Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ và khả năng xảy ra cháy, nổ trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo hộ gia đình tự kiểm tra an toàn hệ thống điện, phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm, tắt các thiết bị khi không cần thiết.
Nhắc nhở bà con chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, sử dụng điện an toàn (ảnh chụp trước khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16).
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh ta thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người dân ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Do đó, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là các thiết bị sinh nhiệt như: bóng đèn, máy sấy, bình nước nóng lạnh, lò vi sóng...
Trong thời tiết nắng nóng, việc sử dụng các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện năng cao như máy điều hoà, quạt điện, tủ lạnh cũng gia tăng đáng kể. Một số nơi còn trang bị thêm thiết bị điện để phục vụ sản xuất, làm mát một cách tự phát theo nhu cầu sử dụng mà không tính toán điện năng, tải trọng của hệ thống dây dẫn trong gia đình, dẫn đến quá tải, chập điện… nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao.
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, một bộ phận người dân còn chủ quan, xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn PCCC- nhất là trong việc sử dụng thiết bị điện. Việc không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị sử dụng điện xuống cấp; dùng thiết bị với công suất lớn, nhu cầu sử dụng điện gia tăng trong thời gian phòng, chống dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 1,3 tỷ đồng, trong đó đa phần các vụ cháy được xác định là do sự cố thiết bị điện.
Vụ việc xảy ra trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ và khả năng xảy ra cháy, nổ trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo hộ gia đình tự kiểm tra an toàn hệ thống điện, phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm, tắt các thiết bị khi không cần thiết.
Sắp xếp đồ đạc, vật dụng trong nhà gọn gàng, không cản trở lối ra vào; không để quần áo, gỗ, giấy gần thiết bị tiêu thụ điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Mỗi gia đình chuẩn bị phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên (đặc biệt là trẻ nhỏ) thoát nạn qua cửa chính, ban công, sân thượng... khi có sự cố cháy xảy ra.
Tại các nơi cách ly tập trung, cần niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi cần thiết (kho chứa chất, vật liệu dễ cháy); không đem xăng, dầu, khí gas và các chất nguy hiểm cháy, nổ khác vào khu vực cách ly; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và có biện pháp bảo đảm an toàn.
Người dân cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC trong thời gian giãn cách xã hội.
Các đơn vị cần lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng khu vực, phòng và thiết bị điện có công suất lớn, bóng đèn điện chiếu sáng, trang trí; bố trí đủ và đúng quy định về lối thoát nạn, phương tiện chiếu sáng sự cố, trang bị dụng cụ chữa cháy cứu người tại chỗ phù hợp; thành lập đội PCCC cơ sở, bố trí lực lượng thường trực chữa cháy tại các ca làm việc.
Đối với khu dân cư cách ly, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC, nhất là việc sử dụng điện và đun nấu, kiểm tra nguồn lửa, nguồn điện, chất cháy trước khi đi ngủ.
Nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Lực lượng chức năng tuần tra canh gác ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ cháy, nổ, không để bị động. Kiểm tra chặt chẽ và yêu cầu hộ kinh doanh, các cơ sở sản xuất mặt hàng dễ cháy, không thiết yếu xen lẫn trong khu dân cư hạn chế đến mức thấp nhất việc tồn chứa hàng hóa hoặc dừng hẳn hoạt động kinh doanh trong thời gian cách ly chống dịch bệnh. Khi xảy ra sự cố, người dân tìm mọi cách báo cho Cảnh sát PCCC và CNCH (số máy 114), chính quyền địa phương hoặc Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý, hạn chế rủi ro.
Phương Thảo