Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải tổ chức tiêm vắc xin trong thời gian nhanh nhất
Thứ tư: 10:30 ngày 27/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiều 26-10, tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch với lãnh đạo: Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự cuộc họp tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong 2-3 tuần tới, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt các địa phương có tỷ lệ bao phủ mũi 1 dưới 70% như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre…

Về cơ bản, khi đã bao phủ vắc xin mũi 1 hoặc bắt đầu tiêm mũi 2, cơ thể đã sinh kháng thể. Trong trường hợp có ca mắc, kết hợp với tăng cường chăm sóc từ sớm, chăm sóc tại nhà, vẫn có thể khống chế được tốc độ lây nhiễm, không để hệ thống y tế quá tải hay có nhiều ca bệnh nặng, tử vong.

Trước bài học kinh nghiệm của nhiều nước có tỷ lệ tiêm vắc xin 2 mũi rất cao nhưng vẫn phải tái phong tỏa do không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch.

“Chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, không phải bình thường, do vậy, phải tuyệt đối tuân thủ 5K, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không được để phải giãn cách cả địa phương hay cả khu vực, chỉ ở quy mô xã/phường, quận/huyện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các địa phương phải sẵn sàng, linh hoạt, có kịch bản ứng phó sát với thực tiễn khi có ca bệnh. “Ví dụ, khi phát hiện ca mắc Covid-19 trong một dây chuyền sản xuất sẽ quyết định dừng hoạt động của cả nhà máy hay chỉ một phân xưởng, một ca, kíp sản xuất, phụ thuộc vào sự lãnh đạo, bản lĩnh của lãnh đạo địa phương phải rất linh hoạt”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Về khó khăn trong việc xác định chính xác người trở về từ khu vực có nguy cơ dịch bệnh, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ khó khăn trong kiểm soát người từ nơi khác về. Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phải khẩn trương kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ kiểm soát hiệu quả người về từ vùng dịch đến tận quy mô xã/phường, thôn/ấp, tổ dân phố.

Để bảo đảm đủ sinh phẩm xét nghiệm người từ địa phương khác về, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phía Nam tổng hợp nhu cầu gửi Bộ Y tế cân đối, hỗ trợ khi cần thiết. 

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục xem xét, điều chỉnh quy trình cách ly, phân biệt giữa các địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin khác nhau, giữa người đã tiêm vắc xin và người chưa được tiêm.

Tại những vùng cấp độ 1 (vùng xanh), Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc linh hoạt tổ chức cho học sinh đi học trở lại, với nhiều phương thức khác nhau như học luân phiên, kết hợp học trực tiếp với trực tuyến.

Các địa phương ở miền Tây không được mất cảnh giác

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng luôn đặt các địa phương ở miền Tây trong tình trạng “nguy cơ rất cao” và yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nâng cao mức độ cảnh giác. 

Đặc biệt, trong thời gian qua, lượng người từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các tỉnh miền Tây rất lớn (khoảng 381.000 người) với tỷ lệ lây nhiễm rất cao (khoảng 1,6%), khả năng lây lan ra cộng đồng lớn, đặc biệt đối với địa bàn chưa kịp tiêm phủ mũi 1 vắc xin.

"Trước mắt, các địa phương ở miền Tây không được mất cảnh giác, không thể lơ là mà làm mất đi thành quả phòng, chống dịch rất tốn kém công sức, tiền của suốt thời gian qua.

Các địa phương đã rất cố gắng song Bộ Y tế vẫn lưu ý việc nâng cao mức độ cảnh giác và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở các cấp độ cao hơn so với Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh; đồng thời nêu rõ việc dựa vào hệ thống chính trị cơ sở để giám sát người từ vùng dịch về, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", giám sát y tế, xét nghiệm, cách ly theo điều kiện thực tiễn địa phương, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Đối với yêu cầu tăng cường hệ thống y tế, công tác giám sát theo dõi phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị các địa phương (có các phường, khóm ấp có ca mắc nhưng tỷ lệ độ bao phủ vắc xin chưa cao, sự chuẩn bị về cơ sở y tế chưa được như mong muốn) khẩn trương tăng cấp độ cho khu vực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Còn đối với các khu vực thuộc cấp độ 4, các địa phương vẫn thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm, cách ly, điều trị theo đúng quy định với nguyên lý phải cách ly, phong tỏa trên phạm vi hẹp nhất có thể.

Các tỉnh miền Tây đã trải qua đợt dịch thứ 4, nhưng việc chuẩn bị đáp ứng cho hệ thống y tế trong một số địa phương cũng chưa đạt yêu cầu của Quyết định 4800/QĐ-BYT.

"Phải lưu ý việc chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo ở cấp độ 4, đảm bảo hệ thống oxy, hệ thống tháp điều trị 3 tầng; không bắt buộc làm ngay nhưng phải chuẩn bị kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh; đồng thời khẳng định không để các tỉnh miền Tây thiếu vắc xin. Khi vắc xin về, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân cho các địa phương này nhằm đảm bảo tiêm bao phủ 2 mũi cho toàn bộ khu vực.

Theo đó, đến hết ngày 25-10, 19 tỉnh, thành phố này đã được phân bổ 48,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, chiếm 49% tổng số vắc xin được phân bổ trên cả nước. Đáng chú ý có 5/19 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin đạt trên 95% gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương.

Tăng cường xét nghiệm tầm soát, truy vết F0 ngoài cộng đồng

Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho rằng, tình hình dịch tại các địa phương ở Đông Nam Bộ tiếp tục chuyển biến tích cực khi số ca nhiễm, số ca tử vong đều giảm mạnh, số ca khỏi bệnh tăng lên.

Tuy đạt tỷ lệ phủ vắc xin cao nhưng tỷ lệ ca mắc tại khu vực này vẫn còn cao, vì vậy, phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh; chú trọng bảo vệ những người chưa tiêm vắc xin, trong đó có trẻ em.

Trong khi đó, số lượng ca mắc tại các địa phương ở Tây Nam Bộ đang tăng do người về từ vùng dịch, Thượng tướng Võ Minh Lương yêu cầu tăng cường xét nghiệm tầm soát, truy vết F0 ngoài cộng đồng, nhất là khi tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin còn thấp, năng lực hệ thống y tế còn yếu.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay không chỉ phải quản lý người trở về từ các tỉnh có dịch, mà còn cả người về từ tỉnh có nguy cơ dịch cấp 1 (xanh), cấp 2 (vàng) nhưng lại cư trú ở xã, phường có nguy cơ dịch cấp 3 (cam), cấp 4 (đỏ). Trong đó, nhiều người dù đã tiêm vắc xin vẫn bị mắc Covid-19, nếu chỉ cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Điển hình, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận số ca tăng nhẹ tại một số quận, huyện khi xét nghiệm nhanh lực lượng công nhân quay trở lại làm việc. Ngành Y tế thành phố đã tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh tại khu vực công nhân bị nhiễm lưu trú nhằm phát hiện sớm, quản lý phù hợp, điều trị hiệu quả F0.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, qua khảo sát, những người tiêm 1 mũi vắc xin đã sinh kháng thể, vẫn mắc Covid-19 nhưng rất ít trường hợp phải thở oxy. Người đã tiêm 2 mũi hầu như không diễn biến nặng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc mới Covid-19 trên cả nước trong 2 tuần qua đã giảm 48% so với 2 tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc trong tuần qua tăng 14,4% so với tuần trước đó. Trong số 19 tỉnh, thành phố miền Đông, Tây Nam Bộ, so với tuần trước đó, từ ngày 19 đến 25-10, 17/19 địa phương ghi nhận ca mắc tăng trong cộng đồng; 2 địa phương (Bình Dương, Sóc Trăng) ghi nhận số ca mắc giảm.

Thời gian gần đây, các địa phương tăng cường hoạt động giám sát ca nhiễm từ những người về từ vùng dịch, đã ghi nhận nhiều trường hợp dương tính (hơn 6.200 trường hợp/gần 381 nghìn người trở về), nhất là người về từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ từng người; thực hiện xét nghiệm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Cuộc sống người dân đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ cố gắng dập dứt điểm sang chung sống an toàn.

Tuy nhiên, trong tuần qua, số ca mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Nhận định tình hình dịch thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo tình hình trong nước còn nguy cơ diễn biến khó lường, dịch bệnh gia tăng và bắt đầu trở lại có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp và giao lưu lớn.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pcCovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh