Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các trường băn khoăn với đề án “nâng cấp, lên đời”

Cập nhật ngày: 05/05/2011 - 08:15

Cuối tháng 4 vừa qua, Ban Văn hoá – Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành khảo sát tại một số cơ sở giáo dục nhằm đánh giá tình hình triển khai chính sách đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Cùng đi với đoàn, phóng viên Báo Tây Ninh đã ghi nhận được một số thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề nêu trên.

Trước hết, cũng cần nhắc lại: chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Tây Ninh đã được thể hiện bởi hai quyết định của UBND tỉnh: Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 15.1.2010 quy định về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài và Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 22.4.2010 về việc ban hành Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 - 2015. Tinh thần, mục đích chung của hai quyết định vừa nêu là trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới, tỉnh sẽ thu hút, đào tạo cho được một lực lượng lao động có trình độ cao, có khả năng nghiên cứu khoa học về làm việc tại tỉnh Tây Ninh. Những đối tượng được thu hút hoặc được đưa đi đào tạo sẽ được tỉnh cấp kinh phí và bố trí công tác kèm theo những điều kiện được quy định chi tiết trong các quyết định nêu trên.

Chính sách rõ ràng đã nhằm vào mục tiêu cần và đúng tuy nhiên khi đưa vào cuộc sống, mọi sự lại không phải dễ dàng.

Nhiều vướng mắc

Theo ông Đinh Văn Hồ, Trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh (CĐSP), hiện tại cũng như trong tương lai gần, trường CĐSP đang đối diện với hai vấn đề thách thức, đó là tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh và sự thiếu hụt về đội ngũ giảng viên.

Học sinh giỏi lớp 9 tham gia kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp quốc gia

Vấn đề thứ nhất, là do hiện nay, đội ngũ giáo viên bậc học tiểu học và trung học đã bão hoà, thậm chí dư thừa. Một số ngành sư phạm đã ngưng đào tạo nên nhiều giảng viên của trường không có giờ để dạy cho đủ định mức. Trước tình hình đó, những năm qua, Trường CĐSP đã xin Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho mở một số mã ngành mới ngoài sư phạm. Tuy nhiên việc tuyển sinh các ngành ngoài sư phạm cũng không dễ dàng, bởi đây không phải là lĩnh vực thế mạnh của nhà trường. Đối với đề án nâng cấp trường từ cao đẳng lên đại học, ông Hồ cho biết, việc thu hút cho được 7.000 sinh viên như đã nêu trong đề án là cực khó! Bởi mỗi năm, toàn tỉnh Tây Ninh cũng chỉ có khoảng 7.000 học sinh tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, cho dù Tây Ninh có trường đại học đi nữa thì việc tuyển sinh cũng sẽ đụng đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ thành phố HCM và Bình Dương- 2 đơn vị tỉnh, thành hiện có ưu thế về tuyển sinh đại học hơn ta. Để tuyển cho được 7.000 sinh viên, nhà trường ắt phải mở rộng đối tượng tuyển sinh và loại hình đào tạo, còn nếu chỉ nhắm vào hệ chính quy thì không thể nào bảo đảm theo kế hoạch.

Vấn đề thứ hai, Trường CĐSP vẫn còn đang đau đầu với việc kiện toàn đội ngũ giảng viên. Hiện tại, trường có 4 tiến sĩ nhưng người đã sắp nghỉ hưu, người đã xin đi khỏi trường, người chưa đi hẳn nhưng cũng đã xin nghỉ không lương để… đi dạy ở nơi khác. Hiện toàn trường có 43 giảng viên có trình độ thạc sĩ nhưng đến 2015, ít nhất sẽ có 25 người trong số này về hưu. “Từ khi thực hiện chính sách thu hút nhân tài đến nay, nhà trường chưa… thu hút được ai về, ngược lại, còn bị chảy máu chất xám” - một cán bộ của trường nói thế. Theo quy định của Bộ GD - ĐT, nếu một trường đại học có quy mô 7.000 sinh viên thì số giảng viên phải có ít nhất từ 200 - 300 người. Theo đề án, Trường đại học Tây Ninh tương lai sẽ mở 20 mã ngành, mỗi mã ngành đào tạo bắt buộc phải có ít nhất một tiến sĩ. Trong khi đó, từ nay đến năm 2015, nếu không có gì thay đổi thì Trường CĐSP chỉ còn duy nhất một tiến sĩ còn trong độ tuổi làm việc! Theo nhận định của vị hiệu phó Trường CĐSP, chính sách thu hút nhân tài đã ban hành hiện vẫn chưa đủ sức “hấp dẫn” người có trình độ cao để họ chịu về tỉnh làm việc.

Tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, theo ông Nguyễn Thành Bửu, hiệu trưởng nhà trường thì tỉnh cần nâng mức hỗ trợ giáo viên đi học thạc sĩ để giáo viên yên tâm chuyện học. Mặt khác cũng cần nghiên cứu, cân nhắc để hỗ trợ tài chính cho giáo viên mới ra trường, đồng thời nên có phụ cấp thêm cho giáo viên trường chuyên, ngoài phụ cấp ưu đãi như hiện nay. Cũng liên quan đến chế độ của giáo viên, ông Bửu cho rằng, cần nâng mức chi trả cho giáo viên hợp đồng và giáo viên được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi.

Một thành viên của đoàn khảo sát nêu ra vấn đề: Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha là một trường có nhiều học sinh giỏi, vậy có bao nhiêu em học sinh trong số đó sau khi tốt nghiêp đại học chịu trở về Tây Ninh làm việc? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Bửu nói nhà trường không có thống kê chính xác nhưng theo ông, có lẽ con số ấy không nhiều. Tâm lý chung của không ít sinh viên là sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tìm mọi cách để ở lại thành phố làm việc. Cũng có một số sinh viên quay về tỉnh nhà nhưng lại không được bố trí đúng chuyên môn, khiến các em khó phát huy được những kiến thức đã học.

Đối với kế hoạch nâng cấp, hiện đại hoá Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, ban giám hiệu nhà trường kiến nghị: cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án này, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu cho phép nhà trường được tự chủ trong công tác tuyển dụng giáo viên, và được quyền “đặt hàng” sinh viên sư phạm ngay khi các em còn ngồi ở giảng đường. Cuối cùng, để khuyến khích học sinh giỏi thi vào trường chuyên, tỉnh cần áp dụng chính sách cấp học bổng cho học sinh trường này như các tỉnh khác đã và đang làm.

Chưa thấy chuyển động

Sau khi kết thúc đợt khảo sát về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại Trường CĐSP và Trường chuyên Hoàng Lê Kha, đoàn khảo sát cũng đã có buổi làm việc với các sở, ngành có liên quan. Đại diện 3 sở Nội vụ, Y tế và GD - ĐT đều thừa nhận một thực tế là việc đào tạo và thu hút người tài đang gặp rất nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Văn Quê, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - cơ quan giữ vai trò chủ đạo trong việc thực thi chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho biết, kể từ khi có chính sách đưa người đi đào tạo ở nước ngoài đến nay, chưa có một ai được cử đi. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là đối tượng được cử đi quá yếu về… ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều cơ bản nhất vẫn là khâu triển khai các quyết định của tỉnh còn chậm. Cho đến nay, mặc dù các quyết định có liên quan đến đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh có hiệu lực đã hơn một năm, song về cơ bản mọi việc vẫn còn nằm trên giấy, chưa thật sự chuyển động.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh cũng là một thành viên trong đoàn khảo sát đề nghị các sở, ngành tích cực tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Ông đặt vấn đề: tại sao các tỉnh khác làm được còn Tây Ninh lại không làm được? Theo ông, hiện có một số không ít học sinh giỏi của tỉnh (nhất là học sinh trường chuyên) không quan tâm đến chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Ông đề nghị tỉnh phải có một “tư lệnh” chuyên trách về vấn đề này, không thể kéo dài tình trạng mạnh ngành nào, ngành đó làm, họp bàn mãi mà không giải quyết được vấn đề gì.

VIỆT ĐÔNG