BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải lương Tây Ninh một năm thắng lợi

Cập nhật ngày: 18/02/2013 - 06:04

(BTN)- Khi tôi viết những dòng này, Đoàn Nghệ thuật cải lương Tây Ninh đã dời đi khỏi nơi “ăn nhờ, ở đậu” hơn mười năm qua tại trụ sở Bảo tàng tỉnh. Năm 2012 khép lại, với Trưởng đoàn Kim Thoại hay Phó trưởng đoàn Thanh Thanh Mai và nhiều người khác trong đoàn là một năm tràn đầy những niềm vui. “Mở hàng” là việc Phó trưởng đoàn Thanh Thanh Mai được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Kế đến là việc đoàn giành được 3 giải thưởng cá nhân, gồm 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc tại Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Đồng Nai vào đầu tháng 1.

Đông Dương và Anh Thư tại Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.

So với các đoàn khác, Đoàn Cải lương Tây Ninh tham dự Liên hoan nói trên với kinh phí khá thấp, chỉ hơn 200 triệu đồng. Đây đã được xem là nỗ lực của ngành văn hoá tỉnh nhà, trong việc đầu tư cho loại hình nghệ thuật truyền thống cải lương, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Mang đến Liên hoan vở diễn cũ “Trên cả trời xanh” (tác giả: Nguyễn Mạnh Tuấn, chuyển thể cải lương: nghệ sĩ ưu tú Hữu Lộc), được Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu dàn dựng mới với tựa đề “Nói dối là trọng tội”, các nghệ sĩ của đoàn đã phải rất cố gắng mới thoát ra khỏi cái bóng của sự thành công vang dội trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam hồi năm 2005. Vở diễn phơi bày những sự thật đen tối trong gia đình Trần Lượng (nghệ sĩ Đông Dương thủ diễn)- tổng giám đốc một công ty lớn, nổi tiếng gia phong, nền nếp. Vị tổng giám đốc này luôn miệng rao giảng đạo đức: “Trong gia đình ta nói dối là trọng tội, là phản phúc”. Thế nhưng khi bị phanh phui những vụ bê bối, tham ô, ông đã tìm mọi cách để chạy tội, ép vợ là bà Xuân (nghệ sĩ Anh Thư đóng vai) phải nhận mình ngoại tình với người chồng cũ, chấp nhận ly hôn để phân tán tài sản.

Với Anh Thư, dù từng giành huy chương vàng giải Trần Hữu Trang nhưng vai bà Xuân vẫn là một vai diễn khó. Và chị đã xứng đáng với huy chương vàng cho vai diễn của mình, khi thể hiện thành công những diễn biến nội tâm đầy phức tạp của một người vợ phải chấp nhận mang tội ngoại tình, để cứu người chồng thoát khỏi tội tham nhũng. Sự chăm chút của “kép độc” Đông Dương và giọng ca đầy thần sắc của Ngọc Ngân (vai mẹ Trần Lượng), cũng đã mang lại cho hai nghệ sĩ này huy chương bạc tại Liên hoan. Ngoài ra, đoàn Tây Ninh còn được trao hai bằng khen của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai. 

Nữ nghệ sĩ Anh Thư

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Kim Thoại, thành tích tại liên hoan được xem là “những quả ngọt” mà đoàn đã gặt hái được, sau không ít lần thất bại tại các cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc hay giải Trần Hữu Trang. Trưởng đoàn Kim Thoại cho rằng diễn viên Anh Thư đóng những vai xã hội rất hay, điều này đã được minh chứng bằng nhiều giải thưởng khác nhau. Tuy nhiên, cá nhân người viết bài này vẫn thích nét cuốn hút của Anh Thư khi chị vào vai đào võ trong các tuồng màu sắc- dù chỉ mới một lần được xem chị đóng vai phụ cho diễn viên Hồng Cẩm tại giải Trần Hữu Trang lần X, năm 2007 tại Cần Thơ và một lần khác trên sân khấu dã chiến dựng giữa sân bóng xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Với giọng ca mượt mà, diễn xuất tốt, những năm cải lương bắt đầu xuống dốc, Anh Thư hoàn toàn có đủ khả năng để ra đi nhưng chị vẫn tiếp tục ở lại, cùng “chia ngọt, sẻ bùi” với đoàn tỉnh nhà trong suốt nhiều năm qua.

Với Đông Dương- con trai của cựu trưởng đoàn Nguyễn Thế Nghiệm và nữ nghệ sĩ Thu Hồng– người từng dàn dựng các tiết mục múa cho Đoàn Cải lương Tây Ninh trong những năm kháng chiến (được trao giải Xuân Hồng đợt này), cái nghiệp cải lương đã ăn sâu vào máu, khó mà rứt ra được. Lần đoàn dựng vở “Sóng gió vương triều”, đạo diễn Linh Châu giao Đông Dương thủ vai thái sư Lý Đạo Thành. Anh trằn trọc lắm! Đêm phúc khảo, thật may mắn, tôi có mang theo ống kính tele và chân máy (tripod) nên đã kịp “bắt” được những hình ảnh một Đông Dương - Lý Đạo Thành xuất sắc với ngôn ngữ hình thể- qua cách cầm quạt, xếp quạt, mở ra, phe phẩy lúc nhanh, lúc chậm, lúc lừng khừng…

 Niềm vui cuối cùng trong năm 2012 của Đoàn Nghệ thuật cải lương Tây Ninh là việc “dời cứ” về Rạp chiếu bóng Hoà Thành cũ đã được nâng cấp, sửa chữa với tổng mức kinh phí gần 3 tỷ đồng. Nghe đâu, đoàn cũng sắp được đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp hệ thống âm thanh, ánh sáng, tạo điều kiện cho anh chị em nghệ sĩ tập luyện cũng như biểu diễn phục vụ tốt hơn.

Cũng trong năm 2012, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, đoàn còn tổ chức các hoạt động doanh thu, phục vụ công tác dân vận, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, biểu diễn giao lưu nghệ thuật, phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới trong tỉnh, biểu diễn doanh thu trong và ngoài tỉnh của đoàn.

Những ngày giáp tết, ban lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật cải lương Tây Ninh tất bật tìm nơi diễn. Hôm tôi ghé thăm đoàn đâu chừng giữa tháng 12, Trưởng đoàn Kim Thoại còn bận tiếp các vị cao tuổi ở một đình làng nào đó ở Bến Cầu. Họ bảo, người dân quê họ nhất nhất yêu cầu ban hội đình mời cho được đoàn cải lương tỉnh mình về diễn, phải chơi hẳn 2 đêm liền. Còn như mấy ban hội đình ở tận Biên Hoà (Đồng Nai) năm nào cũng lặn lội lên Tây Ninh mời đoàn… Doanh thu là “chuyện nhỏ”, còn “chuyện lớn” là phải ráo riết tập tuồng để đi biểu diễn phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Đ.H.T