Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Các ngành chức năng kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất sử dụng sai mục đích (tt)
Thứ bảy: 12:34 ngày 19/02/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các dự án sử dụng đất sai mục đích đã gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền địa phương một số nơi trong nhiều năm qua.

Tháng 10.2010, Báo Tây Ninh có loạt bài “Thực trạng đầu tư các dự án nông nghiệp: Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra”, phản ánh thực trạng sử dụng đất nông nghiệp một cách lãng phí, tuỳ tiện, manh mún, vi phạm Luật Đất đai ở một số dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án này đã gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền địa phương một số nơi trong nhiều năm qua. Sau khi Báo Tây Ninh có loạt bài phản ánh thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ.

Công ty Biotech: 2 năm lỗ hơn 18 tỷ

Dự án thứ hai “được” các ngành chức năng kiểm tra theo chỉ đạo của UBND tỉnh là dự án “Tạo giống, trồng các loại hoa và các loại thảo dược, trừ các loại thảo dược để sản xuất thuốc gây nghiện; ươm nuôi, trồng cỏ voi”. Dự  án này của Công ty TNHH Taichi Biotech (gọi tắt là Công ty Biotech), được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2004. Nơi được chọn thực hiện dự án là xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Công ty được giao 685 ha đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khá “hấp dẫn”: 45 triệu USD.

Buổi đầu, Công ty xác định dự án này sẽ tồn tại và phát triển trong 50 năm (kể từ tháng 11.2004). Công ty sẽ trồng đến 1 triệu chậu hoa lan các loại trên diện tích 185 ha và trồng cỏ voi 500 ha còn lại (năng suất dự kiến 66 tấn/ha). Tuy nhiên, thực tế Công ty Biotech chỉ thực hiện “cầm chừng” dự án nông nghiệp “hoành tráng” này, hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất.

Kết quả kiểm tra cho thấy, đến nay Công ty đã đầu tư được 378 tỷ đồng. Về đất, công ty sử dụng và đầu tư như sau: xây dựng văn phòng làm việc (3 ha); nhà kho, trạm biến điện, trạm xử lý nước thải 17,74 ha); xây dựng 4 nhà kính để tạo giống trồng lan (2 ha); làm mương thoát nước (13,8 ha); làm đường giao thông nội bộ (26,49 ha); làm 9 hồ chứa nước (22,9 ha); trồng 3,66 ha cây giáng hương và bạch đàn, 4,8 ha cây giá tỵ và dầu; trồng 332 ha cỏ voi (năm 2009 là 68 ha); “bỏ hoang” 258,62 ha (năm 2009 bỏ hoang đến gần 523 ha). Trong số những loại cây trồng mà đoàn kiểm tra thống kê được tại Công ty Biotech, không thấy có “hoa lan”? Tuy nhiên, Công ty báo cáo cho biết đến giữa năm 2009, Công ty trồng được 123.776 chậu hoa lan, năm 2010 trồng được 132.430 chậu (?!).

Mặc dù báo cáo là năm 2010, Công ty có trồng 332 ha cỏ voi nhưng đến cuối năm 2010, vẫn “chưa có sản phẩm cỏ voi”. Và “hiệu quả” là... từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay, Công ty Biotech “lỗ” trên 18 tỷ đồng (năm 2009 lỗ 11 tỷ, 2010 lỗ 7,24 tỷ). Về trách nhiệm nộp thuế và các khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước, Công ty đã thực hiện xong.

Đoàn kiểm tra nhận định, Công ty Biotech sử dụng đất dự án để trồng hoa lan và cỏ voi không hiệu quả. Công ty sử dụng đất không đúng mục tiêu trong giấy chứng nhận đầu tư (trồng cây giáng hương, bạch đàn, giá tỵ, dầu và đào hồ chứa nước), “bỏ hoang” một diện tích đất lớn (thời điểm cuối năm 2010 là gần 260 ha), vi phạm Luật Đất đai. Đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cho thuê.

Công ty Tam Hiệp: 3 năm lỗ 11 tỷ

Dự án thứ ba trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động không hiệu quả từ nhiều năm qua thuộc Công ty TNHH Nông Công nghiệp Tam Hiệp (gọi tắt là Công ty Tam Hiệp), toạ lạc tại xã Long Phước, cũng thuộc huyện Bến Cầu. Công ty này đã lập dự án khá… dài: “Trồng và chế biến rau sạch và các loại nông sản khác; trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm cây kenaf (cây đay) như sơ, sợi, lõi, lá, hoa và nhập khẩu nguyên liệu sợi đay”. Cuối năm 1996, Công ty Tam Hiệp (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản) được Bộ Kế hoạch- Đầu tư cấp giấy phép đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho thuê 1.000 ha đất tại xã Long Phước để sản xuất nông nghiệp. Sau đó, Công ty đã lần lượt trồng đậu, bí đao, bí rợ, dưa leo, kể cả một số giống cây nhập từ nước ngoài vào nhưng đều không hiệu quả, năng suất thấp hoặc cây sinh trưởng èo uột. Đến năm 2000, Công ty chuyển sang trồng… mía. Khi trồng được khoảng gần 200 ha thì cơ quan chức năng tỉnh phát hiện việc “tự ý chuyển đổi cây trồng” nên các cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu Công ty ngừng trồng mía. Sau đó, Công ty Tam Hiệp chuyển sang trồng cây kenaf trên một phần diện tích đất đã thuê.

Năm 2004, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành văn bản thu hồi 715,27 ha đất đã cho Công ty Tam Hiệp thuê do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất. Giữa năm 2009, Công ty được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần thứ nhất) dự án có tên như hiện nay. Thời hạn thực hiện dự án là 20 năm (kể từ tháng 12.1996), vốn đăng ký là 4 triệu USD, diện tích đất sử dụng thực tế (sau khi bị thu hồi phần lớn) là 329,44 ha. Mục tiêu của dự án là sản xuất 12.000 tấn cây kenaf tươi/năm; sản xuất chế biến tương đương 1.440 tấn sợi đay/năm và 2.169 tấn lõi cây đay/năm.

Trồng cây kenaf không hiệu quả, Công ty Tam Hiệp còn trồng “xen” tràm

Đến cuối năm 2010, Công ty cho biết đã đầu tư  5,7 triệu USD “vượt vốn đăng ký” 1,7 triệu USD. Trong tổng diện tích 329,44 ha đã thuê, Công ty trồng 10 ha cây keo lai, 250 ha cây kenaf, làm trại bò 1,5 ha, đào ao 3,6 ha, làm văn phòng và nhà kho 6,9 ha, làm đường nội bộ 51,74 ha, làm kênh mương 5,7 ha, không có đất bỏ hoang. Số lao động làm việc tại Công ty (kể cả người nước ngoài) là 47 người.

Từ năm 1996 đến năm 2007, Công ty “chưa có sản phẩm nên chưa có doanh thu”. Năm 2008, Công ty thu hoạch và sản xuất bột cây kenaf với năng suất 0,36 tấn/ha; năm 2009 thu hoạch sợi cây kenaf với năng suất 0,93 tấn/ha; năm 2010 thu hoạch sợi cây kenaf có năng suất 2 tấn/ha và còn tồn kho khoảng 1.141 tấn lõi cây kenaf chưa tiêu thụ được. Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty báo cáo “lỗ”: Năm 2008 lỗ trên 5 tỷ, năm 2009 lỗ gần 3,8 tỷ; năm 2010 lỗ trên 2,2 tỷ. Như vậy, suốt 15 năm qua, Công ty này hoạt động không hiệu quả, đến khi có doanh thu thì bị lỗ. Ngoài ra, Công ty còn nợ tiền thuê đất 220.514 USD và 110 triệu đồng (Công ty đề nghị được khấu trừ tiền thuê đất vào tiền đền bù Công ty đã ứng trước là 251.350 USD), nợ thuế thu nhập cá nhân 5,7 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra cho rằng, Công ty đã vi phạm Luật Đất đai hiện hành (khoản 3, Điều 38) khi sử dụng đất không đúng mục đích (trồng tràm, nuôi bò, đào ao nuôi cá) và sử dụng đất trồng cây kenaf không mang lại hiệu quả cao. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cho Công ty thuê để sử dụng hợp lý, hiệu quả, góp phần phát triển vùng biên giới còn nghèo khó của huyện Bến Cầu.

BẢO TÂM

(Còn tiếp)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục