Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
TRÒN MỘT NĂM TRIỂN KHAI SÁCH GIÁO KHOA LỚP 1, CHUẨN BỊ CHO LỚP 2, LỚP 6: Còn nhiều vấn đề đặt ra
Cái nhìn toàn cảnh
Thứ hai: 11:51 ngày 28/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) nhìn nhận, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc triển khai tập huấn giáo viên có gián đoạn, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng.

Theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, Tây Ninh còn thiếu 508 giáo viên (cấp tiểu học 253 người và THCS 255 người). Ảnh minh hoạ, chụp trước ngày 27.4.2021

Các chương trình tập huấn chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thực hành trên môi trường mạng, ít được tương tác với đồng nghiệp và giảng viên tập huấn. Trong những năm học trước, học sinh có 1-2 tuần tập trung trước ngày khai giảng để làm quen môi trường học tập, tạo tâm thế sẵn sàng cho năm học mới- nhất là đối với học sinh lớp 1. Năm học 2020-2021, vì khung thời gian học chính thức được bắt đầu ngay sau khai giảng 5.9.2020, nên học sinh không có thời gian làm quen nền nếp, tâm lý, điều này gây khó khăn cho các trường tiểu học và giáo viên lớp 1.

Sở GD&ÐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở. Thời khoá biểu bố trí bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Căn cứ danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và công bố, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên, tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các bộ/cuốn sách theo tiêu chí lựa chọn sách. Các trường tiểu học thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và tổ chức lựa chọn SGK đúng theo quy trình.

Sau khi có kết quả lựa chọn SGK, hiệu trưởng công bố, niêm yết công khai danh mục, bảng giá SGK lớp 1 được sử dụng trong nhà trường năm học 2020-2021 để cha mẹ học sinh biết và trang bị cho con em. Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị cung ứng tổ chức phân phối kịp thời SGK cho các trường trước khi bước vào năm học mới. Sở cũng trang bị cho các thư viện nhà trường 32.702 SGK và 15.343 sách giáo viên để giáo viên sử dụng giảng dạy, đồng thời hỗ trợ những học sinh diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn.

Ban giám hiệu các trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp học đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học theo trường và cụm trường. Giáo viên dạy lớp 1 vận dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xây dựng nền nếp dạy học, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1.

Toàn tỉnh hiện có 207 trường tiểu học, 324 điểm trường (trong đó có 117 điểm trường lẻ). Tổng số lớp: 3.160 lớp (trong đó có 12 lớp ngoài công lập). Tổng số học sinh: 99.061 học sinh (trong đó có 195 học sinh ngoài công lập).

Lớp 1 có 20.858 học sinh, lớp 2: 20.038 học sinh, lớp 3: 22.459 học sinh, lớp 4: 19.553 học sinh, lớp 5: 16.153 học sinh.

“Dạy học theo Chương trình 2018 giúp học sinh phát triển những phẩm chất và năng lực cần thiết như tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề... Học sinh hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động học. Học sinh có nhiều tiến bộ qua từng bài học, biết vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống. Qua đánh giá kết quả học tập, hầu hết học sinh đều đọc thông, viết thạo, hiểu được nội dung văn bản, viết nhanh và hướng đến nghe-viết dễ dàng hơn; có năng lực tính toán, biết đóng vai xử lý tình huống. Các phương pháp dạy học linh hoạt, nhiều trò chơi, ngoài nội dung sách giáo khoa, giáo viên còn sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hứng thú học tập, giờ học trở nên sinh động”- Sở GD&ÐT nhìn nhận về kết quả giáo dục sau năm học đầu tiên. Nhưng, qua kết quả đánh giá cuối năm, còn 1.057 học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình lớp học (5,06%). Trong đó, có 1.027 học sinh có điểm kiểm tra môn Tiếng Việt dưới 5 điểm (4,92%), 781 học sinh có điểm kiểm tra môn Toán dưới 5 điểm (3,74%).

Ðối với phản ánh của dư luận, đầu năm học, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều có một số nội dung chưa phù hợp, gây lo lắng cho phụ huynh học sinh, Sở đã chỉ đạo các trường tiểu học sử dụng tài liệu điều chỉnh để giảng dạy. Trong thời gian qua, ngành Giáo dục chưa nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh. Do mới tiếp cận chương trình, thời gian đầu, giáo viên còn lo lắng về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động dạy học. Tuy nhiên, qua công tác dự giờ của Phòng GD&ÐT, ban giám hiệu nhà trường và hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo trường, cụm trường, giáo viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nên không còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học.

Các trường tiểu học thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phụ huynh học sinh đồng tình với việc thay đổi chương trình sách giáo khoa lớp 1, phối hợp với nhà trường, giáo viên trong việc giảng dạy, giáo dục học sinh; cung cấp kịp thời các thông tin cho Báo Tây Ninh, Ðài PT-TH Tây Ninh để đưa tin. Các trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình 2018. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho giáo viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về đổi mới phương pháp dạy học, hoạt động đánh giá học sinh…

Các đơn vị, trường học tích cực, chủ động tham mưu chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất triển khai Chương trình 2018. Cơ sở vật chất, thiết bị cho  lớp 1 đã được ngành đầu tư trang bị phục vụ năm học, bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

Năm học 2020- 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới lớp 1 nên không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế. Một số giáo viên chưa quen với chương trình nên không mạnh dạn thay đổi ngữ liệu, chưa sắp xếp thời gian cho từng chủ đề, bài học phù hợp đối tượng học sinh. Chương trình 2018 ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Ở một số trường có tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Theo thống kê, toàn tỉnh có 81,73% số học sinh đang được học 2 buổi/ngày.

Sở GD&ÐT kiến nghị Bộ GD&ÐT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm phân khai vốn trái phiếu Chính phủ để địa phương thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 2021-2025.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục