BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các nước vẫn bất đồng về vấn đề Syria

Cập nhật ngày: 13/07/2012 - 05:25

Các nhà hoạt động đối lập Syria cáo buộc, hơn 220 người đã bị sát hại khi trực thăng và xe tăng của lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ tấn công một ngôi làng tại vùng Hama, một trong những “điểm nóng” của cuộc nổi dậy chống chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.

Reuters dẫn nguồn tin từ Hội đồng Lãnh đạo Cách mạng thành phố Hama cho biết, những nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát tại làng Taramseh đều là dân thường. Tuy nhiên, nguồn tin này rất khó có thể xác nhận. Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Syria cáo buộc “các nhóm khủng bố” gây ra cuộc thảm sát tại làng Taramseh, đồng thời cho biết, 3 nhân viên an ninh đã bị giết trong các cuộc giao tranh tại đây.

Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công. Ảnh: Reuters

Vụ thảm sát hơn 220 người diễn ra trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang tiến hành thảo luận về hai bản dự thảo nghị quyết riêng rẽ về Syria do phương Tây và Nga đề xuất. Trong đó, nghị quyết của phương Tây đe doạ trừng phạt chính phủ Syria nếu không chấm dứt sử dụng vũ khí hạng nặng và rút quân khỏi các thị trấn và thành phố trong thời hạn 10 ngày. Ngoài ra, dự thảo nghị quyết này cũng gia hạn sứ mệnh giám sát của Phái bộ quan sát viên LHQ tại Syria (UNSMIS) thêm 45 ngày thay vì kết thúc vào ngày 20.7. Văn bản này cũng ủng hộ đề xuất của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về việc gia tăng nhiệm vụ chính trị của UNSMIS và cắt giảm số quan sát viên quân sự (hiện có 300 người) tại Syria.

Riêng bản dự thảo do Nga đệ trình trước đó không bao hàm đe doạ áp đặt các biện pháp chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nga vẫn giữ vững lập trường về vấn đề Syria.

Phát biểu với các phóng viên sau phiên thảo luận đầu tiên hôm 12.7, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Igor Pankin cho biết: "Nga có thể đàm phán về mọi thứ, ngoại trừ việc trừng phạt Syria". Theo ông Pankin, đây là "giới hạn đỏ" mà Moscow không bao giờ cho phép xảy ra. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, Nga muốn Đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Ả rập Kofi Annan can dự tích cực hơn với lực lượng đối lập Syria.

Theo kế hoạch, một cuộc bỏ phiếu cho hai bản dự thảo nghị quyết phải được tiến hành trước ngày 20.7, thời điểm sứ mệnh giám sát của LHQ tại Syria hết hiệu lực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết: “Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng các dự thảo nghị quyết. Hiện nay, vẫn còn những quan điểm khác nhau và chúng tôi nghĩ rằng các bên cần phải tìm ra sự đồng thuận bằng các cuộc đàm phán một cách kiên nhẫn, đồng thời duy trì sự đoàn kết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về một giải pháp chính trị cho Syria”.

Cũng theo hãng tin Reuters, các quan chức Mỹ cho biết Syria đã bắt đầu xuất kho một phần số vũ khí hoá học của nước này, trong đó có chất gây co giật thần kinh, hơi ngạt và chất độc cyanua. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng đang bất đồng quan điểm về việc Syria xuất kho vũ khí trên. Một số lo ngại có thể ông Assad muốn sử dụng loại vũ khí này để chống lại lực lượng nổi dậy, số khác cho rằng có lẽ ông Assad đang nỗ lực không để số vũ khí trên rơi vào tay phe đối lập.

Chính phủ Syria đã bác bỏ thông tin di chuyển kho vũ khí hoá học nói trên.

THUÝ TRINH

(Theo Reuters/AFP)