BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cái ăn trên đồng nước

Cập nhật ngày: 22/10/2009 - 09:34

Cánh đồng Thanh Phước (thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) trắng xoá nước. Những ruộng rau nhút đầy bèo, tấm trải thảm xanh nõn nà trên đó. Thấp cao trong đồng nước là dáng những con người với đủ màu áo đỏ, nâu, vàng, xanh, đen… như những bông hoa di động. Cây vợt trên tay, giỏ xách khoác vai họ đang cặm cụi lội bùn vớt ốc.

Ông Hai Hùng (Nguyễn Minh Hùng- 60 tuổi) dáng thấp khoẻ, mái tóc bạc gần hết, đôi tay trần đen sạm, cặm cây vợt dài hơn 1m xuống đất, tay giũ mạnh đôi giày ống sũng nước, ông nhanh tay gỡ vài chú đỉa đang bám chặt trên bắp chân, ném mạnh lên mặt đường nhựa. Khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, ông quệt nhanh những giọt mồ hôi và nói: “Mới đi hơn tiếng đồng hồ thôi, được có một giỏ. Hôm nay là ít đó cháu, có ngày tui vớt được cả trăm ký, kiếm được hơn trăm ngàn nhưng phải chịu lội bùn, đội nắng, đỉa bám. Vậy chứ được cái là khỏi lo tiền mua đồ ăn, sẵn ốc đây, kho, xào, luộc gì cũng được…”.

Ông Hai Hùng bảo, vớt ốc bươu vàng phải đi từ sáng sớm, khi chúng còn nổi trên mặt nước, bám vào các gốc rạ, thân bèo, lá cỏ...  Chỉ cần đưa cây vợt ra, vớt bỏ vào giỏ là xong. Nhưng đừng tưởng vậy là “ngon ăn”, vì từ sáng sớm đã phải lội nước, rồi dang nắng suốt ngày, người sức khoẻ kém sẽ không làm nổi vì công việc phải làm quanh năm suốt tháng. Nhà ông Hùng ở tại Thanh Phước, ông không ruộng đất, chỉ đi làm thuê, làm mướn, từ khi ốc bươu vàng “nhập cư” vào đồng ruộng thì cả gia đình ông năm người đều chuyển sang nghề vớt ốc. Tháng nắng, ít ốc, thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày nhưng mùa nước nổi thì lũ ốc bươu vàng cũng mang lại cho người nghèo một khoản tiền kha khá. Bây giờ giá “bỏ mối” ốc khoảng 1.500 -2.000 đồng/kg.

Vừa xuống dốc cầu Gò Chai đã thấy những ruộng lúa xăm xắp nước còn trơ gốc rạ. Màu vàng hoe trong ánh nắng trưa gắt gỏng càng khiến mọi vật như khô cháy hơn. Nước lấp xấp mí đường, dừng xe có thể nhìn rõ những con bọ nước đang tung tăng vui đùa trên những chiếc lá bông súng trắng. Một dáng người phụ nữ gầy nhom trong bộ cánh màu xám đang lom khom mò mẫm từng gốc rạ, gỡ những chú ốc con con đang cố giấu mình. Chiếc xô đựng ốc của bà còn có thêm vài chú cá rô kim tích, hai ba con tràu cửng đen nhánh.

Bà thứ tám, tên Ngộ, 62 tuổi nhà ở Long Chữ (Bến Cầu). “Đời người ta có một, hai cái ngộ là đã khổ lắm rồi. Tui tới tám cái ngộ nên cuộc đời gặp nhiều cảnh ngộ lắm nghen cô! Lấy chồng, đẻ một lèo năm đứa con trai thì chồng chết, không còn cơ hội kiếm một đứa con gái nhờ cậy lúc tuổi già. Nhà không một cục đất chọi chim, hết làm thuê làm mướn thì đi mò cua bắt ốc nuôi con khôn lớn. Con cái đủ lông đủ cánh như chim như cò bay đi mất, đứa nào cũng nghèo, nuôi thân, nuôi vợ còn không đủ, lấy đâu nuôi mẹ? Vậy là cá, ốc, rau cỏ đồng ruộng nuôi tui. Nhưng chứng đau khớp với tuổi già không cho tui đi từ sớm, giờ thì trưa trờ trưa trật nên phải lượm từng con vầy nè!”.

Hỏi xô ốc như vậy bán được bao nhiêu tiền, bà nói xưa giờ có bao nhiêu đem tới bên đầu cầu Nổi bán, chỉ 500 đồng/kg (vì toàn ốc nhỏ)! Ráng lắm từ 10 giờ trưa tới 4 giờ chiều mỗi ngày, bà cũng chỉ kiếm được… 5.000 đồng. “Thôi, để tui bứt thêm cho cô ít bông súng, chứ mấy con ốc này biết tính bao nhiêu. Cô về làm món gỏi ốc bông súng cho chồng nghen!”. Cầm mười ngàn đồng tôi trả cho xô ốc mà bàn tay già nua trơ xương của bà Tám run run lạ.

Cái nắng ban trưa càng gay gắt dữ, trên những cánh đồng mênh mông vẫn còn chấp chới nhiều mảnh đời đang dầm mình trong nước để mưu sinh.

THUỲ TRANG