Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các ngôi thờ Huỳnh Công Nghệ 

Cập nhật ngày: 16/09/2020 - 08:38

BTN - Có người từng hỏi cán bộ Phòng Di sản, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch rằng tại sao cũng là anh em, cũng là tướng đánh giặc bảo vệ dân lành mà ông anh Huỳnh Công Giản được rất nhiều nơi thờ, còn ông em Huỳnh Công Nghệ lại không có (hoặc quá ít) người biết tới.

Ngày cúng dinh tại xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành.

Vâng, quả nhiên có chuyện này! Khắp các huyện, thành phía Bắc tỉnh có tới hơn 10 ngôi thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Những ngôi này thường có rất đông người đến cúng vào dịp lễ giỗ từ tháng hai đến giữa tháng ba (âm lịch). Do vậy, người dân các địa phương biết nhiều hơn đến lễ cúng Quan lớn Trà Vong. Lễ hội này cũng được xếp hạng vào di tích lịch sử văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019.

Ai đó nói rằng không có ngôi thờ Huỳnh Công Nghệ thì “oan” cho ngài quá. Oan cho cả lòng dân tín ngưỡng trăm năm qua đã hương khói phụng thờ. Ít nhất cho đến nay trên đất Tây Ninh đã có 5 ngôi thờ tự ngài. Trong đó, đình Lợi Thuận, huyện Bến Cầu thờ phụng, coi Huỳnh Công Nghệ như một vị thành hoàng bảo hộ cho nhân dân ấp, xã.

Hiện chưa rõ lý do, nhưng các ngôi thờ còn lại đều được người địa phương gọi là "dinh". Ở ấp Long Thạnh, xã Long Chữ, ngài được tôn vinh là “Quan lớn Vàm Bảo”. Đấy cũng là tên chữ của dinh thờ. Còn một cái tên nôm na nữa là dinh (hoặc miếu) thờ ông Gốc. Dinh này đã có từ trên 100 năm trước.

"Ông Gốc" có lẽ là tên từ thuở ban đầu, khi bên mé rạch Vàm Bảo xuất hiện một gốc cây nổi lập lờ mặt nước. Gốc cứ theo con nước lớn, nước ròng mà đi qua đi lại ở bến sông này. Có người chiêm bao, được báo mộng về chuyện gốc cây là nơi trú ngụ của hồn thiêng Huỳnh Công Nghệ.

Thế là người ta vớt gốc cây lên, làm ngôi dinh thờ còn lại tới ngày nay. Cái gốc cây ấy vẫn còn, được đặt trang trọng trong một ngôi miếu nhỏ trước sân dinh. Lễ cúng dinh được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16 tháng giêng (âm lịch).

Rạch Vàm Bảo là chi lưu sông Vàm Cỏ Đông ở bên hữu ngạn. Còn bên tả ngạn, sông cũng có chi lưu là rạch Tây Ninh. Ngay gần Vàm rạch có một khu gò mang tên Gò Duối (xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành). Ở đây cũng có một ngôi dinh thờ Huỳnh Công Nghệ có từ khoảng 70-80 năm về trước, ngày nay đã được tôn tạo rất khang trang.

Cách dinh không xa, về phía bờ rạch còn có một khoảng đất thường khô trắng cỏ không mọc được, người ta truyền tụng đấy là nơi tướng Huỳnh Công Nghệ chôn xác con voi chiến mà ông yêu quý. Ở đấy cũng có một “bàn thiên” để đặt hương đăng trà quả mỗi khi cúng dinh vào 16 và 17 tháng giêng (âm lịch).

Ngoài 3 ngôi đã kể vẫn còn 2 ngôi chưa nhiều người biết. Đấy là ngôi miếu thờ Huỳnh Công Nghệ ở ấp xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Nơi đây khá gần với “cánh đồng Bến Thứ”, tương truyền là nơi ngài đóng quân thuở trước. Cúng miếu vào ngày 10.3 âm lịch.

Và sau cùng là dinh thờ Huỳnh Công Nghệ ở ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành. Đây là ngôi thờ đáng được chú ý nhất, bởi lẽ, nó nằm trên miền đất nổi tiếng nhất trong cuộc kháng chiến đầu tiên của quan quân triều Nguyễn không tuân lệnh triều trình giao ba tỉnh miền Đông cho giặc Pháp (1862).

Miền đất này gắn với tên tuổi Khâm Tấn Tường, Trương Quyền - Pu Kôm Pô những năm sau 1862. Đấy là vì miếu ở bên bờ sông Vịnh, còn gọi là sông Bến Đá. Trên phía thượng nguồn từng có phủ An Cơ. Xa nữa là cánh đồng Bến Thứ, nơi tiền quân của Huỳnh Công Nghệ đóng quân lập thế “ỷ giốc” với thành Trà Vong của Quan lớn Trà Vong.

Ở hạ nguồn sông, nơi gọi là vàm rạch Sóc Om, cũng có chuyện tàu Tây bị nhấn chìm, cách đây vài chục năm, người dân còn thấy ống khói nổi lờ mờ trên mặt nước. Nếu so với các ngôi miếu thờ khác, dinh này cũng là một ngôi thờ lớn. Mặt bằng chữ nhật, lọt lòng kích thước 3,6 x 7,8 mét, tường xây, tôn lợp, nền gạch men ốp lát khang trang.

Phía trước còn được mở rộng thêm ra như một ngôi võ ca với cột kèo thép nhẹ bao phủ cả khoảng sân rộng hơn 5 mét ra tới tận bờ sông phía trước. Hai bên dinh cũng thế, nên có thể quy tụ về rất đông người dự lễ.

Bên trong dinh được bài trí đơn giản, chỉ với một bàn thờ chính và hai bàn tả, hữu ban. Bàn nào cũng đại tự thếp sơn vàng trên nền đỏ. Lư hương, bình bông, nhang đèn đĩa trái đủ cả. Trước ban thờ còn treo bức trướng đỏ thếp vàng với hai dòng chữ.

Dòng trên: “Dực Bảo Trung Ưng Linh Phò”, dòng dưới: “Huỳnh Công Nghệ tôn thần”, kiểu chữ triện khuyên tròn từng chữ. Trước ban thờ cũng còn có một đôi mô hình thuyền rồng bằng gỗ sơn màu và một đôi tượng ngựa.

Ngựa thì giống như ở các đền miếu thờ anh em Quan lớn Trà Vong; nhưng thuyền rồng chỉ ở đây mới có. Hẳn là để các ngài có thể dạo chơi trên dòng sông Vịnh quê nhà. Có phải vì thế mà người ta đã xây thêm một tam cấp với nhiều bậc đá xuống bến sông. Chính nhờ thế mà người cũng có thể bước xuống khoả tay vào mặt nước dòng sông lịch sử.

Dòng sông qua đây cũng thật là đặc biệt. Bởi đấy là một khúc ngoặt gấp của dòng sông Vịnh- nếu so với đường bộ thì nó giống như một “cua” tay áo hay “cua” chữ A mà mũi nhọn của chữ A trỏ vào nơi có dinh thờ. Bên kia sông, vẫn là những lùm, bụi cây hoang vu; xa xa mới thấy sắc vàng của lúa hoặc những vườn cây xanh óng. Bên ấy đã là xã Phước Vinh, từng là Thủ đô Gió Ngàn thời miền Nam kháng chiến chống Mỹ.

Ông Trần Văn Thu, người quản lý dinh thờ cho biết, ngôi thờ này có thể là cổ nhất trong các ngôi thờ anh em Quan lớn Trà Vong (Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ). Cứ theo lời kể của các bậc tiền bối, dinh đã có tới mấy trăm năm (chưa kiểm chứng).

Điều chắc chắn hơn là lời kể của cụ Nguyễn Văn Thìn (đã mất ở tuổi gần 100). Cụ Thìn từng là người quản lý dinh thờ nhiều năm trước. Cụ từng đi bộ đội Si-vô-tha thời kháng chiến chống Pháp. Theo lời cụ, lúc ấy đã có ngôi dinh thờ với quy mô, kích thước lớn hơn nay, với cột gỗ lớn, mái kiểu xưa lợp ngói.

Nằm giữa vùng ác liệt nhất của chiến tranh, nên dinh cũ không còn. Dinh không còn nhưng đất cũ vẫn còn rộng tới 3,8 công (3.800m2). Khoảng những năm 1980, cụ Thìn xin xã cho dựng lại, nhưng không được. Cụ bèn dựng tạm một căn ngang 4m, dài 6m làm nơi hương khói phụng thờ.

Đến các năm 2016-2018, thời ông Thu mới được các mạnh thường quân ủng hộ xây sửa khang trang như hiện tại. Ông Thu cũng cho biết, theo lời các cụ, nơi này có thể là một đồn binh của anh em quan lớn Trà Vong, tức là vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18. Ban Hội dinh giữ lệ thờ cúng ông vào 2 ngày 15 và 16 tháng 3 (âm lịch), còn gọi là lễ giỗ.

Điều thú vị nhất trong câu chuyện của ông Thu là chính nơi này xưa được gọi là Bến Đá, sau đã thành tên gọi khác của dòng sông Vịnh. Không chỉ một mà nơi đây có tới hai Bến Đá, một ở bên thượng, một về bên hạ nguồn ngay sát với dinh thờ. Gọi Bến Đá là do ở đấy có rất nhiều đá tảng dưới đáy sông, khi nước ròng có thể lội qua.

Giữa hai Bến Đá, ngay trước dinh thờ có cua chữ A, nước lại rất sâu. Địa thế này khiến nghĩa quân rất dễ dàng ngăn quân địch nếu chúng tiến về Trà Vong bằng đường thuỷ. Ông Thu còn bảo, dưới vực nước sâu trước dinh còn có một cửa hang ngầm ăn sâu vào lòng đất. Chuyện có thật hay không còn chưa biết, nhưng với những gì trải ra trước dinh đã đủ khiến người đến lần đầu bỡ ngỡ, ngạc nhiên và thú vị làm sao.

TRẦN VŨ