Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các trường mầm non xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng 

Cập nhật ngày: 25/05/2022 - 07:12

BTN - Hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Phần lớn bệnh nhân là trẻ dưới 5 tuổi, được chăm sóc, nuôi dạy tại các trường mầm non. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, các trường mầm non, mẫu giáo phối hợp với ngành Y tế và gia đình xây dựng các biện pháp phòng, chống bệnh TCM cho trẻ.

Các em học sinh lớp lá Trường mẫu giáo Rạng Đông rửa tay trước khi ăn trưa

Cẩn trọng với bệnh tay chân miệng ở trẻ

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, từ ngày 1.5.2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 120 trường hợp mắc TCM, tăng 100 ca so với cùng kỳ năm 2021, dự báo số ca TCM sẽ tăng cao so với năm trước.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, số bệnh nhân mắc TCM nhập viện đang có chiều hướng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Phước Điền- Phó trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, tại Khoa đang điều trị nội trú cho 10 bệnh nhân TCM. Tính từ đầu năm đến nay, khoa điều trị cho hơn 50 bệnh nhân TCM, tăng so với năm 2021, chưa có trường hợp nào diễn biến nặng, tử vong.

Nhận diện bệnh TCM, bác sĩ Điền cho biết, đây là căn bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột gây nên. Có 2 họ thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và enterovirus 71 (EV71), trong đó EV71 ít gặp nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề hơn. Virus gây bệnh TCM sống trong đường tiêu hoá và truyền nhiễm từ người này sang người khác. Trẻ rất dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nước bọt, chất dịch từ bọng nước, chất nôn của người bệnh, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, số trường hợp tử vong vì bệnh TCM do virus EV71 gây ra, trong đó tử vong phổ biến nhất ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% - 86% trong tổng số các trường hợp tử vong vì bệnh TCM ở trẻ em).

Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, trong ổ miệng, đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ. Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh TCM là tình trạng loét miệng. Vị trí loét được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng vết loét thay đổi từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2mm - 3mm. Loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống, thường chảy nước miếng liên tục. Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,50C - 380C; có những trẻ bị sốt cao trên 390C liên tục, là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị TCM đã nghiêm trọng, cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

Để phòng bệnh TCM cho trẻ, phụ huynh và các đơn vị trường học cần có sự phối hợp trong việc bảo đảm vệ sinh, an toàn cho trẻ tại nhà lẫn ở trường. Trường học là nơi học sinh tập trung đông, môi trường tiếp xúc gần, thuận lợi cho bệnh TCM có thể bùng phát thành dịch. Phụ huynh và giáo viên cần lưu ý: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cho trẻ; thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; theo dõi sức khoẻ của trẻ hằng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Phòng bệnh cho học sinh

Tại Trường mầm non Rạng Đông (thị xã Hoà Thành), công tác phòng, chống bệnh TCM được nhà trường lên kế hoạch ngay từ đầu năm học. Đặc biệt trong thời điểm giao mùa, việc bảo đảm vệ sinh cho trẻ, vệ sinh trường học và công tác tuyên truyền tới giáo viên, nhân viên nhà trường cùng các bậc phụ huynh về triệu chứng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được Ban giám hiệu quan tâm thực hiện thường xuyên.

Cô Võ Thị Thuý An- Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Rạng Đông chia sẻ, song song với việc phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, nhà trường đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh TCM cho trẻ đến tất cả giáo viên, nhân viên. Giáo viên, nhân viên nhà trường phải nắm rõ các biện pháp phòng, chống bệnh, bảo đảm vệ sinh tại lớp học (các vật dụng cá nhân của các em như ly uống nước, khăn lau mặt, lau tay được vệ sinh mỗi ngày); hướng dẫn các em rửa tay trước và sau khi ăn; tổ chức vệ sinh phòng học, lau chùi kệ đựng đồ chơi và những vật dụng trẻ tiếp xúc hằng ngày. Đặc biệt, nhà trường chỉ đạo giáo viên đón trẻ ở cổng trường, nếu trẻ có dấu hiệu bệnh TCM thì báo ngay cho phụ huynh đón trẻ về.

Cũng lên kế hoạch phòng, chống dịch bệnh TCM cho trẻ, thời gian qua, Trường mầm non Long Hải, thị xã Hoà Thành thực hiện tổng vệ sinh khuôn viên trường, lau rửa dụng cụ học tập của các bé bằng chất khử khuẩn. Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên tuyên truyền về sự nghiêm trọng của bệnh tới các bậc phụ huynh; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ... Năm học này, trường có gần 350 trẻ với 12 lớp, để bảo đảm cho trẻ có môi trường học tập an toàn, công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh được nhà trường thực hiện nghiêm ngặt.

Cô Nguyễn Huỳnh Quốc Việt- Hiệu trưởng Trường mầm non Long Hải chia sẻ, thời điểm giao mùa xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm, không riêng bệnh TCM. Vì vậy, để phòng, chống bệnh, nhà trường rất chú trọng vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường học tập cho các em. Cuối tuần, nhà trường chỉ đạo giáo viên vệ sinh trường lớp, dụng cụ học tập, khu vui chơ,… nhằm ngăn chặn bệnh lây lan trong môi trường học đường.

Điều trị tại nhà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

Theo bác sĩ Nguyễn Phước Điền- Phó trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, bệnh TCM có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12. Bệnh chưa có vaccine phòng ngừa. Bệnh TCM được xem là lành tính và có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, tổn thương cơ tim… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ.

Đa số trẻ mắc bệnh TCM thường sẽ có khả năng tự phục hồi trong vòng 7-10 ngày, ngoại trừ những trường hợp có biến chứng nặng. Các phụ huynh cần chú ý biểu hiện bệnh của trẻ để điều trị kịp thời, không để bệnh chuyển biến nặng.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý: thực hiện cách ly cho trẻ, không nên đưa trẻ đến trường học trong khoảng thời gian từ 10 - 14 ngày kể từ ngày phát bệnh; khi trẻ mắc bệnh TCM, phụ huynh nên chuẩn bị thức ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hoá để trẻ có thể ăn được nhiều hơn, chú trọng đến thành phần dinh dưỡng trong các món ăn để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ; tránh cho trẻ ngậm vú nhựa quá cứng, ăn bằng các dụng cụ có cạnh sắc bén; hạn chế thức ăn quá nóng hoặc chua cay vì có thể khiến trẻ càng đau miệng và họng hơn; bổ sung lượng nước thích hợp, vì trẻ có nguy cơ mất nước do sốt và biếng ăn; tuyệt đối không nên kiêng cử gay gắt, nên cho trẻ ăn lại bình thường ngay khi trẻ có dấu hiệu giảm bệnh.

Hiện bệnh TCM chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, phụ huynh khi sử dụng thuốc điều trị tại nhà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau: Sốt cao liên tục 390C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi, yếu chi; trẻ đi đứng loạng choạng; trẻ đảo mắt bất thường; nôn ói nhiều, quấy khóc (dỗ không nín); co giật; thở mệt.

Ngọc Bích