BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các nhà máy đường chạy hết công suất

Cập nhật ngày: 22/02/2011 - 10:42

Mía chất thành đống chờ đưa vào máy ép ở Nhà máy đường Biên Hoà.

Mùa mưa năm 2010 lượng mưa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thấp hơn trung bình nhiều năm. Sau Tết Nguyên đán Tân Mão, nắng nóng tiếp tục kéo dài. Tình hình khô hạn gây âu lo cho nông dân trồng mía đang chờ được thu hoạch. Hiện nay cây mía đang ngày càng khô, chẳng những rất dễ cháy mà còn giảm năng suất nếu thu hoạch muộn. Do vậy áp lực thu hoạch thời điểm này đang rất cao đối với các nhà máy.

Ông Phạm Công Hải, Giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh cho biết, năm nay, do khô hạn kéo dài nên hầu hết các cánh đồng mía đều bị khô rất nhanh, kể cả mía chưa đủ độ chín. Do đó mà những ngày qua, nhiều nông dân đến nhà máy yêu cầu cho thu hoạch mía, ít nhất mỗi ngày chở 1 xe, vì mía còn đứng đồng ngày nào là bà con chưa yên tâm ngày đó. Thậm chí có một số nông dân nôn nóng đến độ tự ý đốt mía của mình để được nhà máy thu hoạch sớm- bất chấp thiệt hại về sản lượng, chất lượng khi mía bị cháy và không được bảo hiểm chữ đường. Tâm lý nôn nóng của nông dân là điều chính đáng, cho nên nhà máy hết sức cố gắng áp dụng các biện pháp để chia sẻ và động viên người trồng mía yên tâm chờ đến lượt thu hoạch. Trong thời gian qua nhà máy đã tăng công suất hết mức có thể, có ngày máy phải ép hơn 3.500 tấn- vượt công suất thiết kế. Tuy nhiên, do công suất có hạn nên nhà máy không thể nào đồng loạt thu hoạch mía cho tất cả các hộ được. Bởi vì nếu như mỗi hộ chở 1 xe- theo yêu cầu của nông dân thì với diện tích còn lại khoảng 1.700 ha của gần 1.000 hộ thì mỗi ngày phải đưa về nhà máy đến 10.000 tấn mía cây- gấp đến 3 lần công suất nhà máy. Nếu thu hoạch mía đưa về nhà máy mà không thể đưa vào ép được, phải bỏ bãi, thì trọng lượng và chữ đường còn giảm nhanh hơn lúc mía đứng đồng. Tuy nhiên, để nông dân không bị thiệt hại trong thời gian chờ đến lượt thu hoạch, nhà máy đã có chính sách tăng mức hỗ trợ cuối vụ bù vào sự mất mát trọng lượng do mía bị khô.

Ở Nhà máy đường 8.000 tấn/ngày thuộc Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) áp lực thu hoạch mía còn cao hơn nữa. Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc Công ty cho biết hiện tại vùng nguyên liệu mía do công ty đầu tư còn đến hơn 3.000 ha mía với sản lượng khoảng 200.000 tấn. Tình trạng mía khô nhanh đã khiến cho cả ngàn hộ nông dân nôn nóng muốn được thu hoạch trước. Để giảm bớt áp lực thu hoạch, giữa tháng 2.2011, Công ty SBT đã công bố chính sách hỗ trợ cuối vụ để bù đắp vào thiệt hại của nông dân trồng mía khi bị khô trong thời gian chờ thu hoạch, giống như ở Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh. Cụ thể là từ ngày 1.3.2011 nhà máy sẽ tăng thêm tiền hỗ trợ là 50.000 đồng/tấn so với giá hiện nay, nâng giá mua mía 10 CCS  tại ruộng giao hàng trên phương tiện vận chuyển là 1.100.000 đồng/tấn. Từ 7 giờ ngày 15.3.2011 đến khi thu hoạch hết vụ, nhà máy tăng thêm tiền hỗ trợ là 50.000 đồng/tấn so với giá mua mía ban hành từ ngày 1.3.2011- nghĩa là giá mua mía 10CCS tại ruộng giao hàng trên phương tiện vận chuyển được nâng lên là 1.150.000 đồng/tấn. Đồng thời trong thời gian này công ty cũng cho nhà máy chạy hết công suất 8.000 tấn/ngày- có lúc ép lên đến 8.500 tấn/ngày. Đặc biệt, có ngày nhà máy “liều lĩnh” chạy thử đến 9.000 tấn mía/ngày, tuy nhiên nhà máy không dám duy trì lâu vì sợ máy móc sẽ bị sự cố, thiệt hại còn lớn hơn.

Hàng trăm xe mía chờ đổ mía ở Nhà máy SBT.

Theo tính toán của các nhà máy đường thì dù đã hết sức nỗ lực nâng công suất đến mức tối đa, nhưng do lượng mía còn lại khá nhiều- đến khoảng 300.000 tấn nên vụ thu hoạch mía năm nay có thể sẽ kéo dài đến gần cuối tháng 3.2011, nghĩa là còn khoảng 1 tháng nữa mới kết thúc. Lãnh đạo nhà máy đường kêu gọi các hộ nông dân có mía chưa thu hoạch yên tâm chờ đợi, không nên tự ý đốt mía vì trước tiên sẽ gây thiệt hại cho mình, làm đảo lộn kế hoạch của nhà máy, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến nhiều nông dân khác bị lùi ngày thu hoạch vì nhà máy phải tiếp nhận mía cháy.

Lãnh đạo các nhà máy đường khẳng định, sẽ chạy máy đến khi thu hoạch hết mía trên đồng. Mía của nông dân sớm muộn gì cũng sẽ được thu mua và càng về cuối vụ thì mức hỗ trợ càng cao để bù vào mất mát do mía khô, đảm bảo nông dân không bị thiệt hại do thu hoạch muộn.

SƠN TRẦN

 

 

 


Liên kết hữu ích