Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cách kiểm tra CCCD có bị lấy cắp thông tin để vay nợ hay không?
Thứ bảy: 23:13 ngày 23/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều người bỗng dưng thành "con nợ" do bị kẻ gian đánh cắp thông tin cá nhân đi vay tiền, do vậy việc kiểm tra mình có đang vướng vào khoản nợ nào mà không biết hay không là điều cần thiết.

Bị lộ số căn cước công dân (CCCD) có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. VIệc lộ CCCD đã tạo cơ hội cho các hình thức lừa đảo tinh vi nhằm vay nợ, chiếm đoạt tài sản của người bị lộ thông tin.

Theo Luật Viễn thông, từ 1/7/2024, các thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số điện thoại mình đã đăng ký sử dụng với nhà mạng.

Do đó, việc kiểm tra các SIM điện thoại được đăng ký bằng số căn cước công dân cũng rất quan trọng, bởi đây là phương thức thường được kẻ gian lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Để xem số CCCD và số căn cước của mình có bị lợi dụng hay không, hãy truy cập trang web của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) tại địa chỉ https://cic.gov.vn. Các bước cụ thể:

Truy cập website CIC để bắt đầu đăng ký tài khoản.

Đăng ký thông tin cá nhân: Điền đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân theo yêu cầu hệ thống. Chọn loại tài khoản phù hợp (Cá nhân hoặc Doanh nghiệp) và tạo mật khẩu.

Lưu ý: Sử dụng email và số điện thoại chính chủ để nhận thông báo từ CIC. Không để trống các mục có dấu (*) bắt buộc.

Xác thực mã OTP: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đăng ký, sau đó nhấn "Tiếp tục".

Xác thực qua điện thoại: Trong vòng 1 ngày, nhân viên CIC sẽ gọi để xác minh thông tin bằng hình thức hỏi – đáp.

Hoàn tất đăng ký: Sau khi tài khoản được xác nhận, thông tin đăng nhập sẽ được gửi qua SMS hoặc email của bạn.

Truy cập và khai thác báo cáo: Đăng nhập vào hệ thống CIC, chọn [Khai thác báo cáo] để xem thông tin tín dụng và kiểm tra nợ xấu tại mục "Thông tin tín dụng".

Một phương án khác là tải và cài đặt ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại. Người dùng có thể tra cứu lịch sử tín dụng thông qua số CCCD hoặc căn cước của mình.

Người dân cần kiểm tra CCCD có bị kẻ xấu lấy cắp thông tin để vay nợ hay không? Ảnh minh họa.

Bị đánh cắp thông tin để vay tiền, có phải trả nợ?

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, mỗi cá nhân phải hết sức cảnh giác khi để lộ số CMND/CCCD của mình. Bởi rất có thể, bản thân sẽ trở thành "nạn nhân" bị lấy cắp thông tin để vay tiền và bị đòi nợ số tiền mà bản thân không vay.

Tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

Như vậy, theo quy định này, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy, nếu một người bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… nhưng trên thực tế không hề vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.

Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin trong trường hợp này phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.

Cá nhân có hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác không đúng mục đích hoặc không có sự đồng ý của chủ thể, có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 điều 84 nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, nếu phải chịu thiệt hại do hành vi tự ý chiếm giữ và sử dụng thông tin căn cước công dân để vay tiền, bạn có thể khởi kiện người đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 1 điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục