BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các vị sư tổ chùa Phước Lưu 

Cập nhật ngày: 30/10/2019 - 08:39

BTN - Đã gần 120 năm, kể từ ngày chùa Phước Lưu được xây dựng với cột gỗ, tường xây mái ngói như chúng ta thấy ngày nay. Chùa vẫn trầm tư chứng kiến biết bao thế sự đổi thay. Sân vận động cùng với những hàng cây cổ thụ vườn chùa nay đã là Trung tâm văn hoá huyện. Chếch về bên trái là toà nhà Co.opmart, nơi từng là bệnh viện huyện. Chùa Phước Lưu đứng gần sát quốc lộ 22A, nay là đường Xuyên Á. Liệu có lúc nào đó, chùa sẽ phải dời đi khi công cuộc phát triển đô thị đang hối hả mỗi ngày?

Chùa Phước Lưu.

Cũng kể luôn rằng, chùa đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh từ năm 2004. Chùa nằm gần mặt lộ, phía sau là ruộng trũng, phía trước là ào ạt dòng xe. Đây cũng là do xã hội ngày càng phát triển mà ra. Chứ ngày xưa, vào lúc xây chùa thì vườn chùa còn kéo sang bên kia quốc lộ, bao trùm cả một phần khu đô thị có trung tâm văn hoá và siêu thị ngày nay.

Sự đổi thay đầu tiên là vào thời Pháp thuộc. Khi chính quyền thuộc địa mở con đường quốc lộ 1, nối từ Trảng Bàng lên Gò Dầu để qua khẩu Mộc Bài đi tới Nam Vang (Phnom Penh). Đường hoàn thành vào khoảng năm 1916, đi qua và chia đôi đất vườn chùa. Phần ta thấy và tưởng là mặt tiền chùa bây giờ, thật ra là mặt hậu. Sau khi có đường, trong một lần tu sửa lớn, nhà chùa buộc phải xây thêm trên hành lang phía sau một tầng cao, giống một mặt tiền. Dẫu vậy, kiến trúc bên trong là không thay đổi. Bàn thờ chính điện, các liễn đối, đại tự vẫn nguyên vị hướng ra sau, ở phía Đông.

Tại sao lại gần 120 năm? Dù trong ngôi nhà khách của chùa hiện nay có chữ viết trên một xà ngang là 1848. Có lẽ đấy là người ta tính từ khi mới “khai sơn tạo tự” lập ra am Bà Đồng. Còn trên thực tế, cả sách Di tích Lịch sử Văn hoá và Danh lam thắng cảnh (2014) của tỉnh lẫn Trảng Bàng phương chí của Vương Công Đức đều xác định rằng: “Năm 1900, tổ Trừng Lực thuộc đời thứ 42, phái liễu Quán đã quyên góp tài chính của phật tử địa phương và cộng đồng người Hoa ở Trảng Bàng sửa chữa và mở rộng chùa, đặt tên là chùa Phước Lưu…” (Sđd).

Chính xác phải là xây mới ngôi chùa. Bởi hiện nay chùa còn lưu giữ một bản chép tay nhan đề: “Lược sử nguyên thỉ chùa Phước Lưu cổ tự”. Đấy là bản duy nhất, do Hoà thượng Thích Huệ Tánh (1912- 1989) trước khi mất đã nhờ cư sĩ Trần Tình chép lại. Sách có đoạn: “Cụ Tổ sáng tạo” quyết định, từ cảnh “chùa Bà Đồng” làm nên một ngôi tam bảo mới, xứng đáng là một tổ đình.

“Cụ tổ sáng tạo” bắt đầu đổ đất làm một cái nền chùa cao, tự mình đào xúc đổ đất và làm luôn ban đêm nếu có sáng trăng, vì ban ngày còn phải trồng trọt hoa màu hàng bông. Nền chùa làm xong, sau ba năm liền, có bổn đạo phụ lực công quả/ Kế đó, qua năm 1900, “cụ tổ sáng tạo” mới dựng ngôi chùa bằng cột gỗ, lợp ngói móc còn đến ngày nay (lúc ấy chùa còn là vách ván, lót gạch tàu). Trên cây xà- cò ở chính điện có khắc sơn chữ Canh Tý- 1900…”.

“Cụ tổ sáng tạo” được nhắc đến rất thành kính trong đoạn văn trên chính là tổ có pháp danh Trừng Lực, còn được người đương thời tôn xưng là Hoà thượng Lực. Sách Trảng Bàng phương chí có sưu tầm được tên họ (thế danh) của ông là Mai Văn Lực. Ông chính là một trong ba người con của bà Trần Thị Nên, người đã cùng với bà Nguyễn Thị Tử (hoặc Trinh), còn gọi bà Đồng, lập nên am Bà Đồng.

Lần theo các trang viết của hai “đồng tác giả” Huệ Tánh và Trần Tình, thì: “Tổ tịch năm Canh Tuất; theo dương lịch khoảng năm 1909”. Từ đấy mà suy, ông sinh vào khoảng năm 1857. Câu chuyện về ông cũng thật ly kỳ. Đấy là ông quê ở xứ Gò Đen, nay thuộc TP.Hồ Chí Minh. Sau khi bà mẹ rời khỏi quê nhà, ông đã đi tìm khắp nơi, mới tìm được tại am Bà Đồng ở Trảng Bàng.

Lúc này, hai bà đã có chiếc am tranh, vừa tu hành vừa coi “Đồng kiến”, nghĩa là xem mặt, đoán bệnh… cứu nhân độ thế trị bệnh. Xin rước mẹ về quê không được, ông mới cùng hai em lên ở am chung nhau hầu hạ, giữ tròn chữ hiếu và tu luôn ở đó. Sách viết: “Cụ Tổ sáng tạo nguyên là bực thông suốt nho văn, rành nghề y dược của Đông y, siêng năng lao động, nên từ khi đến ở “am Bà Đồng” đã làm cao đơn hoàn tán để chi độ cho chùa am và khai phá đất, tự mình trồng trọt rau đậu cải ngò để thường dùng hàng ngày và dư bán ra ngoài. Nhờ công lao cực nhọc như thế, cụ Tổ sáng tạo mới dựng lên được một ngôi chùa vách ván, lúc đầu còn lợp tranh; sau mới lợp ngói âm dương. Từ đó “am Bà Đồng” trở thành chùa Bà Đồng”.

Xây xong chùa Phước Lưu vào năm 1900, Hoà thượng Lực đặt tên chữ nho chùa là Phước Lưu tự. Sách đã dẫn giải thích: “Phước Lưu nghĩa là ở xa truyền lại đây, và lưu truyền, lưu danh thiên cổ (chữ lưu bộ thuỷ)”. Sau khi khánh thành chùa, cụ Tổ sáng tạo Trừng Lực phát nguyện tu sáu năm khổ hạnh tại chùa, gọi là “lục niên khổ hạnh” với 3 năm ngủ ngồi, 3 năm ngủ đứng. Sau đó, ông đến núi Cậu tu hành. Khi ấy: “Ban đêm, trong hang núi mà nghe cọp bên ngoài gầm vang, nên bổn đạo không dám đi thăm… Ở núi Cậu bị chối nước, cụ Tổ Trừng Lực qua núi Bà tu cho đến ngày viên tịch…”.

Tìm và đối chiếu với sách Ngọn đuốc cửa thiền, ta sẽ biết cụ Tổ đến tu hành ở núi Bà làm “đệ tử” của sư tổ Thanh Thọ- Phước Chí, cùng với các huynh đệ như Trừng Tâm, Trừng Tùng, Trừng Long. Tổ Thạnh Thọ trụ trì các chùa núi từ năm 1871 đến 1880. Từ đây mà phát hiện ra bản chép “lược sử nguyên thổ chùa Phước Lưu” đã có chỗ lầm lẫn về thời gian như đã kể trên.

Chính xác, sư Tổ chùa Phước Lưu đã đến tu tại núi Cậu và núi Bà từ trước khi lập ngôi Phước Lưu cổ tự (1900). Đấy là vào khoảng các năm từ 1871 đến trước năm 1900. Có một chi tiết lý thú rằng: các vị học trò của sư thầy Thanh Thọ sau này đều là những nhà tu hành xuất sắc, có công tích nổi bật. Sư tổ Trừng Tùng kế vị thầy làm trụ trì chùa núi, người đã xây ngôi chùa Bà (chùa Phật) đầu tiên bằng gỗ cây sao trên sân núi Điện Bà.

Sư Trừng Tâm xây dựng và trụ trì chùa Hang (Long Châu Tiên Thạch tự). Ông cũng chính là vị tổ sư có tên hiệu là Kim Tiên- Huệ Mạng; người tụng kinh làm nứt đôi tảng đá chắn đường sang chùa Hang bên cạnh suối Vàng. Còn sư Trừng Long, sau về lập chùa Thanh Lâm (thị trấn Gò Dầu) và sư Trừng Lực thì về lại Trảng Bàng, sáng lập Phước Lưu tự.

Chùa Phước Lưu hiện tại vẫn là một công trình cổ đặc biệt quý giá với phần nội thất toàn bằng gỗ quý, chạm khắc, liễn đối, đại tự vô cùng đặc sắc. So với đình Hiệp Ninh- di tích cấp quốc gia, chùa Phước Lưu cũng chẳng kém gì. Thật đáng ngạc nhiên là toàn bộ những gì tinh hoa nhất đều đã có từ khi sư tổ Trừng Lực lập chùa; kể từ những tán đá hình bông sen kê chân cột, cho đến các câu liễn đối khắc ngay vào thân cột đến nay vẫn luôn rực rỡ sắc vàng son. Đặc sắc nhất vẫn là các bao lam chạm thủng sơn son thiếp vàng vô cùng tinh xảo.

TRẦN VŨ

(Còn tiếp)