BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các Quỹ TDND đề xuất tăng lãi suất huy động

Cập nhật ngày: 09/06/2011 - 11:09

Giao dịch với khách hàng tại Quỹ TDND xã Tân Hưng, Tân Châu

Cho đến nay, Tây Ninh có được 18 quỹ tín dụng nhân dân (TDND), trong đó có 16 quỹ hoạt động từ lâu và 2 quỹ mới thành lập  từ giữa năm 2008. Trong nhiều năm qua các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối có hiệu quả, nhất là sau những lần được củng cố. Trong những tháng đầu năm 2011, các quỹ TDND đã hết sức nỗ lực duy trì và ổn định hoạt động. Thế nhưng trong thời gian gần đây, các quỹ TDND đang gặp không ít khó khăn do khó cạnh tranh nổi với các ngân hàng thương mại, nhất là trong công tác huy động vốn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến cuối tháng 4.2011, tổng nguồn vốn huy động của 18 quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 518,5 tỷ đồng, tăng khoảng 10,2% so với đầu năm. Trong đó vốn điều lệ là 23,79 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm; vốn huy động đạt hơn 407 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm; vốn vay là 56,2 tỷ đồng, giảm hơn so với đầu năm 11,3% và các nguồn vốn khác là 31,32 tỷ đồng, giảm hơn so với đầu năm trên 8%. Riêng trong tháng 5.2011, đến cuối tháng tổng nguồn vốn hoạt động chỉ tăng thêm có 0,6% so với cuối tháng 4, trong đó nguồn vốn huy động chỉ tăng khoảng 1,2% so với cuối tháng 4. Hoạt động cho vay của các quỹ TDND trong những tháng gần đây cũng tăng chậm. Đến cuối tháng 5, tổng dư nợ của 18 quỹ TDND thực hiện ước đạt khoảng hơn 462 tỷ đồng, chỉ tăng 1,8% so với cuối tháng 4, trong khi đó trong 4 tháng đầu năm dư nợ tăng đến 8,7%.

Theo đánh giá của lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nguyên nhân dẫn đến hoạt động của các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh có chiều hướng chậm lại, nhiều chỉ tiêu hoạt động bị giảm, chủ yếu là do nguồn vốn huy động gặp khó khăn do có sự cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Nhiều quỹ TDND cho rằng quy định về lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 3.3.2011 đối với các quỹ TDND cơ sở tối đa không vượt quá 14,5%/năm, chỉ cao hơn lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có 0,5% là quá thấp. Trong khi đó, có một số ngân hàng ngoài lãi suất tiền gửi còn có các chính sách khuyến mãi khác để thu hút khách hàng. Chính vì thế mà việc huy động vốn trong nhân dân của các quỹ TDND ngày càng khó khăn hơn. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2011 nguồn vốn huy động tăng gần 9%, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 3%, nhưng qua tháng 4 mức độ vốn huy động chỉ có 1,04% và trong nửa đầu tháng 5 mức độ tăng vốn huy động chỉ còn 0,3%. Không chỉ có việc vốn huy động ngày càng giảm, các quỹ TDND còn gặp khó khăn do nguồn vốn vay cũng giảm hơn 8% trong 4 tháng đầu năm do phải trả bớt nợ cho Quỹ TDND Trung ương. Hoạt động huy động vốn khó khăn đã dẫn đến việc cho vay cũng chậm lại. Trong đó có một số quỹ có dư nợ giảm do khách hàng trả nợ nhưng không có nhu cầu vay lại.

Để các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả nhằm khuyến khích khối kinh tế tập thể có điều kiện phát triển trong thời gian tới, cuối tháng 5.2011 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cho phép các quỹ TDND cơ sở được nâng trần lãi suất quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì trong thời gian chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các quỹ TDND vẫn phải chấp hành đúng quy định tại Thông tư 02 của NHNN về trần lãi suất huy động vốn.

Được biết đến nay ở 18 quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đã thu hút được hơn 28.100 thành viên tham gia, tăng gần 800 thành viên so với cuối năm 2010 và tăng hơn gần 4.000 thành viên so với cuối năm 2009. Điều này cho thấy mô hình quỹ TDND phù hợp với nhu cầu thực tế ở các địa phương và hoạt động của các quỹ trong thời gian qua có hiệu quả thiết thực.

Sơn Trần