Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sẽ hình thành cơ sở dữ liệu, thông tin thương mại và đầu tư sử dụng chung cho các DN không phân biệt thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng việc xã hội hóa, chuyển giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện một số loại dịch vụ công mang tính dịch vụ, hỗ trợ.
Đổi mới quản lý đối với các DN đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. |
Đây là những giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp (DN) theo hướng không phân biệt hình thức sở hữu và điều chỉnh quản lý, hoạt động, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt trong Quyết định số Quyết định 1715/QĐ-TTg.
Không phân biệt hình thức sở hữu DN
Theo Quyết định, sẽ thực hiện việc thu hẹp sự khác biệt và tiến tới thống nhất điều kiện kinh doanh đối với các hình thức sở hữu và loại hình DN; minh bạch hóa các điều kiện, đối tượng và áp dụng cơ chế cạnh tranh giữa các loại hình DN để được kinh doanh, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước, thương mại nhà nước (trừ lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh).
Các cơ quan quản lý nhà nước không hỗ trợ tài chính cho những DNNN thuộc diện giải thể, phá sản, trừ trường hợp đặc biệt thì giao cho cơ quan đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước.
Bên cạnh việc không được trực tiếp sử dụng vốn ngân sách để đầu tư mua cổ phần, vốn góp tại các DN, Quyết định nêu rõ việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế bình đẳng và không phân biệt hình thức sở hữu trong lựa chọn đối tượng được huy động tín dụng, nhận sự hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn viện trợ và các nguồn khác.
Nâng cao hiệu quả DNNN
Cũng theo Quyết định của Thủ tướng, giải pháp tách về tổ chức và cán bộ thực hiện chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước để thực hiện Đề án trên bao gồm việc không thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với mọi loại hình DN; đồng thời nghiên cứu, hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng, kể cả đối với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Bên cạnh đó là phải hoàn thiện quản trị DNNN theo thông lệ kinh tế thị trường; đối xử bình đẳng giữa chủ sở hữu nhà nước với các chủ sở hữu khác trong DNNN đa sở hữu.
Trong số 22 nội dung chương trình triển khai Đề án, Quyết định của Thủ tướng phân công Bộ Tài chính chủ trì thực hiện từ nay đến tháng 12.2010, hoàn thành việc xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử cung cấp thông tin cập nhật về DNNN, sắp xếp, cổ phần hóa và chuyển đổi DNNN, hoạt động đầu tư vốn nhà nước, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công khai và xác thực của thông tin theo cam kết gia nhập WTO.
(Theo chinhphu.vn)