Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cai nghiện ma tuý ở Tây Ninh: Còn nhiều việc phải làm
Thứ năm: 23:13 ngày 28/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cai nghiện ma tuý là một hoạt động nhân văn, giúp người nghiện trở lại cuộc sống khoẻ mạnh đời thường. Những năm qua, cùng với cả nước, nhiều ngành, nhiều cấp ở tỉnh ta đã nỗ lực cho hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để giúp một người cai nghiện thành công là cả một câu chuyện dài với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh: Hết phòng

Ngày 25.11, bà Đàm Thị Minh Thu- Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, ông Phan Đình Thư- Trưởng Phòng Chính sách cai nghiện ma tuý, Bộ LĐ-TB&XH; bà Phạm Thị Thanh Thảo- Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an và một số thành viên khác trong đoàn công tác kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. 

Mục đích của việc kiểm tra lần này để tìm hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao việc chấp hành pháp luật về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung.

Bà Đàm Thị Minh Thu- Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội kiểm tra việc quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Đoàn công tác Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đi tìm hiểu thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Cơ sở có diện tích hơn 256.000 m2, trong đó có 4 khu A, B, C, D dùng để quản lý học viên bắt buộc, học viên tự nguyện nam, nữ, thanh thiếu niên. 

Trong đó, có các công trình hội trường, khu hành chính, phòng y tế, thư viện, nhà ăn, phòng tập gym, sân bóng đá, bóng chuyền, khu tăng gia sản xuất, khu thăm gặp, hệ thống đường giao thông nội bộ, hàng rào, cây xanh, nhà kho, bãi xe…

Các công trình xây dựng, trang thiết bị bảo đảm cho người nghiện ma tuý an toàn, đáp ứng các điều kiện về môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm các tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng. 

Người cai nghiện được tiếp cận về văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm của đối tượng. Tại cơ sở, các học viên được điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng, giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách, lao động trị liệu, học nghề, phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng.

Từ năm 2018- 2023, Cơ sở được đầu tư sửa chữa, cải tạo, có sức chứa 500 học viên. Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, lãnh đạo Cơ sở cho biết, hiện tại nơi đây đã hết phòng dành cho học viên cai nghiện. Nếu tiếp nhận thêm học viên thì không đủ diện tích sinh hoạt theo quy định. 

Về việc học nghề, hiện nay, nhiều học viên có nhu cầu học nghề lái xe để sau khi tái nhập cộng đồng có thể làm nghề tài xế taxi để mưu sinh. Tuy nhiên, học phí cho công tác đào tạo nghề lái xe quá cao. Lãnh đạo Cơ sở kiến nghị đoàn công tác tham mưu các bộ, ngành liên quan tăng kinh phí đào tạo nghề cho học viên. 

Việc học văn hoá cũng vướng mắc, đối với học viên từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, vào cơ sở cai nghiện không cùng thời điểm, trình độ học vấn không đồng bộ, thời gian chấp hành quyết định của toà án không đủ để hoàn thành khoá học văn hoá.

Đoàn công tác Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội kiểm tra cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh.

Cai nghiện ma tuý tại cộng đồng: Nhiều vướng mắc

Trong chương trình làm việc tại Tây Ninh, đoàn công tác còn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn TP. Tây Ninh. Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH TP. Tây Ninh, từ năm 2022 đến tháng 11.2024, Trung tâm Y tế Thành phố làm thủ tục xác định tình trạng nghiện ma tuý cho 100 đối tượng. 

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn Thành phố không có tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, chỉ có 1 cơ sở điều trị methadone do tỉnh quản lý, tại phường IV, TP. Tây Ninh. 

UBND phường, xã giao nhiệm vụ cho Đội công tác xã hội tình nguyện phòng, chống tệ nạn xã hội phường, xã để tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và đối tượng quản lý sau cai nghiện ma tuý. 

Tuy nhiên, Đội công tác xã hội tình nguyện phòng, chống tệ nạn xã hội phường, xã rất khó tiếp cận với các loại đối tượng nêu trên, nên khó tư vấn, quản lý, hỗ trợ họ trong quá trình cai nghiện ma tuý tại cộng đồng.

Bà Đàm Thị Minh Thu- Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội gặp gỡ một số thanh niên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh.

Buổi chiều cùng ngày, tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH, đại diện Sở Y tế, Công an tỉnh, lãnh đạo UBND, Công an, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, TP. Tây Ninh. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4.706 người nghiện ma tuý, trong đó, có 190 người được cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng; có 717 người sau cai nghiện đang quản lý; có 280 bệnh nhân đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra nghe thêm một số ý kiến của những người trực tiếp tham gia công tác cai nghiện ma tuý tại cộng đồng. Ông Bành Văn Hải- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Dương Minh Châu cho rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương có một số vấn đề khó khăn. Thứ nhất, người nghiện ma tuý có khi cho là bệnh, khi thì xác định là tội phạm. 

Từ đó dẫn đến công tác quản lý trước cai nghiện rất khó khăn. Vì họ là bệnh nhân nên không bị tạm giam, tạm giữ mà địa phương phải lo ăn ở cho họ. Thứ hai, hiện nay chưa có giải pháp xử lý những trường hợp tái nghiện ma tuý nhiều lần. “Đề nghị Trung ương nghiên cứu có biện pháp xử lý mạnh những trường hợp này, vì ở địa phương nhiều công việc chứ không phải rảnh rỗi tối ngày đi canh những trường hợp tái nghiện ma tuý hoài”- ông Hải đề nghị.

Phó trưởng Công an huyện Gò Dầu Trần Tất Thành nhận xét, qua thực tế gần 10 năm áp dụng phương pháp dùng thuốc thay thế để điều trị nghiện ma tuý cho thấy không hiệu quả. Mặt khác, cần rút ngắn thời gian xác định người nghiện ma tuý, cần bố trí nơi lưu giữ người nghiện ở cơ quan y tế. Vì đối tượng này chưa phải là vi phạm pháp luật nên Công an không thể giam giữ. “Tốt nhất là có cơ quan y tế trong trung tâm cai nghiện để theo dõi, xác định tình trạng nghiện”.

Công an huyện Gò Dầu đề xuất, kiến nghị một số vấn đề về việc điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc thay thế.

Ông Trần Quốc Bảo- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH vừa giải đáp một số thắc mắc của đại biểu ở cơ sở, vừa kiến nghị với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 77, trong đó quy định rõ các mức chi trả trong công tác cai nghiện bắt buộc đến cai nghiện tại cộng đồng. 

Trong tháng 12 sắp tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế đi kiểm tra các trường hợp cai nghiện ma tuý về cộng đồng và quản lý sau cai, để báo cáo với UBND tỉnh biết công tác cai nghiện ma tuý ở tỉnh đang vướng mắc ở đâu.

Phát biểu kết luận, bà Đàm Thị Minh Thu- Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nói, buổi làm việc đoàn công tác thấy được mảnh ghép của từng địa phương, từng ngành và bức tranh tổng thể về cai nghiện ma tuý của tỉnh Tây Ninh. Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy có huyện thực hiện rất tốt, nhưng cũng có địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Bà Thu đề nghị: “Sắp tới, Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác kiểm tra ở tuyến huyện, tuyến xã để kịp thời uốn nắn. Nếu ở cơ sở có khó khăn vướng mắc mà cấp mình không giải quyết được thì báo cáo bằng văn bản về UBND huyện hoặc Sở đề xuất tháo gỡ. Nếu không tháo gỡ được thì Sở đề xuất về Bộ LĐ-TB&XH để có hướng dẫn”.  

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục