Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Các vị hoà thượng Thiền Lâm cổ
Thứ tư: 10:30 ngày 31/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một trong các vị ấy vừa mới ra đi vào ngày 3.1.2018, nhằm ngày 17.11 năm Ðinh Dậu. Ðấy là đại lão hoà thượng Thượng tịch Hạ Khai (pháp danh thường gọi lúc ông còn sống là Thích Tịnh Khai).

Nói theo Ban lễ tang, ông đã “Nhuận thế vô thường thụ phần viên tịch”. Còn theo đa số phật tử thì ông đã về cõi Niết Bàn. Ðến dự tang lễ của ông tại chùa Thiền Lâm cổ, diễn ra trong các ngày từ 4 đến 8.1.2018, có hầu như tất cả các chư tôn hoà thượng, thượng toạ và đại đức tăng ni cùng phật tử ở tỉnh nhà; có đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tôn giáo tỉnh.

Ðặc biệt, còn có đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm hoà thượng Thích Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội cùng nhiều hoà thượng trong Hội đồng Chứng minh và các ban của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong rất nhiều vòng hoa viếng, có một vòng mang chữ: “Chùa Tổ Ðỉa Long Hưng, Bến Cát, Bình Dương”. Thì ra, ngôi chùa mà vị tổ sư ở núi Bà dựng lên từ năm 1794 sau khi rời núi vẫn còn ở bên tỉnh bạn láng giềng. Ðấy là sư tổ Ðạo Trung, tự Thiện Hiếu. Danh bất hư truyền, chính ông được dân gian gọi là “Tổ Bưng Ðỉa khai sơn núi Bà”.

Khai sơn thì đã rõ. Chính ông là người đầu tiên đến tu ở núi, mở đầu cho một dòng tu Tế thượng chánh tông, khai triển đạo Phật ở núi suốt khoảng 250 năm qua (từ 1763). Thế còn “Bưng Ðỉa”? Ðấy là chuyện như huyền thoại, lưu truyền rằng thời ông tu trì từng có bưng hoang dầy đặc đỉa khiến người dân không thể canh tác được.

Ông đã kiên trì tụng niệm để những con đỉa chúa màu trắng phải bỏ đi, dẫn theo cả bầy đàn, để lại mặt nước trong lành cho những người dân khai phá bưng hoang thành ao, đầm hay ruộng lúa. Ðấy cũng là một trong những huyền thoại, có sức hút khiến người tu hành ở miền Nam đến với núi Bà.

Một trong những người tu hành ấy chính là hoà thượng Thích Tịnh Khai. Ông sinh năm 1934 ở xã An Ninh Tây, huyện Ðức Hoà, tỉnh Long An. Bản tiểu sử dùng trong ngày tang lễ viết: “Năm 16 tuổi vào một ngày mùa xuân về, ngài cùng song thân và mấy anh em họ hàng từ quê hương Long An đến Tây Ninh núi Bà hành hương bái Phật viếng cảnh Linh Sơn… Ðứng trước quang cảnh thiên nhiên linh sơn hải hội; tâm hồn ngài phát khởi bồ đề tâm “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”.

Vậy mà cũng phải 6 năm sau, ông mới xuất gia tại một ngôi chùa ở quê nhà, rồi đến núi Linh Sơn tu học. Tại đây, ông được hoà thượng Thích Giác Ðiền nhận làm đệ tử, ban pháp danh Thích Tịnh Khai để “truyền thừa giáo pháp”. Ðến năm 1960, ông được kế tục làm trụ trì chùa Thiền Lâm cổ- ngôi chùa được coi là cổ nhất tại xã Thái Hiệp Thạnh, tỉnh lỵ Tây Ninh lúc ấy (nay là thành phố Tây Ninh).

Trong đời tu hành của mình, ông từng làm Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Tây Ninh năm 2007, được Giáo hội tấn phong hoà thượng, được suy cử là thành viên Hội đồng Chứng minh của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017. Vị hoà thượng đạo cao đức trọng ấy vẫn giữ được hình ảnh giản dị trong lòng các đệ tử và phật tử.

Ðến đây xin được nhắc lại, khảo cứu kỹ lưỡng hơn về vị đại lão thiền sư sáng lập chùa Thiền Lâm cổ. Tên của ông từng được đặt cho một con đường, nay là đường Nguyễn Văn Cừ vắt ngang qua khu phố cũ phường 2. Ðấy là đường Yết Ma Lượng có trước năm 1975, đến tận cuối những năm 80 của thế kỷ XX mới đổi sang tên mới. Ngài cũng là vị tăng duy nhất ở Tây Ninh được sách “Ðại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép lại. Ðấy là ở trang 249, tập 5 của bộ sử này.

Xin trích nguyên văn: “Sư Lượng: họ Nguyễn, tên là Trí Lượng… Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) Lượng mắc chứng ung loét ở mũi, trăm phương cứu chữa mà không khỏi, nghe dưới núi Linh Sơn có chùa Phật rất thiêng, liền phát nguyện bỏ hẳn trần gian, nương mình cửa Phật… Bèn chân dép gai, gậy trúc mà đi, đến ngoài cửa tam quan quỳ dài để khấn, xin phù hộ cho được khỏi bệnh… Ðêm hôm ấy, đến trống canh ba thì ngủ đi, thấy một bà già, mặc toàn đồ thâm; lững thững đến trước mặt, chỉ vào chỗ bệnh của Lượng và nói: “Hạ tuần tháng này bệnh sẽ tự khỏi”. Ðến hạ tuần quả nhiên bệnh khỏi. Từ đấy Lượng trụ trị ở trong núi, không trở về nữa”.

Thực ra, Thích Trí Lượng đã trở về! Bằng chứng thuyết phục nhất chính là ngôi chùa ông đã tạo lập nên- Thiền Lâm Cổ. Có lẽ triều đình ở quá xa nên không thể cập nhật thông tin về ông ở đoạn sau này, khi ông đã khỏi bệnh chăng! Theo tấm bia gắn trên tháp mộ ở chùa Thiền lâm- Gò Kén, ông sinh năm Kỷ Mão (thỉ Kỷ Mẹo niên- 1819) và mất ngày 11.12 năm Canh Tý (chung canh tý niên, thập nhị hoạt, thập nhất thâu thần).

Ông còn được giới tăng sĩ đương thời coi là một vị danh tăng khả kính, với danh xưng là thiền sư Minh Ðạt (theo luận văn thạc sĩ Phật học của ni cô Thích Nữ Niệm Huệ, 2015). Ðiều này cũng phù hợp với bia mộ của thiền sư đặt tại chùa Thiền Lâm- Gò Kén. Ðấy là dòng giữa:- Từ lâm tế chánh tông đời thứ 38 thượng Trí hạ Lượng, quý Minh Ðạt đại lão thiền sư giác linh miêu toà.

Những nghiên cứu gần đây của nhà nghiên cứu Nam bộ Trương Ngọc Tường còn cho biết rõ hơn về Yết Ma Lượng. Ông là đệ tử của thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh, từ chùa Thiên Mụ (Huế) vào tu ở chùa Giác Lâm (Gia Ðịnh). Năm 1853, khi quan Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương có chủ trương thiết lập các đồn điền tại các vùng đất còn hoang hoá ở phương Nam thì thầy trò sư Hải Tịnh tình nguyện đi theo các nhóm quân dân lên Tây Ninh khai phá, cất chùa trên vùng đất mới.

Sau thời gian chữa bệnh và tu hành, Thích Trí Lượng góp phần trùng tu ngôi Linh Sơn Tiên Thạch tự tại núi Bà, ông đã theo một đội quân dân đến lập ngôi chùa tên gọi An Cư. Chưa tìm thấy dấu vết chùa này, nên tạm suy đoán đấy là thuộc các xã nay là An Cơ, Hảo Ðước. Sự nghiệp có lẽ chưa thành, bởi chẳng bao lâu sau thì miền Ðông rơi vào tay giặc Pháp (1862).

Và vùng đất này đã trở thành căn cứ của các lực lượng nghĩa quân chống Pháp. Cuộc chiến đấu của Trương Quyền- Pu Kôm Pô bị dập tắt năm 1867. Vậy có thể ngôi Thiền Lâm cổ được Yết Ma Lượng lập vào những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ 19. Việc này cũng phù hợp với giả thiết của một số nhà nghiên cứu cho rằng Thiền Lâm cổ là chùa sớm nhất có trong nội thị thành phố Tây Ninh (không kể các chùa ở núi Bà).

Trông người nay lại nhớ người xưa! Nhìn đoàn xe tang tiễn đưa hoà thượng Thích Tịnh Khai với rợp sắc cờ Phật, áo cà sa mà liên tưởng đến 118 năm về trước cũng từng có một đám tang đưa tiễn vị Yết Ma nổi tiếng của Phật giáo miền Nam về cõi Phật. Thân cát bụi các ngài lại trở về cát bụi. Chỉ những “tiếng thơm” còn để lại như bông sứ còn toả hương mãi mãi các ngôi chùa.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục