BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các khu công nghiệp trong tỉnh: Tuyển dụng lao động tiếp tục gặp khó

Cập nhật ngày: 30/09/2013 - 10:28
Giai đoạn 2011 - 2015 có thể sẽ thiếu hụt lao động khoảng hơn 4.000 người. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển lao động ở các KCN.

Công nhân làm việc tại KCN Trảng Bàng

(BTN) - Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2011 đến tháng 6.2013, bằng nhiều hình thức, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 55.300 lao động. Tính ra bình quân mỗi năm, Tây Ninh giải quyết việc làm cho khoảng 21.650 người- vượt chỉ tiêu đề ra (20.000 người). Theo đà phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm tới, nhu cầu lao động chắc chắn sẽ tăng và sẽ có thêm nhiều người được tạo công ăn, việc làm. Tuy nhiên, theo dự báo của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh thì riêng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu (gọi chung là các KCN) việc tuyển dụng lao động sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

ĐÃ THU HÚT GẦN 58.000 LAO ĐỘNG LÀM VIỆC

Theo thống kê, hiện nay các doanh nghiệp ở các KCN đã thu hút được gần 58.000 lao động đến làm việc, trong đó có hơn 700 lao động là người nước ngoài. Cụ thể: Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có hơn 11.200 lao động (với khoảng 50 lao động nước ngoài); KCN Trảng Bàng có gần 22.000 lao động (gần 250 lao động nước ngoài); Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III có hơn 14.400 lao động Việt Nam (gần 300 lao động nước ngoài); KCN Bourbon An Hoà có hơn 750 lao động (32 lao động nước ngoài); Khu Liên hợp Phước Đông - Bời Lời có hơn 2.100 lao động (8 lao động nước ngoài); KCN Chà Là có hơn 7.200 lao động (112 lao động nước ngoài).

So với cuối năm trước, số lao động trên địa bàn khu kinh tế tăng đến hơn 11%- tương đương với khoảng 5.000 lao động. Theo đánh giá của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, sở dĩ số lao động trong thời gian gần đây tăng khá mạnh là do các KCN Bourbon An Hoà, Phước Đông - Bời Lời và Chà Là có thêm nhiều dự án đi vào hoạt động, nhu cầu lao động tăng và đã thu hút số lượng khá lớn lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh đến làm việc.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau thời gian dài ảnh hưởng suy thoái kinh tế không mở rộng sản xuất, gần đây đã có dấu hiệu phục hồi nên sản xuất tăng, nhu cầu về lao động cũng tăng theo. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho công nhân, một số doanh nghiệp tạo mọi điều kiện cho công nhân từ xe đưa rước đến nhà ở lưu trú nên ngày càng thu hút lao động từ các nơi khác đến làm việc.

Hiện nay, người lao động trong các KCN đã tiếp cận được với máy móc thiết bị tiên tiến, đồng thời qua làm việc với các chuyên gia nước ngoài họ từng bước nâng cao được tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lao động để bố trí, sử dụng vào các vị trí chức danh quản lý như: tổ trưởng, chuyền trưởng, quản đốc, trưởng phòng ban... Do đó, qua điều tra có đến 66% công nhân muốn tiếp tục làm công việc hiện tại.

TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG: VẪN KHÓ

Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, lao động có trình độ đại học ở các KCN chỉ chiếm 1,28%; trình độ trung học chuyên nghiệp chỉ 2,75% tổng số lao động. Chính vì có rất ít lao động trình độ cao nên các lĩnh vực mang tính chất kỹ thuật thuộc các ngành công nghệ thông tin, thiết kế, hoá chất… luôn thiếu hụt lao động lành nghề.

Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lĩnh vực này luôn gặp khó khăn và sắp tới cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn do hệ thống đào tạo trong tỉnh chưa đáp ứng được, còn nguồn đào tạo ngoài tỉnh thường có tâm lý không muốn về Tây Ninh.

Mức thu nhập của người lao động trong các KCN thời gian gần đây tuy đã được các doanh nghiệp cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn người lao động do giá sinh hoạt liên tục tăng, mức thu nhập tuy có tăng nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn thấp. Đây là một trong những nguyên nhân đã gây nên tình trạng khó tuyển dụng lao động vào làm việc tại các KCN và sắp tới thực trạng khó khăn này vẫn còn tiếp diễn.

Một số doanh nghiệp ở các KCN, tuy sử dụng nhiều lao động (như các doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may, giày da...) nhưng lại chỉ sử dụng lao động nữ nên cũng dẫn đến tình trạng tuyển dụng khó khăn.

Công nhân tại KCX-CN Linh Trung III

Về tổng thể, theo tốc độ tăng dân số, dự báo giai đoạn 2011 - 2015, tổng số người có nhu cầu việc làm trong tỉnh vào khoảng 712.000 người. Trong khi đó, với đà phát triển kinh tế xã hội thì số việc làm được tạo ra trên địa bàn tỉnh dự kiến là 716.000 người. Như vậy, giai đoạn 2011 - 2015 có thể sẽ thiếu hụt lao động khoảng hơn 4.000 người. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển lao động ở các KCN.

CẦN TĂNG CƯỜNG SỨC THU HÚT

Để tăng cường khả năng tuyển dụng lao động vào các KCN, theo Ban quản lý Khu kinh tế thì tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Đào tạo việc làm tại các KCN để trang bị máy móc hiện đại, đầu tư đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn để đủ tầm đào tạo lao động tay nghề cao.

Đồng thời cũng cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia xây dựng các hạ tầng xã hội phục vụ người lao động như: nhà ở lưu trú công nhân, các trung tâm sinh hoạt công nhân, phòng khám bệnh, các dịch vụ tiện ích... nhằm tăng sức thu hút người lao động đến làm việc.

Riêng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh sẽ phối hợp các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo xác định nhu cầu về lao động, ngành nghề đào tạo, kiến thức, kỹ năng mà người sử dụng lao động yêu cầu. Qua đó, các cơ sở đào tạo điều chỉnh nội dung chương trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Ban quản lý còn là nơi cung cấp thông tin về lao động và việc làm, tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động gặp nhau một cách nhanh chóng nhất.

Sơn TrẦn