Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Các siêu dự án định hình lại thế giới
Thứ bảy: 11:04 ngày 17/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi nghe tới cụm từ “siêu dự án”, chúng ta thường nghĩ tới kích cỡ. Tuy nhiên, kích cỡ chỉ là một khía cạnh trong tổng thể của những dự án vĩ đại, được xây dựng không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tự nhiên của con người với mong muốn sở hữu những thứ to lớn hơn, kỳ vĩ hơn.

Thực tế, các siêu dự án mang trong mình kỳ vọng của sự thay đổi. Chúng được thiết kế và xây dựng với mục tiêu cuối cùng là tạo ảnh hưởng tích cực lên toàn bộ khu vực, thậm chí cả thế giới, về kinh tế, xã hội hoặc chống lại biến đổi khí hậu.

Với tham vọng to lớn như vậy, không có con đường tắt nào tạo nên các siêu dự án có khả năng thay đổi thế giới. Những người tiến hành luôn phải đối mặt với các thử thách chưa từng gặp, cùng vô vàn rủi ro không dễ giải quyết, đi kèm với đó là các đòi hỏi về công sức, thời gian và tiền bạc.

Dưới đây là 9 siêu dự án lớn nhất thế giới, nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đang trong quá trình xây dựng. Một khi được hoàn tất, đây sẽ là những công trình độc nhất, mang tới những giá trị chưa từng xuất hiện từ trước tới nay.

Sân bay Al Maktoum, Dubai (82 tỷ USD)

Khi được hoàn thiện và đưa vào hoạt động hết công suất năm 2018, Sân bay Al Maktoum tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sẽ trở thành sân bay lớn nhất thế giới cả về kích cỡ và số lượng hành khách mỗi năm. Với diện tích 21 dặm vuông, Al Maktoum có thể chứa 200 máy bay cùng lúc, đủ khả năng để 4 máy bay cùng hạ cánh hoặc cất cánh.

Với các hoạt động xây dựng mở rộng lớn được thực hiện năm 2017, sân bay quốc tế này có thể nâng công suất phục vụ hành khách lên 220 triệu lượt người mỗi năm. Mục tiêu của quá trình xây dựng và mở rộng Al Maktoum là nhằm giảm bớt áp lực lên sân bay đầu tiên của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - Sân bay quốc tế Dubai. Sân bay này dự kiến có thể phục vụ 100 triệu lượt khách vào cuối năm 2020, đồng thời sử dụng hết công suất có thể.

Trạm vũ trụ quốc tế (150 tỷ USD)

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) là “công trình đơn lẻ” đắt đỏ nhất từng được loài người xây dựng. Với kế hoạch tiếp tục mở rộng cho tới năm 2020, dự tính, chi phí cho ISS sẽ vượt qua mức 1.000 tỷ USD.

Thực tế, ISS là một phi thuyền không gian lớn, nơi sinh sống của các phi hành gia ngoài vũ trụ. Đây đồng thời cũng là phòng nghiên cứu khoa học, được xây dựng bởi sự hợp tác của 15 quốc gia và 3 công ty không gian.

Con người đã sinh sống bên ngoài vũ trụ kể từ năm 2000. Từ đó cho tới nay, ISS chính là ngôi nhà trong không gian, nơi phi hành đoàn tiến hành các nghiên cứu không thể thực hiện được trên trái đất.

Tại đây, các nhà khoa học sẽ khám phá điều gì xảy ra với con người khi sống trong vũ trụ, cách thức để giữ phi thuyền hoạt động trong một thời gian dài. Đây là những kiến thức có ý nghĩa rất quan trọng đối với con người trong tương lai.

Dự án tàu cao tốc California, Mỹ (70 tỷ USD)

Dự án tàu cao tốc California (CAHSR) là dự án xây dựng hệ thống đường tàu cao tốc có độ dài 1.300 km nối San Francisco với Los Angeles. Trong tương lai, dự án này có thể được mở rộng hơn nữa để nối San Diego County với Sacramento.

CAHSR sẽ có 24 trạm dừng, sử dụng tàu điện tốc độ cao, giúp cung cấp một chuyến đi duy nhất trong chưa tới 4 giờ từ San Francisco tới Los Angeles với vận tốc 320 km/giờ. Các chuyên gia ước tính, nhu cầu di chuyển từ San Francisco tới Los Angeles vào khoảng 28,4 triệu lượt người mỗi năm. Một khi đi vào vận hành, CAHSR sẽ tạo nên tuyến đường xuyên suốt, giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí cho khách hàng.

Dự án được xây dựng trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ bao gồm 840 km và dự kiến hoàn thiện vào năm 2029, nối trung tâm San Francisco, Los Angeles và Anaheim. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm từ Central Valley tới Sacramento ở phía Bắc và từ Los Angeles tới San Diego ở phía Nam.

Dự án chuyển dòng nước Nam - Bắc, Trung Quốc (78 tỷ USD)

Đập thủy điện Tam Hiệp trên dòng sông Trường Giang (Trung Quốc) từng gây ấn tượng với số vốn đầu tư 24 tỷ USD, trở thành đập thủy điện lớn nhất thế giới năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn khá ít ỏi so với dự án chuyển dòng nước Nam - Bắc đang được Trung Quốc tiến hành kể từ năm 2014. Với chi phí hiện tại cao gần gấp 3 lần Đập thủy điện Tam Hiệp, tổng chi phí cho dự án chuyển dòng nước Nam - Bắc có thể còn cao hơn nữa khi quá trình xây dựng sẽ kéo dài trong 48 năm, thậm chí dài hơn.

Dự án này bao gồm việc xây 3 kênh đào khổng lồ, mỗi kênh dài 966 km, vận chuyển khoảng 44,8 tỷ m3 nước từ sông Trường Giang về các khu công nghiệp nằm ở phía Bắc, nơi có khoảng 50% dân số cả nước sinh sống, nhưng chỉ sở hữu khoảng 20% nguồn nước ngọt tại quốc gia này.

Cây cầu Hong Kong - Châu Hải - Ma Cao, Trung Quốc (10,6 tỷ USD)

Dự án xây dựng cầu kết nối Hong Kong - Châu Hải - Ma Cao thực chất là công trình xây dựng hệ thống giao thông dài 50km, bao gồm chuỗi các cây cầu, đường hầm dưới biển nối 3 thành phố lớn tại khu vực Pearl River Delta, Trung Quốc. Dù dự kiến hoàn thiện vào năm 2016, nhưng những khó khăn trong quá trình xây dựng khiến dự án này đã đẩy lùi ngày hoàn thiện cho tới năm 2021.

Dự án Crossrail London, Anh (23 tỷ USD)

Crossrail là dự án mở rộng hệ thống tàu tại London, thủ đô nước Anh, dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng một phần vào năm 2018, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2020. Đây là dự án xây dựng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại châu Âu.

Khi được hoàn thành, 56km đường hầm, nhà ga và các trạm trung chuyển sẽ kết nối khu vực ngoại ô London đến trung tâm Thành phố và Sân bay Heathrow (một trong những cảng hàng không lớn và đông đúc bậc nhất thế giới). Điểm đặc biệt của dự án này là các con tàu sẽ chạy dưới mặt đất ở độ sâu lên tới 40m.

Jubail II, Ả Rập Xê út (11 tỷ USD)

Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án xây dựng thành phố công nghiệp Jubail II đã bắt đầu được tiến hành với khoản đầu tư 11 tỷ USD, dự kiến hoàn thiện vào năm 2024. Đây sẽ là thủ phủ của hơn 100 cụm công nghiệp, nhà máy khử muối lớn nhất thế giới, các nhà máy lọc dầu với công suất 350.000 thùng/ngày, hàng trăm dặm đường bộ và đường sắt phục vụ Thành phố.

Dubailand, Dubai (64 tỷ USD)

Dubai nổi tiếng bởi sự giàu có, xa hoa, đồng thời cũng là nơi có sự góp mặt của nhiều siêu dự án tầm cỡ. Trong số đó có Dubailand, khu phức hợp có diện tích 278 km2, dự kiến được mở cửa vào năm 2025. Nơi đây sẽ có các công viên giải trí theo chủ đề, khu vực thể thao, du lịch sinh thái, các khách sạn phục vụ khách lưu trú (bao gồm khách sạn lớn nhất thế giới với 6.500 phòng) và khu trung tâm thương mại với diện tích 3 triệu m2.

Sân bay quốc tế Bắc Kinh Đại Hưng, Trung Quốc (13 tỷ USD)

Với mục tiêu giảm nhẹ gánh nặng cho Sân bay quốc tế Bắc Kinh, dự án sân bay quốc tế Bắc Kinh Đại Hưng, dự kiến mở cửa năm 2025 đang được gấp rút tiến hành. Sân bay này sở hữu 7 đường băng, là sân bay có trạm trung chuyển lớn nhất thế giới, được thiết kế bởi kiến trúc sư danh tiếng Zaha Hadid, với năng lực phục vụ 100 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Nguồn Đấu thầu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục