Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang ảnh hưởng ngày càng lan tỏa từ châu Âu sang châu Á, Phi, Mỹ Latinh, lại bôn ba hoạt động ở nhiều nước Tây Âu, chứng kiến sự bần cùng của những người lao động làm thuê và sự bất công của xã hội tư bản, càng thôi thúc ở C.Mác hoài bão lớn, quyết tâm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Từ những năm tháng ở giảng đường đại học, C.Mác tích cực hoạt động, nghiên cứu tác phẩm của Hêghen, đến năm 23 tuổi đã nhận được học vị tiến sĩ triết học. Năm 1842, C. Mác lần đầu là gặp Ăngghen, nhưng tình bạn cùng chung lý tưởng giữa C.Mác và Ph.Ăngghen trở nên gắn bó thân thiết là từ sau cuộc gặp tại Paris hè năm 1844. Hai ông có nhiều hoạt động lý luận và thực tiễn, cùng viết nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Một trong những kết quả hợp tác của hai bộ óc vĩ đại là ra đời tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tháng 2/1848. Đây là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đánh dấu chính thức ra đời CNXH khoa học. Tháng 5/1849, C. Mác chuyển tới sống và làm việc ở Anh cho đến cuối đời.

Ông tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân, chống bọn vô chính phủ, kiên trì bảo vệ các luận điểm của mình. Thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, C.Mác đưa lý luận thâm nhập vào thực tiễn, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội. Cuộc đời hoạt động C.Mác là chuỗi ngày không ngừng sáng tạo, chiến đấu không ngừng nghỉ chống mọi kẻ thù của giai cấp vô sản. Sự nghèo khó của cuộc sống lưu vong cộng với bệnh tật và những đau thương trong gia đình làm cho sức khỏe của C.Mác ngày càng suy yếu. Nhưng C.Mác vẫn hoạt động bền bỉ cho đến hơi thở cuối cùng. 

Ngày 2/12/1881, người vợ thủy chung, người bạn đời son sắt của Mác là Gienni qua đời; đến ngày 14/3/1883, Mác yên giấc nghìn thu. Trong nỗi đau buồn tiếc thương vô hạn, Ph.Ăngghen đã viết: Thế là cái trí tuệ mạnh mẽ nhất của Đảng ta đã ngừng suy nghĩ, trái tim mạnh mẽ nhất mà tôi chưa từng thấy đã ngừng đập mất rồi… Con người ấy mất đi, thật không sao có thể lường cho hết tổn thất đối với giai cấp vô sản chiến đấu của châu Âu và châu Mỹ, tổn thất đối với khoa học lịch sử… Mác có thể có nhiều kẻ địch nhưng tuyệt nhiên không có một kẻ thù riêng nào. Tên tuổi và sự nghiệp của Mác sẽ sống mãi nghìn thu.

Trọn đời vì lý tưởng cộng sản, C.Mác đã cống hiến vĩ đại cho lịch sử nhân loại trên nhiều phương diện. Trong di sản tư tưởng lý luận đồ sộ của C.Mác để lại cho nhân loại, chúng ta không thể không nhắc tới phép biện chứng duy vật, bởi vì đây là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác, là cơ sở phương pháp luận đối với nhận thức và hoạt động thực tiễn, trong đó có thực tiễn cách mạng. Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào xem xét lịch sử xã hội, C.Mác sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử mà như V.I. Lênin đánh giá: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”. Từ quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử, C.Mác xây dựng học thuyết hình thái kinh tế – xã hội. Vận dụng học thuyết hình thái kinh tế – xã hội vào phân tích xã hội tư bản, C.Mác tìm ra quy luật phát sinh, phát triển, diệt vong của nó; dự báo về sự ra đời của hình thái kinh tế – xã hội mới cao hơn, đó là hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là CNXH.

Bên cạnh phép biện chứng duy vật, Các Mác đưa ra học thuyết giá trị thặng dư, thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế chính trị học. Nhờ đó, C.Mác mới có thể thuyết giải một cách triệt để, tường minh sự phát sinh, phát triển, diệt vong của chủ nghĩa tư bản; vị trí kinh tế – xã hội của giai cấp vô sản trong xã hội tư bản; nội dung, bản chất sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Đồng thời, C.Mác cùng với Ph.Ăngghen sáng lập ra CNXH khoa học – một trong ba bộ phận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân, soi đường cho cách mạng XHCN giải phóng nhân loại khỏi chế độ tư hữu, áp bức, bất công, nghèo nàn, lạc hậu.

Hệ thống XHCN đứng đầu là Liên Xô đã sát cánh bên cạnh các phong trào cách mạng thế giới, ủng hộ vật chất và tinh thần, củng cố niềm tin, là tường thành vững chắc đối phó và ngăn cản sự chống phá của các thế lực đối lập. Điều này, không chỉ làm thay đổi diện mạo “địa – chính trị” thế giới mà quan trọng hơn là làm đảo lộn nhận thức về thế giới, từ đó thiết lập quan niệm sống và lối sống mới trên nguyên tắc độc lập – tự do – bình đẳng, xóa bỏ áp bức, bóc lột giữa người và người.

Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin một cách tự nhiên như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành và trong quá trình vận động cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.

Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960).

Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Với những thắng lợi đó, đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế; dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, triển vọng phát triển rất tươi sáng.

Tại Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đó chính là sự kiên định con đường của C. Mác đã vạch, được Hồ Chí Minh lựa chọn đi theo. Nhưng, trong thời đại ngày nay, để di sản của Mác thực sự là kim chỉ nam cho mọi hành động, trước hết chúng ta cần nhận thức đúng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn cách mạng, tránh máy móc, giáo điều.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, chủ nghĩa Mác-Lênin không ít lần bị đòi “nhìn nhận, xem xét lại”. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng đó diễn ra ngay từ khi chủ nghĩa Mác – Lênin mới ra đời cho đến ngày nay. Đặc biệt, lợi dụng sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các nhà tư tưởng tư sản và bọn xét lại, cơ hội, thù địch càng xuyên tạc, phủ định giá trị của học thuyết cách mạng và khoa học này. Chúng lớn tiếng cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, chỉ có giá trị ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, không còn phù hợp ở thế kỷ XXI; sự sụp đổ mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là minh chứng cho sự sụp đổ, chấm hết của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nhưng thực tiễn đã chứng minh ngược lại, chủ nghĩa Mác – Lênin đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho mục tiêu đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại.

 

Với trái tim nhân hậu thấm đượm tinh thần nhân văn cộng sản và bầu nhiệt huyết cách mạng, C.Mác đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của ông. Di sản của Mác đã, đang và sẽ là tư tưởng chủ đạo của thời đại ngày nay: tất cả vì con người.

Bài: Tiến sĩ Lê Đức Hoàng

(Ban Tuyên giáo Trung ương)

Ảnh tư liệu

Thiết kế & Kỹ thuật: Hữu Quân

Nguồn baonghean