Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cái đồng hồ Thuỵ Sĩ
Thứ bảy: 07:58 ngày 04/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một tay bấu vào đất, một tay nắm cổ tay ông cụ chặt khư khư, cái cổ tay có đeo chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ vàng lấp lánh. Mọi người phải van vái xin cụ tha tội mới gỡ được nó đưa đi cấp cứu.

Thị trấn T dăm năm nay thi nhau mọc lên nhiều căn biệt thự kiểu Tây kiểu Thái nóc nhọn, nóc củ hành hoành tráng là nhờ cây cao su lên ngôi hoàng đế. Nhiều người vốn cố cựu nông dân chính gốc mấy đời, bỗng gặp thời nhảy lên làm đại gia cứ như đùa. 

Ông N là một vị trong số đông đảo ấy. Hiện trong tay đã có dăm chục héc-ta cao su đang thời kỳ cho mủ sung mãn nhất, nhưng ông vẫn nung nấu ý định mở rộng lên gấp đôi trong vòng vài ba năm nữa. Thu nhập ròng của ông hàng năm dăm bảy tỷ là chuyện chẳng ai nghi ngờ.

Dân sở tại người nào cũng biết, ông được như vậy đều nhờ vào nghị lực kiên trì của người cha năm nay tuổi đã tròn chín chục. Ông cụ quê quán tận ngoài Bắc. Sau thống nhất nước nhà, nghe nói trong Nam đất ruộng “binh thiên”, cụ quyết định mạo hiểm làm cuộc di cư cả nhà vào tỉnh T.N theo mách nước của người bạn nối khố thuở chăn trâu cắt cỏ.

Người bạn này nhanh chân hơn cụ, đã dám đi mộ phu Nam kỳ từ thời thuộc địa. Năm ấy cụ đã ngoại năm mươi rồi, nhưng sức vóc còn tráng kiện hơn người. Chữ nhất chẳng biết vì có bao giờ được ăn học, bù lại trời cho cụ một cái đầu thông minh và nghị lực phi thường. Bé đã là thằng con ở, lớn cày thuê cuốc mướn thân phận tá điền suốt kiếp, nên ruộng đất là giấc mơ, là khát vọng duy nhất cả đời của cụ.

Vào Nam được sống giữa nơi có rừng, có ruộng bạt ngàn, lại vào đúng thời điểm ban đầu thống nhất hai miền, một bộ phận dân chúng vùng vừa giải phóng trong tình trạng nhấp nhổm ở ở đi đi, ruộng đất bừa phứa chẳng ai mặn mà canh tác, ai cho, cụ xin làm tuốt.

Dư chút sức lực nào cụ đốc thúc bốn thằng con trai đứa bộ đội phục viên, đứa sức như trâu mộng cùng mình hì hục khai phá rừng hoang lúc ấy còn vô chủ chẳng ai màng chiếm giữ.

Đất cụ khai phá được rộng chẳng biết bao nhiêu, chỉ biết mỗi năm bố con cụ trần lực ba trăm sáu lăm ngày quần quật như trâu húc mả, đổ mồ hôi như mưa rào, tới kỳ thu hoạch cũng chỉ đủ no cơm ngày ba bữa.

Vì cái giai điệu được mùa rớt giá cứ luân phiên hành hạ nông dân một thời. nhiều chủ đất tán gia bại sản bỏ ruộng chạy biệt tăm. Các con cụ cũng quá chán ngán đất đòi bỏ ruộng. Cụ kiên quyết không cho thằng nào đầu hàng. Chiều nào mấy bố con ngồi vào bữa cơm, cụ cũng tụng đi tụng lại câu:

- Là nông dân mà không có đất đai khác chi thằng đàn ông không có cái con c… Lấy gì kế tiếp giống nòi? Lấy gì bảo đảm tương lai?

Lý lẽ đơn giản vậy mà chắc nịch cái sự đúng, sau này ăn nên làm ra rồi, các con cụ chẳng đứa nào không phục. Còn lúc này, sợ uy bố mấy đứa đều chịu phép đổi cây này, chặt phá cây khác liên tục mấy năm, tay trắng vẫn hoàn tay trắng.

May nhờ chục năm nay cao su ổn định giá rồi đắt lên ngùn ngụt các con cụ mới thực sự yên tâm theo đuổi nghề nông như bố. Mấy chục héc-ta mà mỗi thằng hiện được cấp sổ đỏ nguồn gốc là như vậy.

Gần chục năm nay, cụ ở với gia đình ông N. Cũng đến lúc cụ được nghỉ ngơi rồi. Tuổi cao, nhưng nhờ nắng mưa rèn luyện cả đời nên cụ giữ được sức lực, cùng tinh thần khang thái, chưa hề biết viên thuốc cảm là gì.

Chỉ tội hai hàm răng cụ từ lâu đã rụng không còn một chiếc khiến môi miệng bị móm tụt sâu vào, làm cho khuôn mặt trông héo quắt già nua như trái táo Tàu. Bữa ăn của cụ chỉ vài thìa cháo, gà nướng, cá chiên, chim quay cụ chỉ ngồi nhìn con cháu nhai rau ráu.

Thương cụ lắm, nhưng các con chẳng biết cung phụng cho bố thế nào cho xứng. Vài tháng trước khi về trời, cụ đổi tính đòi một cái đồng hồ đeo tay. Cả đời cụ chỉ cần biết trời còn sáng,còn làm, đêm tối mịt, đi ngủ. Phân chia từng giờ từng phút với cụ là không cần thiết.

Bỗng dưng lại để ý đến phút đến giây, các con cho là cụ đã tới ngày đi theo tiên tổ rồi. Họ bàn nhau mua cho cụ một cái đồng hồ Thuỵ Sĩ hiệu Lông-zin giá mấy cây vàng. Tiền của ức vạn mà họ có được bây giờ là nhờ công lao cụ, nên sắm cho bố món quà có giá để bố mang theo về với tổ tiên, anh con nào cũng thấy hởi lòng hởi dạ.

Buổi sáng anh con cả trịnh trọng nâng tay cụ lên để anh con thứ đeo vào chiếc đồng hồ vàng óng, cụ cứ ngồi tư thế ấy, y nguyên chỗ ấy, xoay xoay không ngừng nghỉ cổ tay cho con mắt đã gần loà nheo nheo nhìn không chán ánh vàng loé hắt lên từ cái mặt đồng hồ có chiếc kim giây chăm chỉ chạy vòng vòng.

Chẳng biết có nhìn thấy không, nhưng từ đôi môi héo hắt móm mém cụ cứ mủm mỉm cười không tắt, vẻ mặt ra chiều vui sướng lắm. Lặng nhìn cảnh ấy, tất cả con cháu cụ có mặt lúc ấy đều bật khóc.

Sáng sớm hôm sau cụ không dậy nữa. Cụ thanh thản về với đất.

Khi đội mai táng cùng gia đình tiến hành khâm liệm cụ, cả bốn anh con trai đều nhất trí để nguyên chiếc đồng hồ giá mấy cây vàng cho bố mang theo.

Sẽ chẳng có câu chuyện này được viết ra nếu như trong đám khách tang sáng ấy không có mặt một thằng gian manh táo tợn. Nhìn thấy chiếc đồng hồ trị giá mấy cây vàng, nó nảy ra âm mưu chiếm đoạt.

Đợi mấy ngày tang gia thăm viếng mồ mả yên ổn cả rồi, một đêm trăng lạnh lẽo nó ra nghĩa địa đào mộ cụ. Khi tấm ván thiên vừa bị mũi xà beng thô bạo bật lên, tay nó vội vã lần tìm cổ tay xác chết, bàn tay nó vừa chạm chiếc đồng hồ thì bất ngờ một bàn tay lạnh buốt như nước đá nắm chặt cổ tay nó cứng ngắt chẳng khác nào gọng thép.

Nó chỉ kịp kinh hoàng thét lên một tiếng như tiếng chó sói tru trong rừng thẳm rồi chết ngất, đổ thân hình ngã ngửa vào thành huyệt. Giờ khắc hung tợn ấy một vành trăng khuyết mảnh như lá lúa đã ở lưng chừng trời yếu ớt soi mặt nó xanh rớt màu nước rau muống luộc.

Sáng mai nhờ em bé chăn bò phát hiện, người ta đổ xô đến nghĩa địa thấy tim nó còn thoi thóp đập. Một tay bấu vào đất, một tay nắm cổ tay ông cụ chặt khư khư, cái cổ tay có đeo chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ vàng lấp lánh. Mọi người phải van vái xin cụ tha tội mới gỡ được nó đưa đi cấp cứu. Sau này nó sợ hãi khai thành thực với công an sự việc xảy ra đêm ấy là như vậy.

Bây giờ khách đến thị trấn T gặp một thằng mặt xanh nhơn nhớt như mặt ma, lúc nào mắt cũng dán vào một cổ tay giơ cao ngang ngực như người chăm chú coi giờ trên mặt đồng hồ, mưa nó cũng tất tả đi, nắng nó cũng tất tả đi, cứ phăm phăm trên đường như là chạy trốn ai vô hình sau gót. Thì chính là nó đấy. Người biết chuyện này cũng chỉ chép mộc vậy thôi. Ai tin thì chuyện thật là như vậy. Ai không tin thì chuyện cũng đúng thật là như vậy.

V.T.K

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục