Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Các vị La Hán chùa Thiền Lâm
Thứ tư: 08:20 ngày 06/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghe có vẻ giống bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận. Chắc hẳn có người phải bật lên câu hỏi:- Liệu đây có phải là những pho tượng La Hán chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất- Hà Nội, đã nổi tiếng cả trong đời thực lẫn trang thơ?

Tượng La Hán Phục Hổ.

Chẳng là từ trước Tết Nguyên đán 2019, chùa Thiền Lâm- Gò Kén ở xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành trưng bày đầy đủ 18 pho tượng La Hán bằng đá núi Bà Đen hẳn hoi, được tạo tác từ nguyên khối. Thực ra, người đến viếng chùa nếu để ý thì đã từng thấy một vài pho La Hán từ hai, ba năm trước.

Nhưng đây là lần đầu tiên có mặt cả 18 vị, được đặt tại vị trí trang trọng và đẹp nhất giữa sân chùa. Đấy là hai dãy ở chính giữa khoảng sân phía trước tượng Phật Thích Ca ngồi tựa gốc bồ đề. Dịp tết, nên không gian ấy còn được trang trí đẹp hơn nữa với cờ hoa, đèn nến rực rỡ bên trên và cây kiểng hoa xuân bên dưới.

Du khách tới đây, nhiều người như bị hút vào con đường đi giữa hai hàng các vị La Hán. Dù chùa còn được trang trí hoa cảnh đẹp đẽ ở nhiều nơi như các đài tượng Quán Thế Âm bồ tát, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn hay đền Di Lặc… Nơi thì rừng rực những mai vàng, hồng thắm, nơi lại long lanh đáy nước in trời nhộn nhịp cá, rùa bơi…

Cũng không thể quên một tượng đá mới đặt trước tết, là tượng Quán Thế Âm bồ tát ngay phía sau của gốc bồ đề, tức là ngay trước mặt tiền chùa. Vị này được dân gian quen gọi là Phật bà Quan Âm, mà hầu như chùa nào cũng có. Tuy vậy, chỉ có ở Thiền Lâm mới là một pho tượng tạc ra từ nguyên khối đá hoa cương của núi Bà. Tượng cao 7,2m, nặng 30 tấn đồ sộ mà vẫn đẹp ngời ngời và tinh tế làm sao! Sóng lượn trên từng nếp áo choàng, nét mặt, dáng bàn tay cầm hồ lô hay bắt quyết đều dịu dàng, tinh tế giống như hình tượng Phật bà trong phim Tây Du Ký.

Có thể đây là pho tượng Quán Thế Âm được tạo hình thành công nhất ở các chùa tỉnh Tây Ninh. Chưa kể tới tác động về mặt tín ngưỡng, tâm linh; chỉ riêng về mặt tạo hình nghệ thuật cũng đã khơi gợi trong lòng người tới viếng rất nhiều cảm xúc thiêng liêng, cao đẹp.

Xin trở lại với các vị La Hán. Họ là ai? Các vị tăng, ni Phật giáo cho biết:- Thập bát La Hán là 18 vị tu luyện theo tín ngưỡng Phật giáo đã đạt tới cực hạn. Kể như họ đã được vĩnh viễn giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Một đoạn giải thích của từ điển mạng Wikipedia lại cho biết: “18 vị La Hán tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Cuộc đời các ngài siêu nhiên kỳ bí nhưng lại rất mực gần gũi chúng sanh…”.

Tượng La Hán Toạ Lộc.

Đến thăm chùa Tây Phương năm 1960, nhà thơ Huy Cận viết những dòng mô tả chân dung các vị La Hán: “Mỗi người một vẻ, mặt con người/ Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời/ Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã/ Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi…/ Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau/ Quay theo tám hướng hỏi trời sâu/ Một câu hỏi lớn. Không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau…”.

Một lần duy nhất đến thăm chùa Tây Phương, đủ thấy nhà thơ Huy Cận đã mô tả thập bát La Hán ở đấy thật đúng và sâu sắc. Trong hành lang sâu hút thăm thẳm bóng chiều, các vị đứng ngồi trên kệ, mỗi người mỗi vẻ đầy nặng những cảm xúc đau thương hay muốn thét gào. Xin kể thêm, đấy là những pho tượng gỗ, được tạc vào thế kỷ 18- một thế kỷ đầy rẫy những cuộc chiến tranh, đói khổ và lưu lạc. Vì thế mà ở một đoạn khác, nhà thơ viết: “Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la/ Sờ soạng, cha ông tìm lối ra/ Có phải thế mà trên mặt tượng/ Nửa như khói ám, nửa sương tà…”. Giá như Huy Cận còn sống và đến chùa Thiền Lâm vào mùa xuân Kỷ Hợi 2019, nhà thơ sẽ rung động, giữa những pho tượng La Hán đứng ngồi dưới trời phương Nam ấm nóng, tưng bừng đón mùa xuân mới.

Vâng! Vẫn là những dáng người, vẻ mặt các vị La Hán đấy thôi, được chạm khắc rất tài hoa. Tưởng như các vị đã có sẵn, nằm sâu trong lòng đá núi Bà để người thợ khéo léo bóc tách những lớp đá bọc ngoài, lộ chân dung các vị sống động như người thật. Đây là La Hán Phục Hổ mắt xếch, râu quai nón rậm đang nhếch mép cười, chân co, tay chống ung dung ngồi trên lưng hổ. Kia là vị La Hán Hàng Long vẫn còn vung tay giận dữ, dù con rồng đã bị quy phục nằm bẹp dưới chân mình.

Lại có La Hán Ba Tiêu chỉ khoác sơ manh vải làm quần, thanh thản ở trần, tay lần tràng hạt, nét mặt trầm tư, người tựa vào chồng sách cao (hay là kinh Phật). La Hán Khánh Hỷ lại đang khom người, hai tay vung lên như chộp bắt một vật gì… mà nét mặt vẫn vui sao! La Hán có nụ cười cởi mở nhất lại là ông Bố Đại, cái đẫy đeo sau lưng thật to, cái bụng lại to hơn. Thảnh thơi nhất có lẽ là La Hán Toạ Lộc đang ngồi bó gối trên lưng một con hươu hiền lành ngước mắt nhìn trời bình thản. Ông nào mặc áo thì từng nếp áo đều buông rủ dịu dàng như sóng lượn. Những gương mặt dù gồ ghề, dữ tợn hay trầm tĩnh hiền lành đều toát lên cá tính tinh thần. Nhưng phần cơ thể dù đầy đặn hay gầy gò đều tuân thủ chặt chẽ quy luật tạo hình giải phẫu học. Điều này đã khác với các pho tượng dân gian thường thấy trong các chùa xưa. Một vị sư già cùng tôi ngắm nghía thật kỹ từng pho tượng La Hán, ông chỉ còn thốt lên:- Đẹp quá!

Dĩ nhiên, đến đây ai cũng muốn biết tác giả của những pho tượng đá này. Như Huy Cận xưa từng hỏi: “Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?/ Sống lại cho tôi hỏi một câu”. Xin trả lời:- những “bác thợ cả” tạc tượng chùa Thiền Lâm còn trẻ lắm nên không ai nhận mình là thợ cả. Họ là một nhóm bạn nghề đến từ tỉnh Phú Yên, trưởng nhóm có tên là Đông Dương. Từ vài ba năm nay họ suốt ngày cưa cắt xẻ, đục từng khối đá núi mà “bóc ra” từng pho tượng. Và nhờ thế, chùa Thiền Lâm đến nay đã có những pho tượng đá đầy bản sắc, vừa dân gian truyền thống, vừa hiện đại theo ngôn ngữ mỹ thuật đương thời. Cho đến kỳ hội xuân nhân lễ vía Quán Thế Âm chùa Thiền Lâm- Gò Kén trong các ngày từ 16 đến 18 tháng 2 âm lịch tới đây, bộ tượng thập bát La Hán mới chính thức được khánh thành. Thế nhưng đã có biết bao người tới đây chiêm ngưỡng, lưu lại những tấm hình đặc sắc trong những ngày đầu xuân năm Kỷ Hợi.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục