Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông gặp khó khăn 

Cập nhật ngày: 10/04/2024 - 09:58

BTNO - Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh (Ban QLDA), quý I.2024, với nhiệm vụ là chủ đầu tư, đơn vị này phối hợp với chính quyền địa phương thúc đẩy tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đôn đốc các nhà thầu thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đúng thiết kế.

Ban QLDA ngành Giao thông tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án. Trong ảnh: Thi công đường 789

Tuy nhiên, nhiều dự án đang triển khai thi công gặp một số khó khăn như: công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (trụ điện trung, hạ thế, hệ thống trụ/cáp viễn thông, hệ thống cấp nước sạch...). Do tính chất liên tục theo đường dây, nên hệ thống trụ điện, trụ viễn thông sẽ thực hiện di dời sau khi đã được bàn giao mặt bằng về đất của người dân.

Thực tế, việc bàn giao mặt bằng của người dân không liên tục, có nhiều khó khăn trong việc di dời hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến tiến độ thi công xây dựng công trình bị ảnh hưởng.

Mặt khác, hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán do Điện lực Tây Ninh lập có chiều cao trụ thay thế lớn hơn trụ hiện hữu, nên chưa có sự thống nhất giữa cơ quan thẩm định (Sở Giao thông Vận tải) và Điện lực Tây Ninh, Ban QLDA đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến xử lý.

Một vấn đề khó khăn nảy sinh là thiếu nguồn vật liệu đá xây dựng các loại để phục vụ thi công công trình. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 mỏ đá Lộc Trung đang khai thác, giấy phép khai thác được cấp từ năm 2017 (đến 30.4.2024 hết hạn) với trữ lượng 450.000 m3/năm (đá nguyên khối), chưa đáp ứng nhu cầu tăng cao do nhiều dự án giao thông trọng điểm đồng loạt triển khai; công tác điều chỉnh giấy phép, tăng công suất khai thác, theo quy định phải mất nhiều thời gian.

Để triển khai xây dựng các công trình, các đơn vị thi công phải tìm nguyên liệu đá từ các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu.

Trong thời gian tới, đối với công tác giải phóng mặt bằng, Ban QLDA tiếp tục phối hợp với đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và địa phương (huyện, thị xã, thành phố) tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành chủ trương, chính sách về bồi thường để sớm triển khai hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra.

Theo Ban QLDA ngành Giao thông, các dự án đầu tư hạ tầng phát sinh khó khăn vì thiếu nguồn vật liệu đá phục vụ công trình.

Cụ thể, đối với dự án thành phần 1 - tuyến đường N8 đã hoàn thành chi trả và bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công xây dựng công trình.

Đối với dự án thành phần 3 - tuyến đường 789 thuộc phạm vi thị xã Trảng Bàng sẽ hoàn thành chi trả và bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công xây dựng công trình; riêng đoạn thuộc phạm vi huyện Dương Minh Châu phấn đấu hoàn thành chi trả và bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công xây dựng công trình.

 Đối với dự án đường 794, phối hợp giải trình các nội dung trình xin điều chỉnh dự án với các sở, ngành, làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét cho chủ trương điều chỉnh dự án theo đề xuất của UBND huyện Tân Châu là tại các đoạn cong nắn tuyến (dài 1,2 km) phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng tính từ tim đường thiết kế vào hướng nhà dân theo chỉ giới xây dựng của đường là 12 m.

Đối với dự án đường 795, Ban QLDA phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tân Biên để hoàn thành công tác điều tra kiểm đếm, dự thảo và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đoạn cua chữ S).

Riêng đối với dự án đường Trường Hoà - Chà Là, yêu cầu đơn vị tư vấn sớm hoàn thành dự thảo giá đất bồi thường cụ thể, thông qua Hội đồng Bồi thường và lấy ý kiến người dân trước khi trình phòng chuyên môn thẩm định giá đất bồi thường.

Thiên Tâm