BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Cái bang” mùa lễ hội: Bao giờ hết cảnh “đến hẹn lại lên”?

Cập nhật ngày: 18/02/2011 - 11:05

Người đàn bà Campuchia ẵm đứa bé đỏ hỏn trên tay, chen giữa dòng người đông nghịt. Bà không nói gì, cứ cầm cái ca nhựa chìa vào người các du khách. Thỉnh thoảng đứa bé khóc ré lên. Một vài người thấy tội nghiệp, móc ví ra bỏ vài ba ngàn đồng vào ca. Bà nọ gật đầu cảm ơn rồi tiếp tục ẵm đứa bé len lỏi vào dòng người.

Trẻ em hành nghề xin ăn trong nội ô Toà Thánh

Đó là một trong những hình ảnh dễ bắt gặp trong khu nội ô Toà Thánh vào mùa lễ hội tháng Giêng năm nay. Rảo một vòng nơi đây, chúng tôi phát hiện thêm cả chục trường hợp ăn xin tương tự mà đa số đều là người Campuchia. Và hầu hết đều sử dụng trẻ em như một công cụ để hành nghề “cái bang”.

Ở khu vực triển lãm bên khán đài B, có một nam thiếu niên nước da đen nhẻm, ngồi bệt dưới lòng đường, hai tay ẵm một đứa bé chừng 5 tháng tuổi, bên cạnh là chiếc nón lá để ngửa. Gần giữa trưa, nắng nóng, có lẽ đứa bé đói bụng, khát nước nên cứ khóc mãi, khóc đến mệt lã ngả đầu ra ngủ thiếp, cậu nhỏ kia vẫn ngồi đó giương đôi mắt nhìn vào người qua lại. Chúng tôi đến cho ít tiền và hỏi han vài câu, cậu trai này ra vẻ cảnh giác, không nói năng gì, chỉ lặng lẽ ẵm đứa bé đứng lên, lủi mất giữa dòng người.

Cạnh đó khoảng 10 mét, cũng có cảnh xin ăn tương tự. Người phụ nữ nước da ngăm đen, đầu quấn khăn rằn, vai mang túi xách, ngồi bệt dưới lòng đường, tay ẵm đứa bé ốm khẳng khiu. Thỉnh thoảng đứa bé khóc, chị vén áo cho bé bú. Bên cạnh hai mẹ con cũng là chiếc nón lá để ngửa. Người phụ nữ không nói năng gì, chỉ giương đôi mắt nhìn mọi người. Cũng có những người móc tiền ra bỏ vào chiếc nón.

Đến trưa, theo chân những đệ tử “cái bang”, chúng tôi tìm ra nơi trú ngụ của họ. Nơi “đóng quân” là khu vực sát ngoài hàng rào Toà Thánh (trên lề đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ cửa số 2 đến cửa Hoà Viện). Nhóm “cái bang” ở đây có gần 20 người . Ngoài những phụ nữ, trẻ em, còn có người già và năm bảy người đàn ông. Buổi chiều chúng tôi trở lại, thấy những người đàn ông đang ngồi nhậu. Phụ nữ, trẻ em mắc võng nằm dọc theo hàng rào hoặc nấu cơm, tắm giặt ngay trên lề đường trông rất nhếch nhác, mất vệ sinh. Một người dân địa phương bức xúc: “Buổi tối họ còn giăng mùng ngủ dài dài theo hàng rào Toà Thánh, trông không chịu được”.  

Người phụ nữ Campuchia này đang xin ăn trước khu du lịch núi Bà

Không chỉ ở khu vực Toà Thánh, xung quanh khu du lịch núi Bà, dân “cái bang” cũng đang rôm rả hoạt động. Bên trong khuôn viên khu du lịch chúng tôi chưa phát hiện trường hợp ăn xin nào, nhưng ở vòng ngoài thì khác, ít nhất có 4-5 người đang “hành nghề” ở đây. Ngay tại ngã tư Đại Đồng (đường Bời Lời) luôn có một ông trông khá khoẻ mạnh ngồi sát chân đèn tín hiệu giao thông, cúi khom lưng, tay cầm chiếc nón lá và miệng không ngừng ê a “Chúc cô bác đầu năm mạnh giỏi”. Những năm qua, người đàn ông chuyên kiếm sống bằng nghề bị gậy này đã nhiều lần “được” đưa lên báo nhưng xem ra chẳng ăn thua gì?

Buổi tối ngày 16.2.2011 (ngày 14 tháng Giêng), trước những bãi giữ xe tư nhân, ngoài cổng khu du lịch núi Bà, chúng tôi cũng gặp hai người đàn bà xin ăn.

Trao đổi với chúng tôi về những hiện tượng không hay trên, ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Trước Tết Cổ truyền Tân Mão năm nay, chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng tập hợp, trao trả 106 người dân Campuchia lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Nhưng rồi ngày mùng 3, mùng 4 Tết đã thấy họ xuất hiện trở lại ở Tây Ninh”. Ông Quá cho biết thêm, thật ra, rất khó xử lý vấn đề người Campuchia xin ăn trên đất Việt Nam vì họ là người nước ngoài. Theo quy định quốc tế thì phải bàn giao họ cho đại sứ quán Campuchia ở Việt Nam, nhưng làm như thế vướng vào nhiều thủ tục rất nhiêu khê. Đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn giải quyết vấn nạn này như thế nào. Mấy năm nay, Tây Ninh cũng như nhiều tỉnh biên giới khác cứ giải quyết theo kiểu “làm tắt”: tập hợp những người Campuchia lang thang ăn xin lại rồi bàn giao cho các tỉnh giáp ranh của nước bạn. Nhưng cách làm này chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa, vì chẳng bao lâu, họ lại quay lại.         

Tình trạng ăn xin- vấn nạn gây ảnh hưởng xấu đến bộ mặt văn hoá du lịch của tỉnh nhà không phải bây giờ mới có. Theo chúng tôi, để giải quyết vấn đề này, tỉnh ta cần xây dựng một nhà ở tập trung (hoặc tận dụng một cơ sở nào đó), khi phát hiện có người Campuchia, xin ăn trên địa bàn tỉnh thì đưa họ về sống tại đây trong khi chờ làm thủ tục trả họ về nước, không để họ lang thang vất vưởng khắp nơi. Và cần làm việc đó thật kiên quyết để tránh lặp đi lặp lại cảnh cứ “đến hẹn lại lên”- gây ảnh hưởng nét văn minh đô thị, chưa kể còn có thể xảy ra những bất ổn về an ninh trật tự xã hội.

TRƯỜNG SƠN