BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải thiện đời sống từ đồng vốn nhỏ

Cập nhật ngày: 11/01/2011 - 06:05

(BTNO)- Quỹ hỗ trợ nông dân xã, phường là nguồn vốn do các hội viên nông dân tự nguyện đóng góp và vận động các mạnh thường quân ủng hộ, để có số vốn hỗ trợ cho các hội viên trong sản xuất hàng năm, với mức thu phí thấp, năm 2011 chỉ khoảng 0,7%/tháng. Do đó nguồn vốn này không lớn, có nơi hội viên chỉ nhận được 1 – 3 triệu đồng. Song nếu biết cách sử dụng thì nguồn vốn này vẫn phát huy được hiệu quả trong sản xuất.

Nông dân Trịnh Văn Sáu bên chuồng thỏ được phát triển từ 2 triệu đồng vốn hỗ trợ

Điển hình như anh Trịnh Văn Sáu, sinh năm 1962, ở khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, Thị xã Tây Ninh là một gương nông dân cần cù, chịu khó làm ăn. Từ đồng vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn 2 triệu đồng, nhưng nhờ chịu thương chịu khó trong sản xuất, anh đã tạo nguồn thu nhập khá, ổn định cuộc sống. Năm 2008, nhận 2 triệu đồng hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân phường Hiệp Ninh, anh Sáu băn khoăn suy nghĩ phải tìm mô hình sản xuất nào phù hợp với đồng vốn của mình; bởi đất sản xuất không có. Qua tham khảo báo, đài, anh quyết định đầu tư nuôi thỏ vì vòng sinh sản của thỏ rất ngắn, chỉ khoảng hơn 1 tháng, giúp mau thu hồi vốn.

Khởi đầu với 8 con thỏ cái có giá 2 triệu đồng, anh Sáu tự mày mò phương pháp nuôi thỏ. Ban đầu anh gặp không ít khó khăn, nào là: đặt chuồng thỏ trong nhà, trên nền xi măng nên nước tiểu, phân bốc mùi hôi, chuồng dơ khiến thỏ bị bệnh ghẻ, chết; chi phí mua rau cho thỏ ăn khá cao, một ngày khoảng 60.000 đồng cho 20 con thỏ, nên lúc bán thỏ không có lời nhiều. Sau đó anh thí nghiệm bằng cách đưa chuồng thỏ ra ngoài đất có trồng cây. Rễ cây hút hết nước tiểu thỏ nên không còn mùi hôi nữa. Khi thỏ bệnh, anh đến các trạm thú y nhờ hướng dẫn cách phòng trị và đạt hiệu quả cao. Còn thức ăn cho thỏ, anh thay thế bằng xác đậu, mỗi ngày 10kg chỉ khoảng 7.000 đồng. Như vậy, bước đầu tiên trong việc đầu tư nuôi thỏ của anh Sáu xem như ổn định.

Qua quan sát, anh nhận thấy thỏ mẹ đẻ theo vòng sinh sản 1 tháng 1 ngày thì cho nhiều thỏ con nhưng thỏ mẹ lại mất sức, chất lượng đàn thỏ con không tốt. Thế là anh dãn cách kỳ sinh sản của thỏ mẹ lên 2 tháng. Như vậy từ 8 con thỏ mẹ, mỗi năm đẻ 6 lứa, anh Sáu thu được hơn 40 thỏ con. Để nâng chất lượng đàn thỏ con, hàng năm anh chọn lọc, bỏ đi những thỏ mẹ yếu, thay thế bằng những thỏ cái khoẻ, hoặc thay thế thỏ đực phối giống để tránh trùng huyết. Nhờ vậy, đàn thỏ của anh phát triển rất tốt, lúc nào trong chuồng cũng có khoảng 30 con. Thỏ con 25 ngày tuổi là có thể bán cho người mua làm giống, còn thỏ thịt thì khoảng 2,5 tháng thì bán, lúc này mỗi con thỏ có trọng lượng trung bình từ 2kg trở lên. Về đầu ra rất ổn định, trước kia có thương lái ở TP.HCM lên mua tận nhà; nay thì các quán ăn trong tỉnh gọi điện thoại đến nhà anh đặt mua thỏ với giá 60.000 đồng/kg, trả tiền công làm thỏ là 20.000 đồng/con. Ước tính mỗi năm thu nhập của anh từ đàn thỏ và nghề mua bán thỏ là gần 50 triệu đồng.

Anh Trịnh Văn Sáu tâm sự: “Nghề nuôi thỏ vốn ít, phù hợp với nhiều nông dân. Quá trình chăn nuôi cũng dễ và thu nhập tương đối, giúp cải thiện kinh tế gia đình ”.

Từ mô hình của anh Trịnh Văn Sáu cho thấy không cần vốn lớn mà chủ yếu người nông dân biết tìm mô hình phù hợp với đồng vốn và chịu khó trong quá trình sản xuất thì sẽ tạo thu nhập khá, nâng cao đời sống.

QUẾ HƯƠNG