Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghi chép tản mạn
Cái cò
Thứ sáu: 00:53 ngày 22/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ca dao viết về con cò khá nhiều! Nhưng phần đông dùng danh từ cái cò để chỉ con cò. Trên chương trình MV+ của VTV1 ngày 17.10 vừa qua có cô ca sĩ hát bài ca “Chấp chới sông Lam”. Tác giả đã đưa nguyên bốn câu dân ca vào bài hát rất thành công.

Nói đến cò, chắc ai cũng thuộc câu ca dao: “Cái cò, cái vạc, cái nông/ Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào”. Nhà nghiên cứu bảo: Đấy là nhân dân vạch mặt bọn tham lam tàn ác của giai cấp thống trị, không một hạng người nào không bị chúng ra tay bóc lột.
 

Tôi đọc được cái ý này trong sách “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Phan (Nxb Khoa học xã hội, năm 1980). Tôi nghĩ giản dị hơn, rằng, chắc đây chỉ là một câu ca dao vui đùa trong lao động.

Giống như hai tốp trẻ trâu bày trò chơi trận giả đánh nhau. Cùng hò hét đánh đấm kịch liệt. Xong rồi thì cả quân đỏ, quân xanh lại quây quần quanh đống lửa rơm chia nhau củ khoai hay vài con muỗm nướng.

Ca dao viết về con cò khá nhiều! Nhưng phần đông dùng danh từ cái cò để chỉ con cò. Trên chương trình MV+ của VTV1 ngày 17.10 vừa qua có cô ca sĩ hát bài ca “Chấp chới sông Lam”.

Tác giả đã đưa nguyên bốn câu dân ca vào bài hát rất thành công. Đấy là: “Cái cò, cái vạc, cái nông/ Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò/ Không không tôi đứng trên bờ/ Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi…”.

Cái cò ở đây, có lẽ là con cò cái (cò mẹ). Hình tượng ấy rất gần gũi với người phụ nữ nông dân, suốt ngày lặn lội ngoài đồng tìm kiếm con tôm con tép cho đàn con đang đợi. Do vậy mới có lời than của cái cò rằng: “Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con…”. Cái tinh thần này có cao cả không, có quyết liệt không, thưa quý bạn? Dẫu phải hy sinh cũng quyết giữ tròn danh tiết. Giống như sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Vì thế, nói đến hình tượng con cò là nhiều người Việt Nam liên tưởng đến thân phận người phụ nữ ngày xưa. Nhà thơ Tú Xương, khi viết bài thơ về người vợ, chẳng đã dùng hình tượng con cò đấy ư! Ông viết: “Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”.

Và cái cò, còn có mặt trong lời ru con của người mẹ trẻ. Rằng: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. Có lẽ chính là nhờ những câu hát ru ấy, mà hình tượng con cò (cái cò) in khá đậm trong tâm thức người Việt chúng ta. Đậm, để cho cậu bé thần đồng thơ Việt- Trần Đăng Khoa- mới hơn 10 tuổi đã có bài thơ “Con cò trắng muốt” , nổi bật với hình tượng “Con cò/ Trắng muốt/ Bay ra đón cơn mưa”.

Tôi nhớ đến bài này, hình tượng này là vì mấy tuần nay đàn cò trắng di trú đã trở về. Ngay trên một góc của thành phố Tây Ninh đây thôi, tại khu phố 4, phường 3. Nghe tin báo, tôi ra, nhưng chiều nào cũng gặp cơn mưa.

Và trên nền trời đen thẫm của mây mưa, là những cánh cò trắng muốt. Chúng bay về từ phía trời Tây, nơi có dòng sông Vàm Cỏ Đông đang mải miết trôi xuôi. Thăm hỏi kỹ hơn những người dân bên dưới và bên cạnh vườn cò, thì được biết cò đã trở về từ đầu tháng 9 âm lịch, tức là từ ngày 6.10.2021.

Tây Ninh vừa nới lỏng “giãn cách xã hội” do dịch bệnh Covid- 19 được 20 ngày. Người Tây Ninh đang háo hức vì đã dần dần trở lại trạng thái "bình thường mới". Đàn cò trở về là thêm một niềm vui.

Vậy mà vẫn có người, chỉ ở cách vườn hơn 100m thôi không biết cò đã trở về. Đấy là bác Sáu (tôi quen). Bác bảo: "Nước ruộng đang còn lênh láng như thế, thì chúng trở về biết kiếm ăn ở đâu?”.

Thế mà chúng vẫn trở về, như một sự xoay vần của thiên nhiên vĩ đại. Dẫu có xê xích chút ít. Như năm nay so với mọi năm là cò về muộn. Cũng xin thông báo luôn là đầu mùa chim di trú quay về, cò còn hơi ít. Chúng chưa ồn ào và vần vũ xoay như cơn lốc trên bầu trời, trước khi sà xuống vườn chim.

Một ngày giữa tháng 10, tôi đi theo quốc lộ 22B và đường 786 qua Thanh Điền. Đang giữa mùa nước nổi, nước lênh láng khắp các cánh đồng hai bên đường 786 khi qua cầu kênh 1, kênh 2.

Và nhận ra có cái gì đó khác với ca dao xưa. Vẫn có những bóng người lặn lội như thân cò giữa mênh mông đồng nước. Nhưng phần nhiều là đàn ông, đem theo lưới, chài, dậm đi tìm bắt lươn, ốc, cá… trên đồng.

Cũng có phụ nữ, nhưng họ thường mang những món đàn ông kiếm được lên vệ đường để bán. Đọc chữ “cái cò” lên, thấy có gì đó sai sai. Thời đại mới, thân phận người phụ nữ đã không còn như trước.

Và ở chợ đặc sản mùa nước nổi Thanh Điền vẫn còn nhiều những loài chim như mỏ nhác, cu đất, cu lửa, cúm núm… cùng những con chít (xít) đen tuyền, mỏ đỏ. Nhưng tuyệt nhiên không thấy một chú cò nào. Với người làng quê Tây Ninh, cò là người bạn thân thiết từ lâu. Vì thế, dù chúng có di trú những đâu đâu, thì mùa nước nổi vẫn tìm về như một cuộc hành hương. Muôn thuở!

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục