Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cách Ấn Độ hạ cánh trên Mặt Trăng với chi phí siêu rẻ
Thứ sáu: 12:04 ngày 25/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt Trăng đầu tiên của Ấn Độ hôm 23/8 rất đáng chú ý với chi phí thấp hơn nhiều so với các nhiệm vụ tương tự của Nga và Mỹ.

Tàu Chandrayaan-3 phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Với chi phí khoảng 74 triệu USD, nhiệm vụ Mặt Trăng của Ấn Độ tiêu tốn chưa đến một nửa so với trạm đổ bộ cực nam của Nga (200 triệu USD) bị trục trặc động cơ và đâm xuống mặt đất hôm 20/8. Con số đó cũng rất khiêm tốn khi so với robot tự hành VIPER mà NASA dự kiến đưa tới cực nam Mặt Trăng (433,5 triệu USD). Chandrayaan-3 của Ấn Độ là tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh xuống khu vực này nhưng chi phí của nhiệm vụ thấp hơn nhiều so với các bộ phim bom tấn Hollywood như "Gravity" (100 triệu USD), "The Martian" (108 triệu USD), và "Interstellar" (165 triệu USD).

Khi được phóng viên hỏi về cách duy trì chi phí thấp, S. Somanath, giám đốc Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) bật cười: "Tôi sẽ không tiết lộ những bí mật như vậy. Chúng tôi không muốn các đơn vị khác cũng đạt hiệu quả chi phí tương tự".

Khác với NASA công khai chi tiết đề xuất ngân sách, Ấn Độ chia sẻ rất ít thông tin về kinh phí dự án. Ước tính chi phí 74 triệu USD được quy đổi từ tiền Ấn Độ là đồng rupee. Tuy nhiên, kinh phí thấp có thể được lý giải một phần qua quy mô nhỏ của nhiệm vụ và kinh nghiệm từ lần bay trước đó.

Tàu vũ trụ nhỏ, chi phí nhỏ

Chiến lược chủ chốt của Ấn Độ để tiết kiệm chi phí hạ cánh trên Mặt Trăng là chế tạo tàu vũ trụ nhỏ. Nặng chỉ 1.752 kg theo ISRO, chắc chắn Chandrayaan-3 có chi phí phóng tương đối rẻ. "Trạm đổ bộ nhỏ đòi hỏi phương tiện phóng nhỏ hơn, ít bộ phận và vật liệu hơn", Robert Braun, người đứng đầu Trung tâm khám phá vũ trụ tại Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Johns Hopkins, cho biết. "Nếu quy mô của nhiệm vụ nhỏ, vậy thì chi phí rất thấp". Đó là bài học mà ISRO thu được lần đầu tiên vào năm 2014, khi Ấn Độ trở thành nước đầu tiên đưa thành công tàu vũ trụ lên quỹ đạo sao Hỏa trong lần bay đầu.

Thông qua duy trì khối hàng nhẹ, điều chỉnh công nghệ từng sử dụng trước đó và trả lương vừa phải cho nhân viên, ISRO giữ chi phí cho nhiệm vụ sao Hỏa ở mức 74 triệu USD và tương tự với Chandrayaan-3. Điều này khác biệt đáng kể với tàu MAVEN bay quanh quỹ đạo sao Hỏa của NASA. Theo Andrew Coates, giáo sư vật lý từng làm việc trong các nhiệm vụ sao Hỏa của châu Âu và NASA, khối hàng trên tàu MAVEN rất phức tạp và đòi hỏi chi phí lên tới 582,5 triệu USD.

Tuy nhiên, Chandrayaan-3 nặng hơn nhiệm vụ thất bại của Nga là tàu Luna, vốn có khối lượng khoảng 1.237 kg khi tới quỹ đạo Mặt Trăng. Ấn Độ có thể áp dụng một biện pháp khác để đánh bại Nga về mặt chi phí.

Tiến triển từng bước

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Ấn Độ để hạ cánh ở cực nam Mặt Trăng. Nhiệm vụ trước đó là Chandrayaan-2 đâm xuống bề mặt Mặt Trăng năm 2019. Chi phí nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm cho lần thử đầu tiên có thể không nằm trong chi phí của nhiệm vụ Chandrayaan-3. "Họ tiếp cận chương trình Mặt Trăng dưới dạng một loạt nhiệm vụ. Đó là một cách quản lý chi phí", Braun nói.

Chương trình Mặt Trăng của Ấn Độ bắt đầu với tàu Chandrayaan-1, bay tới quỹ đạo Mặt Trăng và thả tàu thăm dò đâm vào bề mặt thiên thể theo chủ đích. Đây là một nhiệm vụ dễ dàng và rẻ hơn để phát triển khả năng mới, xây dựng trạm đổ bộ hạ cánh nhẹ nhàng và robot tự hành nhỏ. NASA cũng sử dụng phương pháp tương tự trên sao Hỏa và cách này rất hiệu quả. Cách làm của Ấn Độ khác hẳn với việc Nga đưa tàu bay thẳng tới cực nam Mặt Trăng sau 47 năm từ thời Liên Xô.

"Tôi cho rằng tiếp cận dần dần là một cách tuyệt vời để theo đuổi khám phá vũ trụ. Mỗi lần một nước", Braun chia sẻ.

Nguồn VNE (Theo Business Insider)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục