Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trước thông tin về việc phân bón nhãn hiệu Cò Vàng Pháp Quốc không đạt chất lượng, làm nhái để lừa dối nông dân; Sở đã tổ chức thanh tra đột xuất về chất lượng và nhãn hiệu hàng hoá các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Bao bì sản phẩm của phân bón NPK của Công ty Pháp Quốc.
Nội dung kiểm tra bao gồm kiểm tra hồ sơ công bố chất lượng, bao bì nhãn mác hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và truy xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, nhái thương hiệu… đối với các sản phẩm Con Cò Vàng Pháp Quốc, các nhãn hiệu phân bón Baconco, Con Cò Vàng, Concomekong, Con Hạc Vàng; đồng thời kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng phân bón giả, nhái thương hiệu nêu trên.
Ðoàn thanh tra kiểm tra 10 cơ sở và lấy 10 mẫu sản phẩm của các nhãn hiệu trên. Kết quả, các cơ sở kinh doanh, các sản phẩm phân bón có trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam; chưa phát hiện phân bón giả, kém chất lượng, nhái thương hiệu.
Tuy nhiên theo ông Xuân, qua kiểm tra cho thấy các nhãn hàng hoá này đều có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng vì khá giống nhau và chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Tháng 1.2021, Báo Tây Ninh có bài phản ánh Công ty Cò Vàng Pháp Quốc có trụ sở tại phường Tân Tạo, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh do ông Tô Thanh Tú làm Giám đốc đã đến Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh nộp tất cả các loại giấy tờ liên quan đến sản phẩm phân bón vô cơ mang nhãn hiệu “Cò áo vi sinh Pháp Quốc” do công ty sản xuất và có ký hợp đồng gia công hàng hoá với Công ty Thuận Phát Long An.
Theo ông Tô Thanh Tú, thời gian qua có nhiều thông tin không chính xác về sản phẩm phân bón vô cơ NPK 20-20-15+TE với dòng chữ quảng cáo: "Chính phẩm Pháp Quốc, Xử lý lớp áo theo công nghệ tiên tiến".
Trong đó có những thông tin như sản phẩm của Công ty Pháp Quốc sản xuất nhìn gần giống với sản phẩm thương hiệu trên bao phân bón NPK Con Cò 20-20-15 +TE đang bán trên thị trường của Công ty TNHH Baconco.
Bên cạnh đó, các sản phẩm phân bón do Công ty sản xuất mang nhãn hiệu “Cò áo vi sinh Pháp Quốc” bị dư luận nghi ngờ không có giấy phép sản xuất, không giấy phép lưu hành, không chứng nhận chứng nhận chất lượng sản phẩm…
Chính lý do trên, Công ty Pháp Quốc đã mang các giấy tờ liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm, giấy phép lưu hành hàng hoá trên thị trường đem đến Sở NN&PTNT để nhờ cơ quan này thẩm tra lại sản phẩm của Công ty sản xuất, “giải oan” cho doanh nghiệp trước những dư luận không chính xác thời gian qua, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Qua đợt thanh tra của Sở NN&PTNT vừa qua có thể khẳng định, chất lượng của sản phẩm phân bón của các công ty có nhãn hiệu mang biểu tượng con cò, con hạc trên địa bàn tỉnh đều đạt chất lượng.
Thế nhưng, để tránh gây hiểu lầm đáng tiếc cho người tiêu dùng, thiết nghĩ các doanh nghiệp sản xuất phân bón có nhãn hiệu mang biểu tượng con cò, con hạc cần có sự điều chỉnh về mẫu mã và đăng ký bảo hộ thương hiệu để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Thế Nhân