Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng thể chế
Thứ sáu: 10:23 ngày 04/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng thể chế. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo ra mô hình mới, lực lượng lao động mới, nhanh chóng, bùng nổ… khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, mà nếu duy trì sẽ kìm hãm phát triển.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Cuộc CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu phải thay đổi thể chế, cần thay đổi tư duy quản lý. Ảnh: VGP

Để sớm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, ngày 3/10 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0 Summit 2019.

Phát biểu tại khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. CMCN 4.0 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số…

Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình. Năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0.

Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức…

Xuất phát từ thực tế nêu trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN này để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cuộc CMCN 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đã đánh giá cao.

Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam khi coi “Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Việt Nam cũng đã xác định: Nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Ông Nguyễn Văn Bình phân tích: Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc CMCN này có tầm quan trọng không kém.

Ảnh: VGP

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, bản chất của cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng thể chế. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo ra mô hình mới, lực lượng lao động mới, nhanh chóng, bùng nổ… khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, mà nếu duy trì sẽ kìm hãm phát triển.

“Từ những lí do trên, đặt ra yêu cầu phải thay đổi thể chế, cần thay đổi tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì không quản được ta cấm, cần có nhận thức rõ ràng cũng như bản lĩnh để thích ứng, đồng thời, lường đón được những tác động của cuộc cách mạng”, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Industry 4.0 Summit 2019 sẽ có các mục tiêu quan trọng: Công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ và các bộ ngành đẩy mạnh triển khai tham gia cuộc CMCN 4.0; Tạo cơ hội trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam; Triển lãm, giới thiệu các thành tựu, giải pháp công nghệ của CMCN 4.0 cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam; Kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực CMCN 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh thành.

Bên cạnh phiên toàn thể cấp cao, Diễn đàn còn có chuỗi hội thảo chuyên đề gồm: Ngân hàng thông minh; Thành phố thông minh; Sản xuất thông minh; Năng lượng thông minh và Chuyên đề kinh tế số.

Song song với các chuyên đề, Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 sẽ mở rộng với quy mô gấp đôi cùng gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế tiêu biểu như: VNPT, Viettel, Qualcomm, Samsung, Vietcombank, ABB, FPT, SAP, CMC…

Nguồn chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục