Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong quá trình Nam tiến, “hành trang” các lưu dân mang theo còn có tín ngưỡng dân gian, những vị thần bảo hộ cho người đi mở cõi, cho vùng đất nơi họ định cư, lập nghiệp.
Tượng thờ Ngọc Hoàng ở chùa Phước Thạnh (Trảng Bàng).
Phật giáo buổi đầu không thể tiếp cận được hết với các giới, từ những phong tục, sinh hoạt và lễ nghi dân gian ở Tây Ninh đều được các vị tăng “khế lý khế cơ” tiếp nhận. Nơi vùng đất Tây Ninh, Linh Sơn thánh mẫu là vị nữ thần cai quản đất đai, xứ sở và bảo hộ cho cư dân đã gắn liền với Phật giáo từ những buổi đầu, được chư tổ tôn phong là “Bồ tát” và trở thành vị hộ pháp trong các chùa vùng Tây Ninh và cả Nam bộ. Bên cạnh đó, nhiều vị thần trong tín ngưỡng dân gian được phối thờ vào trong chùa thể hiện sự giao thoa văn hoá, hoà đồng các dân tộc, tôn giáo trong ngôi chùa Phật của người Việt ở Tây Ninh.
Tinh thần tam giáo đồng nguyên được các vị sư tiếp nhận dung hoà cùng Phật giáo, đưa vào các chùa để hoằng pháp độ sanh. Tiêu biểu của tinh thần này trong các chùa được thể hiện qua các đối tượng thờ tự.
Hầu như trong các chùa xưa ở Tây Ninh đều có thờ bộ tượng Ngọc Hoàng thượng đế, hầu cận hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu. Trong tín ngưỡng của người Việt vốn đã có một vị thần tối cao cai quản bầu trời được gọi là ông Trời. Sau này, khi Lão giáo từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam thì ông Trời được đồng nhất với Ngọc Hoàng do có cùng chức năng cai quản bầu trời và là vị thần đứng đầu. Việc này còn được thể hiện rõ hơn ở Tây Ninh với tôn giáo Cao Đài- đã tôn Ngọc Hoàng thượng đế là đức Chí Tôn.
Tượng thờ Quan công ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng).
Hiện nay, ở các chùa Phước Lưu, Phước Thành, Tịnh Lý, Tịnh Thành (thị xã Trảng Bàng), Linh Sơn Thanh Lâm, Cao Sơn (huyện Gò Dầu), Linh Sơn Tiên Thạch, Như Lai (thành phố Tây Ninh)… còn các bộ tượng Ngọc Hoàng bằng gỗ xưa. Hay ở các chùa Hội Phước Hoà (thị xã Trảng Bàng), Hiệp Long, Thiên Phước (thành phố Tây Ninh)… lại có các bộ tượng Ngọc Hoàng bằng gốm (tượng đất nung sơn màu, thuộc dòng gốm Cây Mai Đề Ngạn - Sài Gòn xưa).
Từ các bộ tượng cho thấy tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng đã có trong các ngôi chùa Phật giáo từ những buổi đầu ở Tây Ninh. Bộ tượng thường được đặt cùng trên ban thờ ở chính điện đã phần nào thể hiện được vai trò quan trọng và quyền hạn tối cao của vị thần này trong tâm thức dân gian. Ngày nay, một số chùa đã di dời bộ tượng sang một bên trong chính điện, dành không gian chính giữa thờ các vị phật và bồ tát.
Trong các chùa xưa ở Tây Ninh còn có thờ bài vị sao, hạn. Bài kệ trong nghi thức cúng sao có nêu: “Nhiên đăng đảnh lễ tấu Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu, Nam Tào chiếu lưỡng ban, Bổn mạng nguơn thần lai chứng giám, kỳ tăng diên thọ tỷ nam san”, hay câu “Đế Thích, Thiên Tào vọng giám tri, phần hương khải thỉnh hướng kim thì, bất di bổn thệ lâm đàn nội, đồng triển oai quang hạ tứ duy. Nam mô Phạm Thiên vương Bồ tát”. Qua đó, cho thấy Ngọc Hoàng trong Phật giáo còn được biết đến qua các tên gọi khác nhau như Đế Thích, Phạm Thiên vương Bồ tát.
Diêm vương là chúa tể của địa ngục, trong văn hoá dân gian quan niệm có mười vị: Tần Quảng vương, Sở Giang vương, Tống Đế vương, Ngũ Quan vương, Diêm La vương, Biện Thành vương, Thái Sơn vương, Đô Thị vương, Bình Đẳng vương, Chuyển Luân vương nên thường tôn xưng là Thập điện Diêm vương hay Thập điện Minh vương.
Hiện tại, chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng) có bộ tượng mười vị Diêm vương bằng gốm đất nung sơn màu, thuộc dòng gốm Cây Mai được tạo tác vào năm 1905 hay ở chùa Cao Sơn (huyện Gò Dầu). Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (thành phố Tây Ninh) có bộ tượng mười vị Diêm vương bằng gỗ xưa. Nhiều chùa không đủ không gian chỉ thờ tượng trưng hai vị là Diêm La vương và Chuyển Luân vương.
Bộ tượng thờ Thập điện Diêm vương ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng).
Vào thế kỷ XVII, những lưu dân người Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông) đầu tiên di cư đến Nam bộ đã mang theo tín ngưỡng Quan công. Sang thế kỷ XVIII, XIX và nửa đầu thế kỷ XX, nhiều người Hoa sang định cư làm ăn, buôn bán, tín ngưỡng Quan công dần phổ biến, từ quá trình giao lưu văn hoá Việt - Hoa, ngoài cộng đồng người Hoa, người Việt ở Nam bộ cũng có thờ.
Trong các chùa ở Tây Ninh, thờ Quan Thánh đế quân là vị hộ pháp già-lam, bàn thờ thường được đặt ở chái bên Đông chính điện, đối xứng là bàn thờ Quan Âm Bồ tát hay Linh Sơn thánh mẫu. Ngoài ra, một số chùa thờ Quan thánh đối xứng với hộ pháp Vi Đà hai bên cửa chính điện.
Tín ngưỡng thờ nữ thần gắn liền với người Việt ở Tây Ninh từ những buổi đầu đi khai hoang mở cõi. Phần nhiều các chùa ở Tây Ninh đều có thờ Linh Sơn thánh mẫu và các vị nữ thần như: bà Chúa Xứ, Ngũ Hành nương nương, Diêu Trì địa mẫu. Ở chùa Linh Sơn Phước Trung (thành phố Tây Ninh) còn thờ Thiên Hậu thánh mẫu. Ban thờ các vị nữ thần thường được đặt ở chái bên Tây chính điện hoặc theo lối tiền phật hậu thánh. Sau này, nhiều chùa lập miếu thờ riêng ở một bên trước sân chùa.
Tây Ninh là vùng đất có người Khmer định cư từ rất lâu đời. Người Việt thờ ông Tà một phần vì nể trọng thần đất của chủ đất cũ, một phần do muốn được phù hộ cho cuộc sống bình an, sung túc. Trong một số chùa ở Tây Ninh có thờ ông Tà với ngôi miếu nhỏ ở một bên trong khuôn viên sân chùa. Trong tâm thức dân gian ở Tây Ninh còn xem ông Tà là sơn thần nên càng về gần núi Bà Đen và các chùa trên núi Bà đều có thờ ông Tà.
Thờ ông Địa trong chùa xưa nhất ở Tây Ninh có thể nhắc đến chùa Tịnh Lý (thị xã Trảng Bàng). Tại chùa hiện còn thờ pho tượng ông Địa xưa được tạc bằng gỗ mang đậm tính dân gian Nam bộ.
Thành hoàng bổn cảnh hay Thành hoàng bổn xứ là vị thần bảo hộ của cộng đồng dân cư trong làng. Thần cũng là vị xem xét công tội của dân làng, những người hiền lương thường được thần phù trợ; những kẻ độc ác, hung dữ thì bị trừng phạt.
Thần còn là hiện thân cho những kỷ cương, luật lệ, quy chuẩn đạo đức của dân làng, hướng mọi người đến việc làm lành lánh dữ. Thờ Thành hoàng trong chùa chủ yếu ở khu vực thành phố Tây Ninh như ở chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân), chùa Linh Sơn Phước Trung… miếu thờ được đặt trong khuôn viên sân chùa (thường đối xứng với miếu thờ ông Tà hay chiến sĩ), phía sau cổng tam quan.
Chùa Cao Sơn ở huyện Gò Dầu gắn liền với di tích khảo cổ cấp tỉnh gò Cao Sơn, ở hậu chùa có thờ bài vị “Cao Sơn linh vị” thường gọi là ông Cao Sơn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Việt thì đây là vị thần núi (sơn thần). Điều này cũng rất có thể, vì đây là địa hình gò, thần Cao Sơn là vị cai quản và phù hộ cho cư dân nơi đây theo quan niệm dân gian.
Tượng thờ Linh Sơn thánh mẫu ở chùa Phước Thạnh (Trảng Bàng).
Một số chùa ở Tây Ninh thờ ông Táo bằng bài vị “Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân” hay tranh kiếng Táo Quân. Có chùa lập ban thờ riêng ở cạnh bếp, còn chủ yếu thờ chung với Giám Trai sứ giả ở trù đường.
Vùng đất Tây Ninh xưa phần lớn là rừng nên có nhiều cọp sinh sống, dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện kể về cọp ăn thịt người, phá hoại làng xóm, nhà cửa của cư dân… Và cũng có những câu chuyện về cọp biết tu hành, giúp đỡ, trả ơn cho con người.
Ở chùa Phước Sơn (thị xã Trảng Bàng) có ngôi miếu thờ ông Cọp trước sân, trên có cặp liễn đề: “Phước Sơn cổ tự nơi ông ngự/ Cổ miếu vinh quang trở lại chùa”, cho thấy trước đây cọp thường lai vãng đến chùa. Ở chùa Như Lai hay còn gọi là chùa Ông Cọp (thành phố Tây Ninh), phía mặt tiền có bức phù điêu đắp nổi hình ông Cọp và một ban thờ thấp có tượng Bạch Hổ, Hoàng Hổ bên cạnh là bàn thờ cô hồn và Tiêu Diện đại sĩ, được biết trước đây cọp thường xuyên về nằm ngay trước cửa chùa Như Lai nghe kinh.
Việc các đối tượng thờ tự từ dân gian được phối thờ vào trong ngôi chùa Việt đã cho thấy sự dung hoà tín ngưỡng dân gian vào tôn giáo đã giúp Phật giáo đến gần hơn với đại chúng và là phương tiện để đưa đạo vào đời.
Phí Thành Phát