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Với phương châm thiết thực-cụ thể-hiệu quả, ngay tại hội thảo, 09 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm kích cầu du lịch với 20 đơn vị cung ứng dịch vụ tại các tỉnh trong khu vực.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ có những chính sách ưu đãi về giá cả đến cuối năm 2020 để xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết vùng có chất lượng, giá cả hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch nội địa, dặc biệt là kích cầu du lịch đến vùng Đông Nam Bộ.

Đức An