Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cải cách hành chính: Còn nhiều việc phải làm
Thứ bảy: 06:42 ngày 16/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế cho thấy, công tác cải cách hành chính bước đầu đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở từng cơ quan, đơn vị vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thực hiện.

Phòng “một cửa” UBND phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh.

Vừa qua, HĐND tỉnh thành lập hai đoàn khảo sát về “Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Thực tế cho thấy, công tác cải cách hành chính bước đầu đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở từng cơ quan, đơn vị vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thực hiện.   

Thành quả bước đầu

Theo Sở GD&ĐT, Sở đã cập nhật toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) và công bố công khai 80 TTHC đã được chuẩn hoá của ngành. Trong đó, cấp tỉnh 42 TTHC. Các thủ tục này đã được công khai tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, trên trang thông tin điện tử của Sở và cập nhật trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến chung của tỉnh. Trong năm 2018, Sở tiếp tục thực hiện mô hình “Giải quyết hồ sơ trước hẹn cho các tổ chức và cá nhân”.

Trong số 941 hồ sơ đã giải quyết, có 826 hồ sơ trước hẹn, 115 hồ sơ đúng hẹn, không có hồ sơ trễ hẹn. Đến nay, 100% các đơn vị, trường học có máy tính nối mạng và đường truyền hoạt động kết nối thông suốt với Sở GD&ĐT. Các đơn vị trường học tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phần mềm do Bộ GD&ĐT triển khai, như EMIS, PMIS, thống kê SMAS, quản lý thư viện, quản lý học sinh.

Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo triển khai cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng e-Learning” do Bộ GD&ĐT và Quỹ Laurence S.Ting tổ chức ở các bậc THPT, THCS, TH, MN. Tổ chức các cuộc thi thiết kế giáo án điện tử hằng năm và gửi những bài giảng đạt giải cao về Bộ GD&ĐT v.v…

Ở huyện Tân Biên, công tác cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Huyện đã thực hiện việc niêm yết, công khai bộ TTHC trên Cổng thông tin điện tử của huyện và tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã đúng quy định.

Hiện nay, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đã cập nhật, niêm yết công khai 290 TTHC của 14 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện; niêm yết 148 TTHC của 12 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. Kết quả rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Hằng năm, UBND huyện đã quan tâm và triển khai đầy đủ kế hoạch rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn.

Hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa Nhà nước với cá nhân, tổ chức tham gia giải quyết TTHC trên địa bàn huyện, để tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân, tổ chức liên quan đến TTHC và thái độ của cán bộ, công chức trong giải quyết các TTHC. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND huyện tổ chức khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức khi kết thúc quá trình giải quyết TTHC trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, đã khảo sát được 3 đợt, với 1.504 phiếu, tổng số phiếu hài lòng đạt tỷ lệ 99,4%.

Tại huyện Hoà Thành, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, tiết kiệm chi phí hành chính gián tiếp. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chặt chẽ hơn, giải quyết công việc ngày càng nhanh và hiệu quả; vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính được phát huy. Hiện UBND huyện xây dựng và lấy ý kiến phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn huyện theo hướng giảm số lượng phòng chuyên môn từ 12 phòng còn 11 phòng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất, thông suốt và bao quát đối với các ngành, lĩnh vực.

Huyện đã xây dựng dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hoá - Thể thao, Đài Truyền thanh và Thư viện huyện. Đồng thời ban hành và thường xuyên rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện. UBND huyện tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ để nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước ở địa phương.

Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, đẩy mạnh cải cách TTHC nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Xây dựng tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền, giữa tập thể và người đứng đầu cơ quan hành chính; hoạt động có kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Thực hiện đồng bộ 3 yêu cầu: rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Tập trung giải quyết vấn đề biên chế kết hợp quan tâm đúng mức đến việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động của các cơ quan.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị được khảo sát vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn một số khó khăn như chưa được tự quyết định biên chế, cơ quan chủ quản vẫn giao chi tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh, bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: “Hiện nay, ngành Giáo dục gặp khó khăn về giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Một số giáo viên lớn tuổi muốn nghỉ hưu sớm nhưng không được. Trong khi đó, giáo viên mới ra trường muốn vào ngành lại không có biên chế”.

Ở huyện Tân Biên, việc thực hiện quy trình tiếp nhận hồ sơ trên phần mềm thuộc lĩnh vực đất đai trong liên thông thuế chưa đạt hiệu quả cao, còn hồ sơ giải quyết trễ hẹn. Việc triển khai, ứng dụng chữ ký số trong lãnh đạo các phòng ban, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn còn hạn chế. Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính chưa được sâu rộng và mức độ hiểu biết của người dân về cải cách hành chính còn hạn chế.

TTHC tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế. Nguyên nhân được cho là  phần mềm liên thông thuế được cài đặt nhưng chưa đúng quy trình hồ sơ so với thực tế, do đó, số lượng hồ sơ trễ hạn trên phần mềm hệ thống nhiều so với thực tế. Hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chủ yếu là lồng ghép các cuộc họp, qua công tác phát thanh, truyền thanh. Người dân chưa tin tưởng gửi hồ sơ qua bưu điện đến cơ quan Nhà nước mà trực tiếp đến cơ quan Nhà nước để giải quyết hồ sơ.

Làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh, ông Đặng Văn Nghĩa- Chủ tịch UBND huyện chia sẻ với đoàn những khó khăn do quy định về công tác luân chuyển cán bộ. Cụ thể như theo quy định, công chức địa chính phải luân chuyển công tác sau thời gian 3 năm. Trong khi đó, địa bàn huyện Tân Biên rất rộng, công chức địa chính nhận nhiệm vụ vừa làm quen với địa bàn đã phải luân chuyển sang vị trí công tác, công chức địa chính mới đến nhận nhiệm vụ phải làm quen công việc lại từ đầu. “Tôi kiến nghị cấp trên thay đổi quy định này, thay vào đó là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để chống tiêu cực”- ông Nghĩa nói.  

Huyện Hoà Thành cũng còn những hạn chế nhất định, như giải quyết TTHC cho công dân có lúc còn chậm, trễ hạn. Việc sử dụng chữ ký số trong liên thông văn bản chưa thực hiện tốt. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện chưa bảo đảm diện tích để hoạt động. Việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích được triển khai thực hiện nhưng người dân ít có nhu cầu.

Làm việc tại buổi khảo sát, bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo huyện Hoà Thành quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức cải cách hành chính. Qua thực tế cho thấy, cán bộ tin học còn yếu nghiệp vụ. Đồng thời, cần khắc phục triệt để lỗi mạng đường truyền. Đơn giản hoá TTHC và kiểm tra tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân trong việc cải cách TTHC. “Huyện nên chủ động trong việc khảo sát chỉ số hài lòng của người dân. Làm sao phải thiết thực chứ đừng mang tính hình thức”, bà Điệp nhấn mạnh.  

Giải quyết thủ tục cho người dân (ảnh chụp tại Phòng “một cửa” UBND xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu).

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh - Chi nhánh Tân Biên cũng tồn tại nhiều hạn chế. Hiện nay, có 5 xã được đo đạc thành lập hồ sơ địa chính (HSĐC) chính quy và đưa vào sử dụng. Những xã còn lại sử dụng chủ yếu là HSĐC cũ. Trong quá trình đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), cán bộ không kiểm tra thực tế, chỉ cấp giấy CNQSDĐ theo kê khai của người dân.

Mặt khác, bản đồ cũ, độ chính xác không cao, nên người dân kê khai đăng ký thường sai vị trí, lộn thửa, dẫn đến việc cấp giấy CNQSDĐ cũng sai vị trí, lộn thửa. Nhân sự thiếu nhiều (giảm 5 người so với năm 2016). Một số cán bộ xin nghỉ việc theo nguyện vọng, số hồ sơ tiếp nhận thường xuyên tăng đột biến dẫn đến hồ sơ trễ hạn cao so với cùng kỳ năm trước. Sự đồng bộ hoạt động một cửa điện tử giữa cơ quan thuế với Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn chỉnh. Trang thiết bị phục vụ CCHC còn thiếu, như: kho lưu trữ, máy vi tính, máy scan, máy đo đạc...

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh