Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tháng 10.2010, Báo Tây Ninh có loạt bài “Thực trạng đầu tư các dự án nông nghiệp: Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra”. Sau loạt bài này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ.

Tháng 10.2010, Báo Tây Ninh có loạt bài “Thực trạng đầu tư các dự án nông nghiệp: Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra”. Sau loạt bài này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ.
Mỗi ha canh tác chỉ lãi... 500.000 đồng!
![]() |
Cày bỏ cây trồng trên đất lấn chiếm của dự án Cofaci |
Năm 1996, Công ty Cổ phần nông trường NIVL (Cofaci - Việt Nam cũ), có trụ sở tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành được cho thuê 2.026 ha đất trong 20 năm để đầu tư sản xuất mía nguyên liệu, tổng mức vốn đầu tư là 5,8 triệu USD (100% vốn đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, diện tích đất thực tế do Cofaci quản lý lên đến 2.051,6 ha. Tháng 6.1999, Công ty Cofaci đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Nagarjuna International Holdings Pie (Singapore). Đến khoảng năm 2000, Công ty chỉ mới sử dụng 1.251,6 ha, phần bỏ hoang, để người dân lấn chiếm sản xuất khoảng 400 ha. Năm 2004, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 521,7 ha đất đã cho Cofaci thuê vì Công ty không sử dụng đất đúng mục đích, bỏ lãng phí đất sản xuất. UBND tỉnh giao diện tích đất thu hồi từ Cofaci cho UBND huyện Châu Thành quản lý. Mãi đến năm 2008, Châu Thành mới cơ bản thu hồi xong. Còn lại 1.529,9 ha, Công ty NIVL đã trồng mía 1.305 ha, phần còn lại làm các công trình phụ. Mục tiêu của dự án là trồng bắp với năng suất 5 tấn/ha; trồng mía (50 tấn/ha).
Tại thời điểm kiểm tra, các ngành chức năng ghi nhận: Đến cuối năm 2010, Công ty NIVL đã đầu tư được 1.182.053 USD (khoảng 1/5 vốn đăng ký). Về đất, Công ty làm nhà kho và văn phòng 1,8 ha; làm đường và kênh hết 225 ha; trồng mía 1.161 ha; đất ao tự nhiên 16 ha; “bỏ không” 126 ha (năm 2009 là 177 ha). Cho đến nay, Công ty không hề trồng bắp mà chỉ trồng mía nhưng năng suất rất “khiêm tốn”. Năm 2009, sản lượng mía bình quân chỉ đạt 27,9 tấn/ha. Đến năm 2010, sản lượng mía lại tụt xuống đến mức thê thảm: 24,4 tấn/ha. Đến cuối năm 2010, Công ty NIVL còn nợ 378.570 USD (khoảng 8 tỷ đồng) tiền thuê đất (tính theo mức giá cũ) từ khi thực hiện dự án đến nay. Số tiền duy nhất là ngân sách tỉnh thu được của Công ty NIVL trong suốt 15 năm qua là tiền thuế thu nhập cá nhân… 34,92 triệu đồng.
Bài liên quan: >> Thực trạng các dự án đầu tư lĩnh vực NN: Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra (kỳ 1) (kỳ 2) (kỳ 3) >> Các ngành chức năng kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất sử dụng sai mục đích (kỳ 1) (kỳ 2) |
Công ty báo cáo cho biết, năm 2009, doanh thu của Công ty đạt 22,6 tỷ đồng nhưng chi phí nhân công và vốn sản xuất “ngốn” hết 21,6 tỷ đồng (bình quân chi phí 19,4 triệu đồng/ha). Như vậy, Công ty chỉ còn lãi đúng 1 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu của Công ty đạt gần 23 tỷ, nhưng chi phí gần 21 tỷ (26,5 triệu đồng/ha), chỉ còn lãi hơn 2 tỷ. Tính sơ bộ, Công ty sử dụng gần 1.300 ha đất sản xuất (không tính đất làm các công trình khác) để trồng mía nhưng bình quân mức lãi năm 2009, Công ty chỉ thu được trên… 500.000 đồng/ha; năm 2010 thì trên 1 triệu đồng/ha.
Điệp khúc lỗ!
Kiểm tra Công ty TNHH sản xuất Đông Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài, có trụ sở tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11.2002, hiện đã đăng ký lại), các ngành chức năng cho biết: Công ty được cho thuê 24,63 ha đất thực hiện dự án trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc với vốn đăng ký đầu tư 1 triệu USD. Thời hạn hoạt động của dự án đến 40 năm, kể từ tháng 11.2002. Công ty đăng ký trồng tràm, cây bạch đàn (1,7 ha), trồng bắp và khoai (10 tấn/năm), chăn nuôi gia súc (250 đến 500 con heo/năm, trồng và kinh doanh cây cảnh ngắn ngày, cây có vị thuốc (1 triệu cây/năm).
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã phải nhiều lần yêu cầu công ty này tuân thủ pháp luật Việt Nam, thực hiện đúng các nội dung đăng ký đầu tư. Bởi ngoài việc sử dụng đất không đúng mục đích, công ty này còn bỏ hoang nhiều diện tích. Tại thời điểm kiểm tra, các ngành chức năng ghi nhận từ báo cáo của Công ty: Đã đầu tư được 415.681 USD. Công ty đã ươm trồng cây kim phát tài trên diện tích 9,3 ha, trồng bạch đàn 1,7 ha, xây văn phòng 300m2, làm đường nội bộ 2,6 ha, làm nhà xưởng 1.300m2, làm trại bò và nhà kho 200m2 (nhưng không nuôi bò), bỏ không gần 10,7 ha.
Đáng chú ý là số bạch đàn mới được Công ty trồng chỉ khoảng… 3 tháng trước khi đoàn kiểm tra đến làm việc. Hầu hết những loại cây Công ty đăng ký trồng đều không được thực hiện, ngoài khoảng 5.000 chậu kim phát tài đang ươm (nhưng công ty cho biết số kim phát tài này không có khả năng tiêu thụ) Đến nay, Công ty đã nộp được… 3 triệu tiền thuế môn bài, còn nợ 43.875,29 USD tiền thuê đất, 77,3 triệu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 3 triệu tiền thuế môn bài.
Công ty cho biết, suốt 8 năm từ 2002 đến 2009, Công ty không thu được đồng nào do “không có sản phẩm”, nhưng giai đoạn này do nhà đầu tư khác thực hiện dự án. Công ty “đổ thừa” số kim phát tài tồn đọng là do chủ đầu tư cũ để lại. Đến năm 2010, sau khi “chuyển nhượng dự án”, Công ty bị lỗ hơn nửa tỷ đồng tiền chi phí nhân công nhưng không có doanh thu! Đoàn kiểm tra xác định: Kể từ khi nhận chuyển nhượng đến thời điểm kiểm tra đã hơn 12 tháng, Công ty hầu như vẫn không hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty cũng vi phạm Luật Đất đai, nợ tiền thuê đất, nợ thuế. Có một chi tiết mâu thuẫn là thời điểm năm 2009, Công ty báo cáo doanh thu bán kim phát tài được hơn 4,7 tỷ đồng nhưng nay lại báo cáo “không có doanh thu” !?
![]() |
Ổi trồng ở công ty Đông Nam |
Bên cạnh Công ty Đông Nam là Công ty TNHH Phát triển nông sản phẩm Trung Việt với dự án trồng, kinh doanh cây ăn quả các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản (quy mô diện tích 25 ha), được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2001. Cụ thể, Công ty đăng ký trồng ổi với năng suất 3 tấn/ha/tháng; trồng nho (1 tấn/ha/tháng); trồng măng (20 tấn/ha/tháng); nuôi 50 con bò và 2.000 con gà, vịt mỗi năm; Vốn đầu tư Công ty đăng ký thực hiện dự án này là 2 triệu USD. Trong thời gian qua, tương tự Công ty Đông Nam, Công ty Trung Việt cũng hoạt động kiểu “cầm hơi”, mãi cho đến gần đây thì trồng ổi gần hết diện tích đất được thuê và đã có doanh thu nhưng khá bấp bênh.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty báo cáo: Sau 10 năm triển khai thực hiện dự án, Công ty đã đầu tư được gần 397.000 USD (gần 1/5 vốn đăng ký). Hiện Công ty trồng 20 ha ổi, 2 ha táo, 1,1 ha xoài, diện tích còn lại làm văn phòng, nhà kho, trại bò… Từ năm 2001 đến 2007, Công ty không có sản phẩm nào bán ra thị trường. Năm 2008 đến 2010, Công ty đã thu hoạch ổi bán. Năm 2008 Công ty bán được 1,8 tỷ tiền ổi, nhưng đã chi phí hết 2,25 tỷ, lỗ gần nửa tỷ đồng; năm 2009 bán được 2,6 tỷ, chi phí hết 2,614 tỷ, lỗ 14 triệu; năm 2010 bán được 2,72 tỷ, chi phí hết 2,628 tỷ, lãi được 92 triệu đồng. Công ty còn nợ 50.793 USD tiền thuê đất và gần 22 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân.
Đoàn kiểm tra nhận định: Công ty hoạt động không hiệu quả từ khi thực hiện dự án đến nay. Chỉ có năm 2010, Công ty có lãi được hơn 90 triệu đồng. Tuy nhiên, bình quân mỗi ha đất sản xuất, Công ty chỉ thu lãi được 4,6 triệu đồng. So với mặt bằng chung hiện tại thì hiệu quả sản xuất của Công ty Đông Nam rất thấp. Cũng như các dự án khác, đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đất của các dự án thuộc Công ty NIVL, Công ty Đông Nam và Trung Việt.
BẢO TÂM