BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các HTX Vận tải hành khách ở Tây Ninh:  Đổi mới hay là… phá sản?

Cập nhật ngày: 12/03/2009 - 09:18

Các HTX vận tải hành khách Tây Ninh gần như không có tuyến nào khác để hoạt động ngoài tuyến Tây Ninh - An Sương TP.HCM

Trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, các HTX vận tải hành khách Tây Ninh loay hoay vất vả vật lộn trên thương trường để kinh doanh và phát triển. Giá nhiên liệu nhiều lúc tăng cao, hành khách đi lại giảm nhiều, các hợp đồng du lịch cũng giảm đi, trong khi số lượng xe vận tải hành khách không ngừng tăng lên, cung vượt quá cầu. Một số HTX kinh doanh thua lỗ, có xã viên phải bán xe để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Xe khách ở thành phố và các tỉnh ngoài đã và đang chở rước khách tận các xã, các huyện của Tây Ninh. Các HTX đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của năm 2008, nhưng bước sang năm 2009 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu công việc kinh doanh sẽ còn khó khăn rất nhiều, các doanh nghiệp và các HTX vận tải hành khách phải làm thế nào để tồn tại và phát triển?

KHÔNG CÒN ĐƯỢC “MỘT MÌNH MỘT CHỢ”

Thực tế nhiều năm qua đời sống kinh tế -xã hội tỉnh Tây Ninh phát triển khá mạnh mẽ, nhiều ngành kinh tế tích cực đổi mới công nghệ và làm ăn rất có hiệu quả. Nhưng riêng ngành vận tải hành khách thì trì trệ, chậm đổi mới. Có tới 70% các doanh nghiệp và HTX vẫn làm ăn theo lề lối cũ, bảo thủ và chậm phát triển. Tuy rằng nhu cầu đi lại, giao lưu buôn bán, vận chuyển hàng hoá ngày càng nhiều, nhưng hành khách cũng ngày càng khó tính hơn, chọn lọc kỹ càng hơn. Tâm lý chung của hành khách là giá cước phải rẻ, xe chất lượng cao và được phục vụ tốt. Trong khi một số HTX vẫn còn sử dụng một số xe chở khách ọp ẹp, sơn đi, sửa lại nhiều lần, trong xe không có máy lạnh, tivi, video, tinh thần ý thức phục vụ hành khách chưa tốt. Ngày nay đối với xe khách thì hành khách là thượng đế. Xin nêu một ví dụ cụ thể: Tuyến xe khách từ nơi xa nhất Tây Ninh là Kà Tum đi An Sương (TP.HCM) dài khoảng 130 km. Tuyến đường này trước kia HTX vận tải hành khách Tân Châu chiếm độc quyền hoạt động, nhưng hiện nay ngoài xe buýt ra còn có đoàn xe của HTX vận tải Thống Nhất (TP.HCM) cùng tham gia vận tải hành khách. Xe khách của HTX Thống Nhất chất lượng cao, phục vụ tốt, dù đông khách hay ít khách cứ đúng giờ là xe chạy, không rề rà đón khách dọc đường, thời gian chạy từ Kà Tum tới An Sương chỉ khoảng từ 2,5 giờ đến 3 giờ. Ngược lại xe của các đơn vị khác khi xuất bến, nếu ít khách thì thế nào khi ra đường cũng luôn “bò trên đường” để chờ đón khách. Thời gian các “xe bò” này chạy từ Kà Tum tới An Sương nhanh lắm cũng mất 4 giờ, có khi tới hơn 5 giờ đồng hồ. Sự chậm trễ làm lỡ hết công việc của hành khách. Sự thật trên vẫn đang tồn tại, xin để mọi người cùng “thượng đế” nghiên cứu phán xét.

NHƯNG CHƯA BIẾT CÁCH LÀM ĂN

Hiện nay ở Tây Ninh qua khảo sát có tới 75% các HTX vận tải hành khách không có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động GTVT. Trình độ quản lý, tổ chức điều hành của một số cán bộ chủ chốt HTX còn hạn chế, nếu không nói là… yếu kém. Có HTX quản lý điều hành theo kiểu “gia đình chủ nghĩa”, nội quy, quy chế không rõ ràng, không nghiêm minh. Xã viên HTX khi làm ăn có lãi thì vui vẻ, khi thua lỗ thì mất đoàn kết và kiện cáo nhau. Một số cán bộ và xã viên không nghĩ đến lợi ích tập thể, chỉ lo tranh giành lợi ích riêng tư, gây ra những rối rắm phức tạp cho HTX. Có HTX được thành lập nhưng không tính toán nghiên cứu kỹ các tuyến đường được hoạt động, đi vay vốn ngân hàng cả chục tỷ đồng để mua xe chất lượng cao, mua xe về thì xe không có đường chạy, Ban chủ nhiệm vất vả đi gõ cửa kêu cứu khắp nơi vẫn chưa được giải quyết. Điển hình như HTX vận tải hành khách Tân Đông, huyện Tân Châu. Hằng tháng mỗi xã viên phải trả cho ngân hàng 12,5 triệu đồng trong khi thu nhập gần bằng... số không. HTX được thành lập từ tháng 9.2008 nhưng đến nay đoàn xe chất lượng cao của HTX vẫn không có tuyến chạy. Một số xã viên đã phải bán tống bán tháo xe đi lấy tiền trả nợ ngân hàng. Ông Huỳnh Công Lượm -chủ nhiệm HTX than thở: “Nếu các cơ quan Nhà nước không giúp đỡ thì HTX chỉ có đường… giải thể”. Còn HTX vận tải hành khách Hoà Bình, huyện Châu Thành cũng đang trong tình trạng “không biết đi đâu về đâu?”. Huyện Châu Thành có bến xe nhưng là bến xe… vô chủ, không có cơ quan nào quản lý. HTX Hoà Bình được thành lập từ năm 2007 nhưng vì không có bến xe nên xe của HTX bơ vơ không có tuyến hoạt động. Đề nghị nhiều lần nhưng không được ai quan tâm, giải quyết, ông Nguyễn Đình Chu- chủ nhiệm HTX cho biết: “HTX chỉ còn cách chạy hợp đồng, hoặc chở đón khách tự do để kiếm sống, khi nào không chịu nổi nữa thì giải thể”.

Mấy năm nay xe khách của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đến Tây Ninh khai thác khá nhiều tuyến. Các nhà xe từ các tỉnh thành miền Bắc xa xôi như Hà Nội, Thái Bình, Hà Bắc… cũng cho xe vào Tây Ninh hoạt động rước khách đến tận các huyện, các xã của Tây Ninh. Ngoài ra xe buýt cũng chạy các tuyến về tận huyện, xã. Trong khi đó lại còn nạn “xe dù” phát triển tranh giành khách cũng mặc sức tung hoành. Trong bối cảnh đó, các HTX vận tải khách của Tây Ninh vẫn làm ăn theo lề lối cũ, chậm cải tiến đổi mới, chưa mạnh dạn mở mang tuyến hoạt động mới ra tỉnh ngoài. Xe của một số HTX chỉ chạy loanh quanh nội tỉnh, hoặc chạy đến Thành phố Hồ Chí Minh là hết đường. Ví dụ như HTX vận tải hành khách Tân Châu được thành lập từ năm 1997, có 26 xe nhưng mỗi ngày chỉ có 8 đến 10 xe hoạt động, còn lại 16 xe phải nằm chờ. Và xe của HTX này cũng chỉ chạy nội tỉnh và tuyến chạy “huyết mạch, sống còn” là tuyến Kà Tum – An Sương, chứ không biết đi đâu xa hơn. Nếu tuyến Kà Tum – An Sương bị “nghẽn mạch” thì xe của HTX không còn đường để đi kiếm sống.

PHẢI TỰ CỨU VÀ CẦN ĐƯỢC TIẾP SỨC

Đoàn xe khách của HTX Bình Minh ở Thị xã Tây Ninh

Trong Hội nghị gặp mặt đầu năm của Liên minh HTX tỉnh, ông Trịnh Văn Lo -Phó Giám đốc Sở GTVT “báo động”: “Trong năm 2009 doanh nghiệp vận tải Mai Linh ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư mua cổ phần bến xe khách Tây Ninh và một số bến xe ở các huyện. Họ sẽ quản lý và điều hành các bến xe và tất nhiên sẽ đưa nhiều xe của doanh nghiệp này vào vận tải hành khách ở Tây Ninh”. Thông tin trên làm các HTX tỉnh nhà giật mình, lo lắng. Trong cơ chế thị trường, và nhất là trong thời kỳ hội nhập, các HTX phải chấp nhận một trong hai con đường “tồn tại và phát triển”, hay “phá sản và giải thể”. Muốn tồn tại và phát triển các HTX phải năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, nghiên cứu mạnh dạn mở mang khai thác các tuyến hoạt động mới, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, mạnh dạn đầu tư, đảm bảo xe chất lượng tốt và nhất là phải phục vụ thật tốt để thu hút hành khách. Có chậm trễ nhưng chưa quá muộn, các HTX cần khẩn trương cải tiến, đổi mới, để tồn tại. Thiết nghĩ, các HTX trong tỉnh cũng cần ngồi lại với nhau, liên kết hỗ trợ nhau thật chặt chẽ, bàn bạc thống nhất các biện pháp hoạt động kinh doanh để cùng tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể còn non yếu của tỉnh nhà, rất mong các cơ quan chức năng Nhà nước quan tâm nghiên cứu giúp cho HTX tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tìm lối ra đúng hướng để sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.

CÔNG HUÂN