Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tản văn
Cái bồ đập lúa của ba
Thứ hai: 12:08 ngày 18/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bạn tôi, một giáo viên tiểu học ở nông thôn cho biết, hiện nay, nhiều học sinh không còn biết cái cày, cái bừa, cái trục, cái phảng... như thế nào. Các em cũng không hình dung được cái bồ đập lúa ra sao.

Theo tôi, việc này cũng bình thường, vì một số loại nông cụ ấy đã không còn tồn tại, thay vào đó là các loại máy móc hiện đại. Nông dân ở các nơi đã thực hiện cơ giới hoá trong nông nghiệp cũng nhiều năm rồi. Nhắc đến các dụng cụ thủ công của nghề nông làm tôi nhớ lại thời ba tôi còn trẻ, khoẻ, chuyên đi đập lúa mướn.

Hồi đó khi đến mùa thu hoạch, ba tôi vác cái bồ trên khắp cánh đồng để đập lúa mướn cho các chủ ruộng. Từ những đám ruộng lầy ngập nước, đầy sình bùn cho đến những cánh đồng ruộng gò khô ráo, hễ có chủ ruộng kêu là ba tôi nhận làm liền.

Hai dụng cụ không thể thiếu của những người đi thu hoạch lúa mướn (cắt và đập lúa, nhưng thường người ta chỉ nói tắt là đập lúa) là chiếc liềm cắt lúa và cái bồ đập lúa. Liềm thì ba đặt thợ rèn làm, còn bồ đập lúa thì tự tay ba đóng.

Hồi đó, cứ vào khoảng cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch là ba tôi lo đi mua tre, tầm vông về đóng bồ đập lúa, hình dáng cũng giống như những chiếc bồ do thợ chuyên nghiệp làm bán cho người thu hoạch lúa (gọi là bồ hàng). Nhưng đôi tay khéo léo của một nông dân, kiêm nghề thợ mộc, chiếc bồ của ba làm có phần cứng cáp và đẹp hơn bồ hàng do người khác đóng.

Bốn cây trụ làm khung bồ, ba lựa cây tầm vông thật già, bào chuốt cẩn thận. Để chiếc bồ đứng vững và kéo đi dễ dàng dưới ruộng lúa, ba lựa hai gốc tre già, có độ cong nhất định làm hai cái cộ để đặt 4 cây trụ khung bồ lên. Làm khung xong, ba chẻ nan tre đan tấm bồ đáy (lắp vào khung bồ để đựng lúa đập) và tấm bồ dừng (tấm bồ che chắn phía trên khung bồ, để khi đập hạt lúa không văng ra ngoài). Hai tấm này cũng được ba đan dày dặn.

Để có điểm tựa đập cho hạt lúa rơi ra khỏi thân lúa, trong bồ phải có cái thang bồ. Để làm thang bồ, ba lựa hai miếng tre già và có độ cong để làm thanh dọc gác lên khung bồ, còn các thanh ngang ba đóng bằng cây tầm vông già, cứng. Điều đáng lưu ý, để vừa với tầm vóc có phần “khiêm tốn” của mình, và thuận tiện cho một người đơn thân đi đập lúa mướn (thường người ta đi đập lúa mướn 2 người, một người cắt và một người đập), chiếc bồ ba đóng, có phần nhỏ gọn hơn những chiếc bồ của người khác làm.

Làm bồ xong, không đợi đến khi lúa chín và cũng không ngồi chờ chủ ruộng đến nhà kêu đập lúa, vì sự sống của gia đình, nhất là ba đứa con nhỏ dại côi cút, ba chủ động liên hệ với chủ ruộng. Nhờ kỹ càng, khi đập thóc không rơi vãi, cũng không còn sót lại trong rơm, khi đong lúa cho chủ, ba cũng làm công bằng, lúa ăn chia (thúng lúa người đập mướn lấy) cũng như lúa hàng (lúa đong cho chủ ruộng) ba đong như nhau.

Từ đó, ba rất được lòng các chủ ruộng. Ba cũng không kén ruộng sâu, ruộng gò, ruộng trúng hay thất, dễ cắt hay khó cắt ba đều hỏi làm hết. Nhờ vậy, suốt mùa thu hoạch lúa, hầu như không có ngày nào ba ở không. Người ta đủ vợ, đủ chồng thường vợ cắt lúa, chồng đập. Nếu không thì người ta cũng cáp cặp với nhau đi đập lúa mướn. Hai người thay phiên nhau người cắt, người đập. Còn ba tôi chỉ thui thủi một mình, với “một liềm, một bồ”; cắt rồi đập, đập hết lúa, rồi cắt...

Nhiều người thấy ba đi làm một mình, xin ba cáp cặp để cắt đập lúa cho tiện hơn. Nhưng ba không nhận lời cáp cặp với ai hết. Không phải ba chê người ta làm dở, mà do điều kiện của ba cáp cặp với ai cũng rất phiền hà. Người ta thì sáng sớm dậy cà phê, ăn sáng rồi ra đồng. Còn ba tôi dậy từ khuya lo nấu cơm, xách nước, giặt đồ... cho ba đứa con mồ côi mẹ.

Tờ mờ sáng, ba nhanh chân ra đồng thăm lờ, thăm lưới, cuốn câu đem cá về nhà. Cá chết thì làm, cá sống thì rọng... Sau đó, ba  mới ăn vội vài chén cơm, rồi lấy liềm và vác bồ ra đồng đập lúa mướn.

Ngày nào ba cũng ra ruộng trễ hơn người ta cả tiếng đồng hồ. Ba đi làm trễ  nhưng chủ ruộng cũng không nói gì, bởi thời đó đập lúa ăn chia. Tuỳ theo lúa trúng hay thất, ruộng sình lầy hay ruộng gò mà chủ ruộng và người đập thoả thuận mức ăn chia. Thường nếu ruộng được mùa, dễ cắt đập, chủ ruộng ra giá chia 10. Cứ đập được 10 thúng (hoặc thùng) thì người làm mướn lấy công 1 thúng, còn 9 thúng vô bao chủ ruộng. Còn lúa thất, khó đập mức độ ăn chia thấp hơn (chia 8, hoặc 9…).

Làm một mình và trễ hơn mọi người, nhưng chiều xuống, người ta đi hai người thì ăn chia được 1 giạ lúa (2 thúng), ba tôi cũng được 1 táo (1 thúng) như ai. Chiều đập lúa xong mọi người vội vã về nhà nghỉ ngơi, cơm nước, còn ba tranh thủ đi giăng lưới, cắm câu, thăm lờ, nhổ bông súng, hái rau sông đến chạng vạng tối mới về lo bữa cơm tối cho mấy đứa con...

Cứ như thế, hết mùa thu hoạch lúa năm này đến mùa thu hoạch lúa năm sau, một mình ba lặng lẽ đi đập lúa mướn. Từ những đám ruộng lầy cấy trước, lúa chín sớm bì bõm bùn nước (hồi đó thường ruộng lầy cấy lúa xương gà và thu hoạch khoảng rằm tháng 10 âm lịch), đến những cánh đồng ruộng gò cấy lúa chín muộn (khoảng cuối tháng Chạp) đều có mặt ba đập lúa mướn, bằng chiếc bồ do chính tay ba đóng.

Anh chị em tôi lớn lên nhờ những hạt lúa đập mướn thấm đẫm mồ hôi của ba. Khi anh em tôi trưởng thành, ba cũng bắt đầu già yếu. Bên cạnh đó, nông nghiệp ngày càng tiến bộ, nông dân từng bước cải tiến khâu thu hoạch lúa. Từ chiếc bồ đập lúa sang máy suốt, đến máy phóng, rồi máy gặt đập liên hợp... Chiếc bồ đập lúa của ba, cũng như bao nhiêu nông cụ khác thời đó dần lùi vào quá khứ…

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục