Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cải thiện bữa ăn, khắc phục suy dinh dưỡng trẻ em
Thứ tư: 06:03 ngày 16/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh vừa có kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu đến năm 2025 tình trạng dinh dưỡng cho người dân được cải thiện rõ rệt, trước hết là phấn đấu giảm mạnh suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em.

Tháp dinh dưỡng cho trẻ 6-11 tuổi và hình ảnh minh hoạ kích cỡ đơn vị ăn của một số thực phẩm.

Nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ về nuôi dưỡng và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ hợp lý. Đặc biệt quan tâm đến bữa ăn của bà mẹ và trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được cải thiện hợp lý hơn. Nhằm góp phần cải thiện tầm vóc, trí tuệ và thể lực của người dân. Khống chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như: thừa cân, béo phì.

Theo kế hoạch, xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án và mô hình can thiệp dinh dưỡng thiết yếu như: chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục bú mẹ cho trẻ em từ 6 đến 23 tháng); theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em; quản lý và điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính; phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; bảo đảm nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Mục tiêu đến năm 2025

Về thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời, chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trẻ 6-23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 65%. Tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 60% ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn vào năm 2025; tỷ lệ bệnh viện tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh đạt 90% đối với tuyến tỉnh; 75% đối với tuyến huyện vào năm 2025; tỷ lệ xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khoẻ do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đạt 50% vào năm 2025.

Về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 18,8% vào năm 2025; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 10,5% vào năm 2025; tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 5% vào năm 2025; tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm sau khi sinh đạt mức 75% vào năm 2025; tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt 50% vào năm 2025; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh (dưới 2.500g) ở mức dưới 4% vào năm 2025.

Về kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thừa cân béo phì được kiểm soát: trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10%.  Lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (15-49 tuổi) giảm xuống dưới 8g/ngày vào năm 2025.

Về cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, tỷ lệ trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao 2 lần/năm trên 95%; tỷ lệ bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A liều cao trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hoặc gia vị mặn có i-ốt hằng ngày tăng lên trên 80% vào năm 2025.

Về nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp và tăng cường nguồn lực thực hiện chiến lược, phấn đấu tỷ lệ tỉnh và các huyện/thành phố/thị xã có kế hoạch triển khai ứng phó, thiên tai, dịch bệnh, can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu trong tình huống khẩn cấp đạt 100%  đến năm 2025.

Một số nhiệm vụ giải pháp

Theo UBND tỉnh, để đạt được các nhiệm vụ và giải pháp đã đặt ra cho giai đoạn 2022-2025, các cấp, ngành có liên quan cần hoàn thiện cơ chế chính sách về dinh dưỡng. Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nhất là can thiệp dinh dưỡng tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hoạt động như nuôi con bằng sữa mẹ, dinh dưỡng học đường, chú trọng lứa tuổi mầm non và tiểu học, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt đối với trẻ em.

Đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm, thừa cân béo phì của trẻ dưới 5 tuổi là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng hằng năm.

Song song đó tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động xã hội. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp với các sở, ban, ngành, liên ngành, lồng ghép với các chương trình, dự án có liên quan đến dinh dưỡng. Huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia triển khai chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Khuyến khích các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện chiến lược thông qua tài trợ cho các hoạt động dinh dưỡng; bảo đảm dinh dưỡng tại nơi làm việc; sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ, thực hiện đúng các quy định về sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng. Đưa các nội dung về công tác dinh dưỡng vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện tại các cấp. Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông với các loại hình, phương thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết, thực hành dinh dưỡng hợp lý- đặc biệt là phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, kiểm soát thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục, tư vấn về thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để hình thành lối sống, thói quen lành mạnh về dinh dưỡng hợp lý.

Với giải pháp tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng bảo đảm tính bền vững, đặc biệt là mạng lưới cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và cộng tác viên y tế thôn bản ở tuyến y tế cơ sở; chuẩn hoá cán bộ làm công tác dinh dưỡng lâm sàng. Nâng cao chất lượng nội dung đào tạo, bồi dưỡng về công tác dinh dưỡng tại cộng đồng, trường học và bệnh viện. Tổ chức tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng cho tuyến huyện, xã và nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác dinh dưỡng, triển khai lồng ghép các hoạt động dinh dưỡng trong các các chương trình, đề án.

Với nội dung tăng cường chuyên môn kỹ thuật triển khai can thiệp dinh dưỡng, UBND tỉnh yêu cầu cải thiện chất lượng bữa ăn, bảo đảm an ninh thực phẩm và an ninh dinh dưỡng. Tăng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu. Thực hiện hoạt động dinh dưỡng học đường tại trường học.

Đồng thời thực hiện hoạt động dinh dưỡng tại bệnh viện. Tăng cường triển khai hoạt động dinh dưỡng khẩn cấp. Xây dựng hợp phần bảo đảm dinh dưỡng vào trong kế hoạch ứng phó với thiên tai thảm hoạ, dịch bệnh của tỉnh. Nâng cao năng lực ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp cho cán bộ các cấp và các sở, ban, ngành liên quan. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng khẩn cấp ở cả cộng đồng và trong bệnh viện tại các địa phương bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Xây dựng các tài liệu truyền thông và tổ chức truyền thông cho cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm có lợi và an toàn cho sức khoẻ phòng, chống bệnh không lây nhiễm, tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh. Đặc biệt quan tâm đến dinh dưỡng hợp lý cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

Xây dựng hướng dẫn, tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi, vùng, miền và bảo đảm đa dạng thực phẩm (đối với các trường học có tổ chức bữa ăn học đường). Ban hành các quy định nhằm hạn chế học sinh tiếp cận với các thực phẩm không có lợi cho sức khoẻ.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục